Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, trên cương vị tân Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã gọi ngày toàn dân đi bầu cử (23/5/2021) tới đây là Ngày hội của non sông.
Trách nhiệm ấy thôi thúc mỗi người cán bộ Mặt trận tiếp tục mang tinh thần đoàn kết đi muôn nơi, để nỗ lực, tận tâm hơn nữa trong công tác bầu cử, từ đó lan tỏa một luồng sinh khí mới trong giai đoạn chuyển mình bứt phá của công tác Mặt trận, nhiệm kỳ 2019-2024.
1. Sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cả nước bắt đầu bước vào đợt bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Câu chuyện tìm người tài đức và lựa chọn cho được những người thực sự đủ tài, đủ đức đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất cũng như ở các địa phương là việc quan trọng phải làm. Ở đó có vai trò hiệp thương và giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Đây cũng là trách nhiệm của mọi công dân nhằm góp phần xây dựng bộ máy chính quyền, phục vụ cho việc phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, thu hút và trọng dụng người tài đức trở thành quốc sách và thấm sâu vào quan niệm sống của nhân dân ta. Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và thu hút người tài đức để xây dựng, kiến thiết đất nước.
Nhưng để tìm và lựa chọn được đúng người, không phải là điều đơn giản. Bởi vì trong thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Trong khi đó, có những nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, trong đó có nguy cơ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí...
Cho nên vấn đề giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đang được mọi cấp, mọi ngành, mọi công dân quan tâm để làm sao tìm cho được, giới thiệu được những người có đức, có tài đại diện cho dân? Làm sao không để sót, để lọt người có đức, có tài, cũng như không giới thiệu nhầm người kém đức, thiếu tài?
Với nhận thức đó, công tác nhân sự, trong đó trọng tâm là cơ cấu, tiêu chuẩn, chất lượng và quy trình lựa chọn, giới thiệu ĐBQH và HĐND là yếu tố then chốt cho thành công của mỗi cuộc bầu cử.
Cũng như những lần bầu cử trước, bầu cử lần này được tiến hành theo các thủ tục, các bước hiệp thương chặt chẽ. Ở đó có vai trò vô cùng quan trọng của tổ chức Mặt trận.
Đặc biệt, trong các bước hiệp thương, Mặt trận đều hướng tới việc lập được danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Bởi chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của những người ứng cử và tiêu chuẩn, đạo đức, năng lực trình độ của những ứng cử viên rất được dư luận quan tâm.
Cho đến thời điểm này, Mặt trận từ Trung ương tới địa phương đã hoàn thành xong quy trình hiệp thương nhân sự, giới thiệu người đủ tiêu chuẩn để tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Những nội dung ở từng vòng hiệp thương đều được Mặt trận thực hiện dân chủ, khách quan và đúng theo quy định của pháp luật.
Nói như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, “Mặt trận đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử”.
2. Để hoàn thành được một việc lớn, phải bắt đầu từ nhiều phần việc cụ thể. Trong công tác bầu cử, MTTQ Việt Nam các cấp có 5 quyền và trách nhiệm quan trọng gồm: Tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; Tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; Phối hợp với các cơ quan Nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; Tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử; Thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử.
Theo ông Phạm Thái Hanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, Phó chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Thái Nguyên, việc lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp là công việc rất quan trọng, phải được tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng, theo đúng quy định. Vì vậy, ngoài việc bảo đảm về số lượng, cơ cấu, thành phần, cần phải đặc biệt chú trọng về tiêu chuẩn, chất lượng người được giới thiệu ứng cử. Trong quá trình hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ứng cử, dù là tự ứng cử hay được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu đều phải được thực hiện bình đẳng, dân chủ, khách quan, đúng quy định…
Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần ba, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức hội nghị cử tri để những người ứng cử ĐBQH gặp gỡ, tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử nhằm thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định của pháp luật.
Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7h ngày 22/5/2021).
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, việc tổ chức cho những người ứng cử được đi tiếp xúc cử tri phải được tiến hành rộng rãi để các ứng cử viên tiếp xúc sâu với người dân, tránh tiếp xúc hình thức. Trong tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử là phải tạo ra công bằng cho người ứng cử. Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri thì việc vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng là kênh rất quan trọng để các ứng cử viên được thực hiện quyền vận động bầu cử.
Trong thời gian tới, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Ở đó, trách nhiệm của Mặt trận là giám sát việc giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn vào các địa phương và các đơn vị bầu cử.
Cùng với đó, Mặt trận cũng sẽ tập trung giám sát việc lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri; giám sát việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, phân loại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử để đảm bảo những ý kiến, nguyện vọng, phản ánh đơn thư khiếu nại, tố cáo phải được các cấp có trách nhiệm giải quyết kịp thời… từ đó, đảm bảo cho ngày toàn dân đi bầu cử thực sự là ngày hội của non sông.
3. Trong không khí của những ngày Kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), hai tiếng Việt Nam tự hào vang lên trong lòng dân tộc.
46 năm trôi qua, từ những người Việt Nam vào sinh ra tử trong chiến tranh cho đến thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, càng có thời gian để lắng đọng, để hiểu sâu hơn bài học tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng của quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử, non sông nối liền một dải.
Đoàn kết chính là sứ mệnh của Mặt trận. Vì vậy, trên cương vị người đứng đầu MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến đã mong muốn và kêu gọi đồng bào, cử tri cả nước cùng đoàn kết một lòng, tích cực tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri, các cuộc trao đổi, mạn đàm do MTTQ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức và đặc biệt là hăng hái đi bầu cử vào ngày 23/5/2021 để thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của công dân, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của non sông.
Non sông một dải, đoàn kết một lòng - cũng là khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam càng cần được hun đúc và bồi đắp trong thời điểm hiện nay, ở đó có niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi một người cán bộ Mặt trận.
Trách nhiệm ấy thôi thúc đội ngũ cán bộ Mặt trận trên cả nước tiếp tục mang tinh thần đoàn kết đi muôn nơi, để nỗ lực, tận tâm hơn nữa trong công tác bầu cử, từ đó lan tỏa một luồng sinh khí mới trong giai đoạn chuyển mình bứt phá của công tác Mặt trận, nhiệm kỳ 2019-2024.