Nóng bỏng cuộc chiến năng lượng

THẾ TUẤN 27/03/2022 14:52

Kể từ đầu năm 2022, giá dầu thô và khí đốt trên thị trường thế giới bắt đầu tăng tốc. Cho tới ngày 24/2, khi chiến sự Nga - Ukraine chính thức bắt đầu thì giá dầu lên nhanh. Đặc biệt, khi Mỹ và các đồng minh truyến thống châu Âu áp dụng nhiều biện pháp cấm vận kinh tế với nước Nga, trong đó có cả việc chấm dứt nhập khẩu năng lượng từ Nga, thì giá dầu thô vọt lên tới 132 USD/thùng (vào ngày 7/3). Kể từ trung tuần tháng 3, giá dầu thô bất định, nhưng ngày 26/3 đã vượt ngưỡng 120 USD/thùng. Đó là giá cao ngất ngưởng nếu so với mức 40 USD/thùng ở thời điểm đầu năm 2020. Cuộc chiến năng lượng thực tế đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Xe tải chở dầu thô tới nhà máy lọc dầu ở Mỹ. Ảnh: AFP.

Gấp rút đối phó, tìm kiếm dầu cả ở đối thủ

Lo ngại thiếu hụt năng lượng, chủ yếu là dầu thô, Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải tính đến chuyến công du tới Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vào ngày 16/3. “Mở van”- đó là mục tiêu của Thủ tướng Anh trước mối đe dọa thiếu hụt xăng dầu.

Trước đó, ngay sau khi Mỹ cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, Nhà Trắng đã nhiều lần liên hệ với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và Sheikh Mohammed bin Zayed al Nahyan của Arab Saudi, nhưng đề nghị điện đàm từ phía Tổng thống Joe Biden vẫn bị phớt lờ. Vì thế, chuyến công du với thông điệp “Mở van” của Thủ tướng Anh được phương Tây kỳ vọng là bước đột phá, khi ông Boris Johnson gọi 2 quốc gia Vùng Vịnh là “đối tác quốc tế quan trọng”- điều trước đây không xuất hiện, kể cả trong ngôn ngữ ngoại giao mềm dẻo nhất.

“Vương quốc Anh đang xây dựng một liên minh quốc tế để đối phó với thực tế mới mà chúng ta phải đối mặt. Arab Saudi và UAE là những đối tác quốc tế quan trọng trong nỗ lực đó. Chúng tôi sẽ làm việc với họ để đảm bảo ổn định thị trường năng lượng toàn cầu trong dài hạn” - Thủ tướng Anh nói.

Theo giới phân tích, với việc hóa đơn tiền điện và khí đốt của các hộ gia đình ở Vương quốc Anh có nguy cơ tăng hơn 50%, cùng với chi phí chạy xe hơi tăng cao, ông Boris Johnson phải chịu áp lực ngày càng tăng trong một chiến lược năng lượng khẩn cấp. Tại Anh, 4% khí đốt và 8% dầu mỏ đến từ Nga. Nếu không có nguồn cung thay thế thì “cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt” ở Anh sẽ đến sớm và kéo dài.

Nước Đức cũng không hơn gì Anh trong áp lực thiếu hụt năng lượng. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng phải công du tới Qatar và UAE không ngoài việc tìm kiếm giải pháp thay thế cho nguồn cung khí đốt từ Nga. Đức hiện nhập 55% lượng khí đốt tự nhiên của Nga.

Bên kia bờ Đại Tây dương, nước Mỹ cũng đang rơi vào tình thế khó khăn về nguồn năng lượng. Kể từ đầu tháng 3, giá xăng tại cả hai bờ Đông và Tây nước Mỹ đều leo thang. Giá xăng vào ngày 23/3 đã tăng hơn 20% so với ngày cuối cùng của tháng 2 (ngày 28/2). Các cây xăng luôn đông người mua do lo lắng sẽ cạn kiệt nguồn cung. Giá xăng dầu tăng cao đã khiến giá sinh hoạt tăng 7%, mức tăng cao nhất trong vòng 14 năm qua.

Trong bối cảnh đó, Nhà Trắng buộc phải tìm kiếm đối tác cung cấp mới, trong đó có cả Venezuela- quốc gia vẫn đang bị Mỹ cấm vận. Ông Juan Gonzalez - cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về khu vực Mỹ Latin cho biết sau khi hội đàm với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Phó Tổng thống Delcy Rodriguezc, dù Venezuela là đồng minh thân cận của Nga ở Mỹ Latin, nhưng có thể tăng cường xuất khẩu dầu thô nếu Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Plasencia, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Venezuela, nói rằng việc Washington và Caracas hợp tác trong lĩnh vực dầu khí không phải là một “mối quan hệ kỳ lạ” và rằng nước này xuất khẩu năng lượng sang Mỹ sẽ “tốt cho tất cả mọi người”, miễn là Washington tôn trọng chủ quyền của Venezuela và công nhận Tổng thống Nicolas Maduro là nhà lãnh đạo hợp pháp và duy nhất của Venezuela.

Venezuela hiện khai thác một triệu thùng dầu mỗi ngày.

Châu Âu lưỡng lự

Việc cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga đang gây ra nhiều khó khăn cho chính nước Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Lệnh cấm này bắt đầu từ ngày 8/3/2022, được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo trong một chiến dịch gây áp lực chống lại Moscow, nhằm cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu và trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đây là quyết định đơn phương của Washington khi chưa được sự đồng thuận của các nước châu Âu.

Sau tuyên bố của ông Biden cấm nhập khẩu dầu của Nga, giá dầu trên thị trường thế giới tăng vọt. Giá dầu Brent đã chạm mức trên 132 USD/thùng so với 97 USD/thùng trước xung đột. Giá hợp đồng dầu thô West Texas Intermediate giao tháng 4/2022 lên tới 129,44 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2008. Giá khí đốt cũng tăng lên mức kỷ lục. Nếu đầu năm 2022, EU đã trả 190 triệu euro mỗi ngày cho khí đốt tự nhiên nhập từ Nga, thì hiện nay con số này đã tăng lên 610 triệu euro.

Theo số liệu của Cục Thông tin năng lượng Mỹ, năm 2021, Mỹ nhập khẩu khoảng 672.000 thùng/ngày từ Nga, chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu và các sản phẩm tinh chế của Mỹ. Trong khi đó, nước Nga cung cấp 20% nhu cầu dầu thô và 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Năm 2021, trong lĩnh vực năng lượng, EU nhập khẩu 62% cho nhu cầu tiêu thụ từ Nga, trị giá 99 tỷ euro.

Việc “cự tuyệt” nguồn cung từ Nga, nhiều nước châu Âu sẽ gặp khó khăn vì thế một số nước đã bày tỏ việc phải tiếp tục mua dầu, khí đốt từ Nga. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Bulgaria Kirill Petkov nói, chính phủ của ông không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vốn không có lợi cho Bulgaria. Ông Petkov cho biết nền kinh tế Bulgaria không có nguồn cung cấp khí đốt nào thay thế cho Nga và nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria thuộc về Công ty Lukoil của Nga, cung cấp hơn 60% lượng nhiên liệu tiêu thụ trong nước.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng, không thể cấm nhập khẩu khí đốt của Nga, vì điều này sẽ gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp năng lượng của Hungary. Ngoại trưởng Đức Annalena Burbock cũng từng lên tiếng ủng hộ việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Còn bà Marine Le Pen, ứng cử viên Tổng thống Pháp, người nhận được ủng hộ rộng rãi sau Tổng thống đương nhiệm E. Macron nói: “Cấm vận đối với nguồn cung dầu của Nga, kinh tế EU có nguy cơ “chết trước”. Bà Le Pen cho rằng, việc sử dụng đòn bẩy này là đánh vào chính các công ty của Pháp và nền kinh tế Pháp có thể phải mất nhiều năm mới phục hồi được. “Hậu quả của một quyết định như vậy có thể còn tồi tệ hơn nhiều so với hậu quả của đại dịch Covid-19”- bà Le Pen so sánh.

