Lâm Quang là ngôi chùa nhỏ nằm trong con hẻm ở địa chỉ 301/117/70H, bến Bình Đông, phường 14, quận 8, TP HCM. Ở đây có một nhà dưỡng lão tình thương do chính nhà chùa thành lập, dùng làm nơi nuôi dưỡng nhiều cụ già bất hạnh không nơi nương tựa, được khá nhiều người biết tới.
Những người già bất hạnh đang sinh sống tại chùa Lâm Quang.
Sự hiện diện của nhà dưỡng lão này xuất phát từ tấm chân tình của Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyển (bà cũng là trụ trì nhà chùa). Ni sư Huệ Tuyển kể: “Năm 1990, khi được phân công về nhận tiếp quản chùa này, tôi thấy có 4 cụ bà hành khất cứ ban ngày đi lang thang khắp nơi kiếm sống, tối về xin vào ngủ nhờ. Quá xúc động trước những cảnh đời bất hạnh, tội nghiệp ấy, tôi bàn với các ni sư trong chùa đưa luôn các cụ vào đây chăm sóc và tất cả họ đều đồng ý.
Cũng từ ngày đó, thi thoảng lại có thêm vài cụ khác tìm tới xin nương náu. Tôi cho rằng đó cũng là cái duyên nên những số phận mới tìm đến nhau và nhà chùa chúng tôi đã thu nhận tất cả những cụ bà có cảnh đời neo đơn, cô độc, những số phận cần sự sẻ chia. Nhà dưỡng lão chùa Lâm Quang chính thức thành lập từ năm 1997 và hoạt động tính tới nay đã nhận chăm sóc không dưới 300 lượt cụ bà. Dĩ nhiên mỗi năm cũng có một số cụ qua đời vì tuổi tác, bệnh già, nhưng số lượng các cụ mới xin vào luôn cao hơn”.
Có lẽ từ hiệu quả của việc làm nhân ái này mà nhà chùa Lâm Quang luôn có nhiều nhà hảo tâm và người dân tự nguyện đến phụ giúp, người góp chai dầu ăn, ký gạo, ký muối, chai nước tương, bìa đậu hũ… người không tiền thì góp công, góp sức “làm công quả” để giúp nhà chùa chăm sóc tốt cho các cụ. Nhà chùa đã tiết kiệm tất cả mọi chi phí và từ cách nay khoảng 7 năm còn mạnh dạn mở rộng thành 2 khu nhà dưỡng lão: Khu dành cho những cụ lớn tuổi đang bệnh nặng và khu dành cho những cụ sức khỏe còn tạm ổn.
Hiện tại, chùa Lâm Quang đang cưu mang tổng cộng 149 người, trong đó có 132 cụ bà từ 65 đến 90 tuổi, số còn lại là trẻ em cơ nhỡ. Hàng ngày có gần 20 sư cô cùng nhau chăm sóc các cụ trong những chuyện như ăn uống, ngủ nghỉ, tắm giặt, dọn dẹp vệ sinh chỗ ở…
Đến với nhà chùa – theo ý kiến của chính các cụ bà đang sống tại đây - ít ra các cụ không còn nhận thấy sự lạc lõng, bị đẩy ra ngoài rìa xã hội như những ngày họ còn lang thang ngoài đường phố, hoặc với một số người sẽ tạm lắng đi những nỗi cô độc đã từng gánh chịu ngay trong chính căn nhà, người thân của mình khi khoảng cách giữa các thế hệ là một thực trạng đau lòng có thật. Cũng ở đây, các cụ được có người trò chuyện, được có người lắng nghe, thậm chí khi không may qua đời thì đều được nhà chùa lo hậu sự từ đầu tới cuối, từ các thủ tục an táng tới việc ma chay, thờ cúng.
Dù có tấm lòng từ bi quãng đại, nhà chùa cũng không thể một mình lo hết cho mọi người mà vẫn cần những sự giúp đỡ từ muôn nơi. Vào những ngày lễ lớn, đại diện nhiều cơ quan, đơn vị thường xuyên đến thăm và tặng quà, các y bác sĩ cũng thường xuyên đến nhận khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho tất cả, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương luôn nhiệt tình ủng hộ nhà chùa về mọi mặt. Ngoài việc thiện, chùa Lâm Quang còn đóng góp nhiều chương trình hỗ trợ cho các phong trào từ thiện xã hội như góp sức, góp của cứu trợ bà con bị thiên tai, bão lụt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng như một số nước bạn.
Những nghĩa cử cao đẹp của nhà chùa Lâm Quang và các nhà hảo tâm trong công tác này suốt 22 năm qua quả thật đáng trân trọng.