Nơm nớp lo ngập mùa mưa

ĐOÀN XÁ 20/05/2023 07:10

TPHCM đã bước vào mùa mưa, một số tuyến đường đã xuất hiện tình trạng ngập nước. Trong khi đó, nhiều dự án chống ngập vẫn đang “trùm mền” hoặc tiến hành chậm chạp.

Ngập nước đầu mùa mưa ở đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân).

Tuần qua, TPHCM đã có khoảng 5 trận mưa rải rác ở một số quận, huyện. Mặc dù chỉ là mưa đầu mùa, thời gian chừng một giờ đồng hồ nhưng đã khiến nhiều khu vực tái diễn tình trạng ngập nước.

Gần nhất, đợt mưa tối ngày 16/5 đã khiến một số tuyến đường như Hồ Học Lãm, quốc lộ 1A, hầm chui Tân Tạo, Tên Lửa, Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) hay đường Song Hành (quận 12), đường Trường Chinh (quận Tân Bình)… ngập nước.

Chị Nguyễn Thị Loan - một công nhân trú tại quận Bình Tân cho biết, ngày 16/5, khi tan ca làm việc về nhà thì gặp mưa, phải trú mưa tại hầm chui Tân Tạo khoảng 1 tiếng thì thấy khu vực này đã ngập nước chừng 1m, xe gắn máy không thể lưu thông. Nhiều phương tiện buộc phải quay đầu, đi vòng hướng quốc lộ để qua đường thay vì đi hầm chui như thông thường.

Cũng theo lời chị Loan, nhiều năm qua khu vực hầm chui, đường quốc lộ 1A ở khu vực này thường xuyên diễn ra tình trạng ngập nước. Thậm chí đây cũng là điểm đen ngập nước nhưng tình trạng chưa được giải quyết triệt để.

Cách đó không xa, đường Hồ Học Lãm, một điểm đen ngập nước khác cũng chịu chung số phận. Tuyến đường dài chừng 5km có nhiều khu vực thường xuyên bị ngập khi mưa lớn. Tình trạng này kéo dài khoảng gần 10 năm nay, dù có một vài dự án cải tạo, nâng cấp kênh rạch khu vực nhưng chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ngập nước.

Được biết, ở khu vực này hiện có một số dự án hạ tầng quan trọng đang quy hoạch và chưa chính thức khởi công khiến việc thực hiện dự án giải quyết ngập nước bị trì hoãn.

Theo tìm hiểu của PV, TPHCM có nhiều dự án cải tạo, nâng cấp đường cầu, cống hay kênh rạch… nhằm xóa bỏ tình trạng ngập nước mùa mưa. Tuy nhiên, tới nay nhiều dự án vẫn đang chậm tiến độ so với kế hoạch.

Ông Bùi Thanh Tân - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho biết, hiện có một số dự án hạ tầng đang chậm so với kế hoạch. Cụ thể, có 3 dự án giải quyết 3 điểm ngập ở đường Tân Quý (quận Tân Phú) và ở đường Trương Công Định, Ba Vân (quận Tân Bình) chưa thực hiện xong. Đây là các dự án mà theo kế hoạch sẽ thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó là các dự án cải tạo hệ thống thoát nước ở đường Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) hay đường Thảo Điền (TP Thủ Đức)…

Theo ông Tân, nguyên nhân khiến các dự án chống ngập trên chậm tiến độ ngoài việc nguồn vốn giải ngân chưa kịp thời thì công tác di dời hạ tầng cây xanh, điện… cũng bị chậm, kéo theo việc triển khai dự án không như kế hoạch ban đầu.

Ngoài các dự án có quy mô nhỏ, giải quyết theo cách xác định điểm ngập và triển khai dự án cải tạo, nâng cấp… để giải quyết sớm thì ở TPHCM cũng đang triển khai nhiều dự án chống ngập có quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Đó là dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát (hơn 8.000 tỷ đồng) hay dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (hơn 9.600 tỷ đồng), dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng…

Điểm chung của các dự án trên là nguồn vốn rất lớn, thời gian triển khai từ 5 tới 15 năm và có nhiều lý do được đưa ra cho việc chậm hoàn thành đã khiến tình trạng ngập nước thêm phần phức tạp. Ngoài ra, theo Sở Xây dựng, các quy hoạch thoát nước trước đây của TPHCM cũng được cho không còn phù hợp khiến tình trạng ngập nước vẫn tiếp diễn.

Để chống ngập giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM xác định triển khai 120 dự án với tổng vốn hơn 101.000 tỷ đồng. Trong 2 năm đầu thực hiện chương trình giảm ngập và xử lý nước thải, nguồn vốn được giao chỉ hơn 6.700 tỷ đồng và kết quả mới giải quyết được 5/18 tuyến đường ngập do mưa, 7 tuyến đường trục chính ngập do triều.

Sở Xây dựng nhìn nhận các công trình chống ngập đều chậm tiến độ so với kế hoạch và nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về nguồn vốn. Việc mời gọi đầu tư đối với lĩnh vực thoát nước, chống ngập vẫn còn hạn chế, chưa khuyến khích được các nguồn lực bên ngoài tham gia.

Theo các chuyên gia, để giảm ngập TPHCM cần đảm bảo hai việc là điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước theo hướng cập nhật dữ liệu đầu vào và mở rộng phạm vi chống ngập. Và việc quan trọng thứ hai là làm sao TPHCM có cơ chế huy động các nguồn lực tài chính, bởi thực tế cho thấy nhiều nơi được đầu tư tốt đã cơ bản giải quyết được tình trạng cứ mưa là ngập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơm nớp lo ngập mùa mưa