Châu Âu hiện nay tiêu thụ khoảng 500 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm, trong đó 40% là do Nga cung cấp.

Bản chất sâu xa của cuộc chiến giá dầu

Giới quan sát quốc tế nhận xét rằng, lệnh cấm nhập dầu mỏ của Nga sẽ gây ra thiếu hụt trên thị trường khoảng 4 đến 5 triệu thùng/ngày; các nước OPEC và các đồng minh của họ không thể nào bù đắp được số lượng này, cho dù có “mở van” đến đâu đi chăng nữa.

Cuộc chiến năng lượng, tập trung vào dầu mỏ không bao giờ đơn giản. Hiện nay, OPEC và OPEC+ là các nước cung cấp nhiều nhất dầu mỏ ra thế giới, cùng với nước Nga. Dù đã có rất nhiều vận động, thương thuyết, kêu gọi và những áp lực ngày một tăng, nhưng OPEC cũng như OPEC+ vẫn không có ý định tăng sản lượng khai thác hàng ngày. Với lý do họ bảo vệ quyền lợi của chính mình, đồng thời cho rằng giá dầu thô lên cao gần đây chủ yếu là đến từ tâm lý hoảng sợ thiếu nguồn cung. Nhiều chủ liên doanh khai thác dầu mỏ khu vực Trung Đông cũng cho là chiến sự tại Ukaine cũng không thể kéo dài và lúc đó nguồn cung từ Nga sẽ trở lại, giá dầu sẽ đi xuống, nên “không việc gì phải vội vàng”.

Theo cách tính của các nhà cung ứng dầu mỏ, ở mức 30 USD/thùng là cân bằng. Trên đó là lãi còn dưới là lỗ. Đã có những thời gian dài giá dầu mỏ trên thị trường thế giới không “ngoi” lên được quá 60 USD/thùng. Nhưng nay nó đang vượt ngưỡng 120 USD/thùng sẽ rất có lợi cho các nước cung cấp dầu mỏ, nhưng lại đem đến thiệt hại cho rất nhiều quốc gia.

Cuộc chiến giá dầu được cho là “song hành” cùng chiến sự Nga - Ukraine, nhưng sâu xa nó cũng là cuộc chiến quyền lợi mà các quốc gia khai thác, cung ứng dầu thô “mặc cả” với phần còn lại của thế giới. Ngay cả khi giá dầu thô đã hạ nhiệt trong vòng 1 tuần qua, nhưng vẫn có những dự đoán, hay đúng hơn là cảnh báo được các công ty kinh doanh dầu đưa ra là giá dầu sẽ tăng lên 150 USD/thùng trong nửa đầu tháng 4 và hoàn toàn có thể lên tới 200 USD/thùng vào cuối năm.

Những dự đoán hay cảnh báo như vậy không khác gì “đổ dầu vào lửa”, càng khiến cho cuộc chiến năng lượng thêm nóng bỏng. Ai lợi, ai thiệt trong cuộc chiến này rồi hạ hồi phân giải nhưng trước mắt nó đã khiến dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 4,5% xuống còn 3,2% trong năm 2022 này, bất chấp việc thế giới mở cửa hoàn toàn trước đại dịch Covid-19 để khôi phục kinh tế.

Tại cuộc họp trực tuyến Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) giữa các bộ trưởng năng lượng, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra lộ trình độc lập về năng lượng, phấn đấu thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về nhập khẩu năng lượng vào năm 2030, bắt đầu từ khí đốt tự nhiên. Trong kế hoạch hành động mang tên “Hành động chung về năng lượng giá rẻ, an toàn và bền vững ở châu Âu”, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất giảm 2/3 lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga vào cuối năm 2022 và sẽ thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh khai thác năng lượng tái tạo trong tương lai, đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng… để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, điều đó không dễ vì EU quá phụ thuộc vào Nga về năng lượng. Năm 2021, 27% dầu mỏ, 41% khí đốt tự nhiên và 47% than đá của EU đến từ Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nóng bỏng cuộc chiến năng lượng