Nông dân bỏ ruộng ở Thanh Hoá-Kỳ II: Hiện hữu những nguy cơ

Nguyễn Chung 06/09/2017 08:15

Với 80% dân số cả nước đang gắn đời sống với sản xuất nông nghiệp thì câu chuyện nông dân đang dần chán, bỏ và trả ruộng khiến không ít người phải giật mình lo lắng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến một bộ phận người nông dân tại Thanh Hóa nói riêng, không còn thiết tha với đồng ruộng ?

Xót xa trước hàng nghìn ha đất bị bỏ hoang hoá.

Đi tìm nguyên nhân

Quay trở lại với thực trạng hơn 100ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở Tiến Lộc, chúng tôi có buổi trao đổi khá cởi mở và thẳng thắn với ông Lê Văn Thiết – Bí thư Đảng ủy xã này về những căn nguyên và lý do khiến người dân tại một xã có tính chất thuần nông đồng loạt bỏ ruộng.

Theo ông Thiết, song song với sự phát triển thịnh vượng của làng nghề rèn truyền thống từ cách đây khoảng 10 năm về trước là tình trạng người nông dân manh nha bỏ ruộng.

Ở thời điểm hiện tại, Tiến Lộc có tới hơn 1.500 hộ gia đình mở xưởng rèn, phần còn lại, nhận gia công các công đoạn khác từ các sản phẩm rèn. Điều này đã kéo theo sự thu hút, dịch chuyển lao động từ nghề nông sang nghề rèn như một điều tất yếu.

“Hiện nay, giá một công lao động trong nghề rèn dao động từ 150 – 300 nghìn đồng/ngày. Như vậy, một lao động có thể thu nhập từ nghề rèn du di từ 3,5 triệu đồng – 9 triệu đồng/tháng. Nếu đem so sánh với thu nhập từ trồng lúa thì rõ ràng nghề rèn đang đem lại hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần. Đây cũng là một trong những lý do khiến người nông dân tại Tiến Lộc bỏ ruộng!”- ông Thiết nhận định.

Là người gắn bó với nông nghiệp, ông Trịnh Ngọc Súy – Phó Bí thư Huyện ủy huyện Thiệu Hóa có cái nhìn khá tổng quát, kiến giải lý do khiến người nông dân bỏ ruộng ở góc độ của một nhà quản lý nhiều hơn.

Ông Súy cho biết: Thời gian qua, đã có một bộ phận người nông dân chán ruộng dẫn đến bỏ ruộng hoang. Ở nhiều vùng, do thiếu nhân công, thu nhập thấp nhưng vì sức ép của chính sách nên họ phải thuê người khác làm thay, sẵn sàng bỏ tiền thuê người đến canh tác trên chính thửa ruộng của mình. Đây mới thực sự là “phần chìm của tảng băng”.

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có thể thấy rất rõ những lý do cơ bản khiến người nông dân bỏ ruộng vẫn là: Trong nhiều năm qua, việc hình thành các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã thu hút một lực lượng lớn lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và thương mại.

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay, một số địa phương có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ truyền thống phát triển tốt, tạo nhiều việc làm tại chỗ cho nông dân, thu nhập cao hơn so với nghề trồng lúa.

Do vậy, nhiều hộ nông dân đã bỏ ruộng, trả ruộng, tập trung cho việc phát triển ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ.

Ngoài ra, vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng bão, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp cũng là những lý do khiến người nông dân nản chí.

Nhiều hộ đã được giao đất, nhưng hiện nay không còn lao động sản xuất, hoặc lao động già yếu không thể tham gia sản xuất, hoặc đã mất nên bỏ hoang, không tổ chức sản xuất.

Một số hộ lao động trẻ, khoẻ đi làm ăn xa, lao động già yếu ở nhà không sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, không đầu tư, mục đích chủ yếu là để giữ đất.

Căn cơ hơn, do giá vật tư, chi phí sản xuất cao, trong khi giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thường bấp bênh cũng khiến nông dân chán ruộng.

Theo tính toán của các chuyên gia, 5 năm trở lại đây, giá đầu vào tăng 1,7-2,5 lần, giá nông sản (lấy giá lúa làm chuẩn) chỉ tăng 1,2-1,3 lần.

Bên cạnh đó, ở một số huyện, việc đóng góp nhiều loại phí gồm: Bảo vệ đồng ruộng, giao thông nội đồng, kiên cố hoá kênh mương… được tính theo đầu sào nên nhiều hộ nông dân đã chủ động bỏ ruộng hoặc trả ruộng để giảm bớt các khoản đóng góp theo quy định của địa phương.

Nguyên nhân khác, để giảm xung đột, vào những năm đầu thập niên 90, thế kỷ trước, khi Nhà nước giao đất lần đầu cho hộ dân, đã giao theo chế độ bình quân cả về diện tích lẫn hạng đất. Hệ quả là đất nông nghiệp được giao cho các gia đình rất manh mún, xen kẽ, khó canh tác, khó đầu tư thâm canh.

Chính sách xa thực tiễn

Mặc dù ở nhiều nơi, chúng ta đã tiến hành dồn điền, đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu lớn và thực chất, nhiều vùng đã có những mảnh, thửa lớn hơn.

Tuy nhiên việc làm này vẫn chưa được tiến hành một cách triệt để, quyết liệt, dẫn đến tình trạng các địa phương chưa thể sản xuất theo quy mô cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

Ông Trịnh Ngọc Suý - Phó Bí thư Huyện uỷ huyện Thiệu Hoá nói: “Phải khẳng định rằng, khi chúng ta chưa có mảnh, thửa lớn thì chưa thể tiến hành sản xuất lớn. Chưa tiến hành sản xuất quy mô được thì chưa có sản phẩm lớn chất lượng và tạo ra được giá trị thặng dư lớn! Nếu không giải quyết được vấn đề này, tôi e chuyện người nông dân chán nghề nông sẽ trở thành căn bệnh trầm kha đối với ngành nông nghiệp!”.

Nói về những hệ lụy từ việc nông dân bỏ ruộng, ông Nguyễn Văn Ấp – Bí thư Huyện ủy huyện Hậu Lộc khẳng định: Nếu để xảy ra tình trạng nông dân bỏ ruộng ồ ạt sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền nông nghiệp và an sinh xã hội. Khi bỏ đi tư liệu sản xuất, người nông dân sẽ di cư tự do ra thành phố tìm kiếm việc làm.

Một nguy cơ tiềm ẩn hiện hữu nữa là: Tình trạng nông dân bỏ ruộng còn cho thấy những chính sách dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn của chúng ta có dấu hiệu xa rời thực tiễn.

(Còn nữa...)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân bỏ ruộng ở Thanh Hoá-Kỳ II: Hiện hữu những nguy cơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO