Nỗi niềm vườn lộc vừng cổ

TÙNG DUY 25/06/2023 20:56

Một "báu vật xanh" nghìn năm tuổi đang có nguy cơ lụi tàn vì thiên nhiên khắc nghiệt - vườn lộc vừng độc nhất vô nhị ở Phú Thọ và những câu chuyện về mộ cổ dưới tán cây già di sản thực sự khiến người nghe cảm thấy kỳ bí.

Vẻ đẹp kỳ ảo trong vườn cổ.

Kỳ bí vườn lộc vừng cổ 1.000 năm tuổi

Đường bê tông nhỏ chạy thẳng ra cánh đồng Láng Chương, từ xa thấy gò Thờ nổi lên như con rùa xanh khổng lồ, đó là gò lộc vừng cổ xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Ngỡ ngàng trước "báu vật" của làng Quyết Tiến đã sinh tồn cả thiên niên kỷ, gò lộc vừng có những cây thân to hơn cỡ người ôm, vỏ mốc rêu, ngả nghiêng nặng trĩu, lại có cây dáng mặc trầm giữa nắng lửa. Ánh mặt trời xuyên vắt vẻo xuống tán cây càng kỳ ảo như rồng phượng diễn xướng khắp vườn. Thảm hoa đỏ nhuộm lên mặt đất một màu như nhung.

Ước tính hơn nghìn năm tuổi, gò lộc vừng vẫn sừng sững và được vinh danh cổ thụ di sản Việt Nam hơn chục năm trước. "Từng có 86 cây. Thiêng lắm, nhưng bị gãy đổ nhiều. Cứ gió mạnh là đổ. Đó là linh hồn của làng" - vẻ thẫn thờ trên gương mặt ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch Hội người cao tuổi Chương Xá, lúc dẫn chúng tôi vào vườn cổ. Vài cây rất to đổ rạp, gốc già đanh bật lên khô cứng. Giữa gò hiện ra ngôi mộ cổ gắn biển mờ "Mùng 10 tháng Ba năm 1011".

Làng tương truyền, đồng Láng Chương xưa trũng lầy nổi lên một gò đất rộng chừng vài trăm mét, được cổ nhân trồng 86 cây lộc vừng quý hoa đỏ và 2 cây cọ nhằm thờ Ngọc Hoa công chúa, nên gọi là gò Thờ. Thuở Hùng Vương, công chúa và tùy tùng dạo thuyền qua bán sơn thủy này gặp đại phong cuốn đắm. Dân làng vớt xác công chúa lên an táng tại gò. Mối sinh cứ đắp thành mộ cao.

Lại có thư tịch cổ Chương Xá ghi mộ thờ công chúa Tiên Dung, tức bà Trần Thị Quế, vợ của Chử Đồng Tử. Đến năm 1061, tức sau đó hơn 1 nghìn năm (đời nhà Lý) thì làng xây mộ đá ong này, có gắn chữ số như trên. Dân trồng lộc vừng bao quanh mộ nhằm ý loại cây quý, thân gỗ sống lâu, lại tỏa hương 2 mùa. Từ ấy gò xanh tốt mãi và được người làng gìn giữ qua nhiều thế hệ. Làng xưa còn bắt ốc mò thấy con rùa đá, nên mộ cổ có 4 bát hương thờ Ngọc Hoàng, công chúa Ngọc Hoa, thần Kim Quy và Thổ địa.

Kiêm việc coi sóc gò Thờ, ông Ngọc Anh hằng ngày dọn cỏ, quét lá nhặt cành chăm bẵm từng gốc cây. Ông kể những chuyện thiêng có phần ma mị, thực ảo lẫn lộn mà huyền bí...

Cây đổ quanh mộ cổ sau mỗi cơn gió bão.

Hơn 40 năm trước, một chiều oi nồng có người đàn ông tuổi trung niên về làng, nói là đi thăm thú cảnh quê rồi xin vào ngủ nhờ qua đêm. Nửa đêm anh ta bí mật lấy thuyền chèo ra gò Thờ dùng xẻng đào bật gốc 2 cây cọ. "Hồi đó có lời đồn dưới gốc cọ có chum vàng. Có lẽ anh ta định đào trộm cổ vật" – ông Ngọc Anh kể lại. Sáng ra dân làng mới phát hiện, còn người đàn ông đã biến mất. Từ đó gò không còn cây cọ nữa, và cũng không rõ kẻ lạ mặt có đào được gì không. Làng cũng bắt đầu cảnh giác hơn, phân công người trực ngày đêm canh gò, lo rằng mộ cổ khó yên trước nạn ăn trộm cổ vật.

Nhiều người làng bên, xã lân cận, nhất là ở Văn Khúc, đến gò cắt trộm cành lộc vừng về trồng, đã xảy ra những tai ương kỳ lạ. Người chết, tai nạn, đột quỵ, bệnh tật..., ông Ngọc Anh kể. Cứ thỉnh thoảng người làng Quyết Tiến lại thấy có vài khúc cành cây cả tươi lẫn khô được trả lại gò. Chuyện trộm cây gặp họa cứ lan truyền khắp nơi khiến không một ai dám lấy lộc vừng ở gò nữa. Ông Chủ tịch Hội người cao tuổi còn kể về thuở ấu thơ cùng trẻ trâu thường chơi trò "leo chuyền". Lộc vừng cổ ngả nghiêng, cành to đan nhau vững chắc, trẻ nhỏ leo từ cành nọ sang cành kia đuổi bắt nhau, ai thò chân chạm đất là thua cuộc. Dân làng mùa nóng thì ra mắc võng ngủ trưa, mùa làm đồng thì vào gò trú mưa mà không ướt...

Bước dạo trong gò cổ, cỏ cây um tùm nhưng sạch sẽ, không thấy bóng chim. "Ngoài mối thì gò không bao giờ có sâu bọ, rắn rết, chim muông, chuột cũng không bò. Nhiều thợ rắn từng đến đặt bẫy rồi bỏ đi" - lời kể của ông Ngọc Anh được Phó Chủ tịch UBND xã Chương Xá, ông Đỗ Cao Trí, cùng đi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết xác nhận. Ấy cũng là điều kỳ lạ của gò lộc vừng cổ.

Chỉ tay vào cây lớn mới đổ cạnh mộ cổ, ông Ngọc Anh kể rằng, đúng 4h48 phút rạng sáng mùng 9/3/2023 âm lịch, ông giật mình thức giấc vì một tiếng sét lớn. Ông gọi điện ngay cho trưởng thôn, lo lắng gò Thờ có chuyện. Hai ông phi xe máy tới gò thì quả nhiên thấy một cây rất to đã nằm quàng nách mộ. Cây này vốn ngả trúng hướng mộ, từ lâu xã và thôn đã định gia cố cọc sắt chống đỡ.

Mộ linh thiêng không ai dám mạo phạm, bất kính. Làng bao đời bảo nhau phụng thờ, tâm niệm được chính mộ cổ và gò lộc vừng che chở, phù hộ. Khách ở phương xa từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội còn tìm đến thắp hương. Nhưng thiên nhiên khó lường, mỗi năm lại đánh gục vài cây. Nghìn năm lộc vừng quấn quýt, cành đan ngang xéo đoàn kết bọc lấy mộ cổ, dường như đã có phần đuối sức. Cơn bão ngày 8/5 vừa qua lại đốn 3 "cụ cây" nữa. Tất cả được thôn giữ nguyên hiện trường, như để đó cái lẽ tự nhiên sinh tồn.

Vườn cây di sản lộc vừng cổ Chương Xá.

Thách thức bảo tồn gò cổ

Du khách tứ phương tìm về gò lộc vừng chiêm ngưỡng. Giới trẻ "check in" lưu niệm, nán lại hồi lâu mùa lộc vừng trải hoa đỏ. Lớp rêu phong phủ lên mộ thiêng, những thân cây xù khô, và lớp thảm hoa đỏ rụng xuống càng tựa như trong phim kiếm hiệp. Làng xã đã từng bàn chuyện cải tạo quanh gò có kênh lưu thủy nhằm dưỡng nước cho cây, giữ gò xanh "báu vật" mà tạo điểm nhấn cho du khách. Trong làng Quyết Tiến nhà nào cũng có một vài cây lộc vừng đón khách.

Nhưng dù dân có ruộng quanh gò Thờ sẵn sàng hiến đất đào kênh bao, trồng lại hai cây cọ, có người xây tặng cầu sắt nối vào gò, có người công đức hàng trăm triệu đồng mua cây mới trồng bù, làm cột đèn chiếu sáng bằng pin mặt trời..., làng vẫn bất lực, xót xa chứng kiến cây già nghìn năm đổ xuống. Giờ chỉ còn 46 cây, và vẫn đang có nguy cơ đổ tiếp.

"Đồng bây giờ không trũng nước như xưa, mà lộc vừng thì ưa nước, khắc nghiệt nắng gắt khiến gốc khô đét, chỉ còn lớp vỏ nuôi cây. Gió to lại đổ" - Phó Chủ tịch xã Đỗ Cao Trí nói.

Những cú điện thoại, những văn bản cấp báo lên huyện Cẩm Khê, lên Sở Văn hóa, đến tận Cục Di sản, để những đoàn cán bộ về kiểm tra, đánh giá thực trạng, rồi... đi. Dân xót xa khi chứng kiến cây vẫn đổ mỗi mùa bão gió.

Tháng 10/2022, Chủ tịch xã Chương Xá, ông Đỗ Hữu Huy viết báo cáo gửi huyện, nêu thực trạng cây di sản gãy đổ do già cỗi, lõi cây khô kiệt. Dân mua đất đắp cội cây hở rễ nhưng không hiệu quả. Xã đề xuất cắt tỉa, mua ống thép trụ chống cây nghiêng, đánh mối, và làm kè bờ bao quanh ủ nước... Nhưng tiền đâu? Lại là vườn di sản nên làng xã đâu dám tự ý tác động, còn huyện Cẩm Khê thì chưa phản hồi.

Vùng quê vừa thoát khỏi "xã miền núi đặc biệt khó khăn" với dân số vài ngàn người, vẫn gắng gìn giữ gò lộc vừng nghìn năm. Nay di sản có nguy cơ bị thiên nhiên tàn phá, tiếng kêu cứu từ Chương Xá nhiều lần phát đi, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan quản lý nào vào cuộc.

Nhớ ngày Hội đồng cây di sản Việt Nam cùng cán bộ tỉnh, huyện, xã về thôn Quyết Tiến tổ chức gắn biển cây cổ di sản cho gò lộc vừng Láng Chương, dân quanh vùng nô nức kéo đến, già trẻ gái trai rạng mừng tự hào. Người Chương Xá nói quê chưa từng có ngày vui đến thế. Nhưng giờ cây đổ mà vắng bóng cán bộ. Di sản quý đang cần lắm giải pháp cấp bách cứu vớt, cũng là giữ chặt hơn niềm tự hào và sự đồng thuận tấm lòng người Chương Xá mãi về sau...

Lãnh đạo Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho rằng, cây di sản ở gò lộc vừng cổ Chương Xá không thuộc diện quản lý của đơn vị này, nhưng cũng không cho biết ai phải chịu trách nhiệm. Ông Ngô Quang Ước - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê, nhiều lần không trả lời điện thoại và tin nhắn của phóng viên khi được hỏi về trách nhiệm đối với cụm cây di sản đặc biệt gò Thờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi niềm vườn lộc vừng cổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO