Người dân ở thôn nằm giữa sông Gianh như Tân Thượng, Vân Đông, (xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn), Cồn Két (phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn), Thuận Hòa, (xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch) ở Quảng Bình đang lo lắng trước tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng trầm trọng. Còn đối với ngư dân ở hai bên cửa sông Roòn (xã Cảnh Dương và Quảng Phú, huyện Quảng Trạch), thì nạn cát bồi đắp cửa biển cũng gây ra bao nỗi khó khăn khi di chuyển tàu thuyền vào nơi neo đậu.
Sạt lở bờ sông ở xã Quảng Hải.
Dọc theo dãy bạch đàn chắn gió ở thôn Vân Đông (xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn) là cảnh tượng sạt lở bờ sông kéo dài hơn 1km. Hằng ngày nhìn những gốc cây bạch đàn bật rễ trước sự xói mòn; những mảng đất màu mỡ bị nuốt trôi, người dân ở đây không khỏi xót xa. Nhiều đoạn mép sông chỉ còn cách mặt đường bêtông khoảng 1m, cách nhà dân hơn chục mét đang khiến người dân thôn Vân Đông, xã Quảng Hải đứng ngồi không yên.
Ông Lê Phước, một người dân sống gần bờ sông chia sẻ: Nếu như chính quyền địa phương và người dân không có biện pháp khắc phục thì đến mùa lũ năm sau, con đường bê tông này sẽ bị nước sông cuốn trôi, hàng chục ngôi nhà bị uy hiếp.
Ngược lên phía Bắc của xã Quảng Hải, tình hình sạt lở bờ sông ở thôn Tân Thượng cũng đang diễn ra nghiêm trọng. Ông Trần Nghiêu (75 tuổi) dẫn chúng tôi đi về phía Đông của thôn, nơi có những diện tích đất trồng hoa màu của bà con nông dân đang bị sạt lở. Không chỉ tiếc diện tích đất hoa màu biến mất, người dân thôn Tân Thượng đang lo lắng diện tích đất nghĩa địa ở sát bờ sông nơi chôn cất mồ mả tổ tiên cũng đang có nguy cơ bị cuốn trôi…
Những năm gần đây, cửa biển sông Roòn bị cát bồi đắp nghiêm trọng nên việc tàu thuyền đi lại, cập bến gặp rất nhiều khó khăn, gây thiệt hại về kinh tế và cuộc sống của ngư dân. Ngư dân Nguyễn Thanh Long, chủ tàu QB 93358TS chia sẻ: Từ khi cửa biển bị bồi lấp, tàu thuyền trong tổ hợp tác khó có thể vào bờ để nhập thủy sản và mua nguyên, nhiên liệu. Vì vậy, các tàu đều phải neo đậu ngoài xa, sau đó thuê thuyền nhỏ để ra vận chuyển hàng hóa vào bờ, do đó phát sinh thêm chi phí vận chuyển và tốn kém thời gian.
Theo nhiều ngư dân, trước đây cửa biển sông Roòn rộng khoảng hơn 100m, các tàu có công suất lớn đến 700CV vào ra bến dễ dàng. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây cửa biển thường xuyên bị bồi đắp nên lạch nước chảy sâu chỉ rộng khoảng gần 20m, phần còn lại đều bị cát bồi đắp nên tàu thuyền rất khó ra vào. Vừa qua, tàu cá có công suất hơn 200CV của gia đình anh Nguyễn Xuân Hồng, ở thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương đã bị mắc cạn, gây thiệt hại hơn 300 triệu đồng.
Ông Cao Xuân Ngọc - Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho biết: “Tình trạng sạt lở đất dọc mép sông ở trên địa bàn xã đã xảy ra từ lâu, nhưng khoảng chục năm lại đây thì tốc độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Do kinh phí hạn chế nên xã mới chỉ đầu tư xây dựng được khoảng 300m kè bêtông trong tổng số khoảng 3km chiều dài đất bị sạt lở. Trước mắt xã đã vận động di dời những hộ dân trong vùng đặc biệt nguy hiểm. Phương án xây dựng kè sông kiến cố để an cư lạc nghiệp đang là ước mơ của người dân nơi đây. Vừa rồi, địa phương đã triển khai dự toán nhưng số vốn khoảng 140 tỷ đồng, do nguồn kinh phí lớn nên chúng tôi phải chờ”.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Quốc Việt (thôn Thuận Hòa) cho biết: “Mấy năm nay tình trạng sạt lở đất bờ sông ngày càng nghiêm trọng, nuốt trôi nhiều đoạn đường liên thôn, nhiều diện tích đất vườn của gia đình. Vì vậy, trước mắt để khắc phục tình trạng sạt lở, gia đình đã đi vay mượn tiền để mua 20 mét khối đá xanh làm kè chống xói lở đất”. Không chỉ riêng gia đình ông Việt, gia đình bà Phạm Thị Bông cũng đã mua 15 triệu đồng đá xanh để làm đoạn kè sạt lở trước nhà. Ông Hoàng Anh Vũ, trưởng thôn Thuận Hòa cho biết: Năm 2009, đã có đoàn khảo sát về đo đạc, làm hồ sơ thủ tục để triển khai xây dựng Dự án kè bờ sông nhưng đến nay chưa được triển khai. Nhiều hộ gia đình chờ mãi không thấy dự án về nên đã mua đá hộc tự làm kè bờ sông. Bên cạnh đó, ngư dân Cảnh Dương, Quảng Phú đã tự ngụp lặn dò đường cùng với kinh nghiệm đi biển để đưa tàu vào bờ neo đậu an toàn…