Thời gian qua, các nhà đầu tư ồ ạt đổ vốn vào bất động sản (BĐS) du lịch. Điều này chứng tỏ “miếng bánh” BĐS du lịch tiếp tục hấp dẫn hơn khi kinh tế - xã hội đất nước phát triển, nhu cầu du lịch gia tăng.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch nước ta ở mức từ 30 - 40%/năm. Dự kiến năm 2019, du lịch Việt Nam sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu khách du lịch nội địa. Tất cả các yếu tố trên góp phần thúc đẩy BĐS du lịch phát triển. Các chuyên gia trong ngành nhận định, thị trường BĐS du lịch Việt Nam đang có sự bùng nổ mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm rất lớn của đông đảo nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ông Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam khẳng định: “Không ít doanh nghiệp trước đây chỉ đầu tư BĐS nhà ở hoặc kinh doanh lĩnh vực khác thì nay đẩy mạnh đầu tư vào BĐS du lịch. Điều này vô hình trung tạo nên một làn sóng phát triển rất sôi động của thị trường BĐS du lịch ở khắp các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và nghỉ dưỡng”.
Ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, sức hấp dẫn đầu tư vào BĐS du lịch chủ yếu là các loại hình như khách sạn, resorts, căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, shop house hay khu phức hợp du lịch giải trí. “Đáng chú ý, chỉ trong thời gian ngắn số lượng cơ sở lưu trú du lịch tăng lên nhanh chóng. Năm 2011 cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 phòng, đến năm 2018 con số đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 phòng lưu trú. Như vậy, tốc độ tăng trưởng về quy mô phòng bình quân 12%/năm” - ông Siêu chia sẻ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, BĐS du lịch Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, nhược điểm. Ông Kai Marcus Schroter – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Du lịch và Khách sạn của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam nói: “90% các dự án đầu tư được kêu gọi thiếu tính khả thi là điều rất đáng suy ngẫm. Ở Việt Nam, các địa phương liên tục kêu gọi nhà đầu tư vào rất nhiều các dự án casino, trường đua, thể thao…Nghe thì thú vị, nhưng không thu hút vì khách sạn, resort cần có sự trải nghiệm. Tôi tin rằng, việc kêu gọi đầu tư này là một động thái tốt. Nhưng để đi vào thực tế, Việt Nam cần cân nhắc tính khả thi”.
Bên cạnh yếu điểm từ các điểm đến , ông Kai Marcus Schroter cũng đề cập tới vấn đề môi trường bị ô nhiễm khi hàng loạt các dự án BĐS nghỉ dưỡng lần lượt ra đời. “Tôi thấy người Việt Nam tỏ ra khá tự hào về các dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, nhưng lại khá dè dặt khi nói về mặt trái của vấn đề môi trường. Theo tôi, Việt Nam phải cân bằng giữa đầu tư tư nhân và các hạ tầng công. Đó không nhất thiết là sân bay, cao tốc, mà có thể là hệ thống xử lý nước thải, rác thải… hướng tới môi trường xanh, sạch nói chung” – ông Schroter nói.
Theo giới chuyên gia, làm BĐS du lịch không dễ. Phân khúc này đang cần những nhà đầu tư có năng lực tài chính, có trình độ chuyên môn cao, biết kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội.