Nông dân Đà Nẵng lao đao vì cây mía

Bình Nguyên 03/07/2021 06:23

Gần 400 hộ dân ở xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang đứng ngồi không yên bởi các cánh đồng mía bạt ngàn dọc 2 bờ sông Yên đến kỳ thu hoạch nhưng bán không ai mua.

Nông dân xã Hòa Bắc thu hoạch mía dưới trời nắng nóng. Ảnh: Bình Nguyên.

Trưa 2/7, nắng chói chang nhưng đứng từ cầu Khe Răm của thôn An Định trông ra sông Yên, chúng tôi vẫn gặp những nông dân đẫm mồ hôi dưới nền nhiệt lên đến gần 40 độ, chặt mía gom thành từng vác chất lên xe công nông. “Mía chở đi mô?”, tôi hỏi và được người phụ nữ ở thôn An Định thở dài bảo “Ai mua mô mà chở!?”. Không có thương lái đến mua, không có địa chỉ giao hàng nhưng gần 400 hộ nông dân trồng mía ở xã Hòa Bắc vẫn cứ đều đặn thức dậy từ 5 giờ sáng ra đồng chặt từng cây mía sắp khô quắt vì nắng nóng.

Trời càng nắng, mía càng ngọt nhưng vụ mía năm nay ở xã miền núi Hòa Bắc của Đà Nẵng chỉ thưa thớt người đến hỏi rồi lắc đầu bỏ đi. Người đàn ông ở thôn Nam Yên vừa cởi áo vắt cho kiệt mồ hôi vừa nói với chúng tôi rằng thương lái đã đặt cọc mua 5 sào mía của nhà ông nhưng giờ họ bỏ không mua. Không biết bán cho ai nhưng người đàn ông ngoài 50 tuổi vẫn cặm cụi róc, đếm từng cây mía, bó lại thành từng vác (25 đến 30 cây/vác).

Theo lời người đàn ông thì những vụ trước 5 sào mía của nhà ông cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/vụ, sau khi đã trừ hết các khoản chi phí. Vụ mía năm nay giá mua tại ruộng giảm xuống còn một nửa, chỉ còn 50.000 đồng/vác mà vẫn rất ít người đến hỏi mua. Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ có các cánh đồng mía dọc sông Yên thưa vắng thương lái mà hàng quán ép nước mía dọc tuyến đường nối Nam Ô (Liên Chiểu) với Hòa Bắc (Hòa Vang) cũng không có khách.

Trận lụt lớn cuối năm 2020 bồi đắp phù sa trên suốt chiều dài hàng chục cây số bờ sông Yên qua xã Hòa Bắc khiến cây mía lên nhanh và ngọt đậm. Từ cuối tháng 5 cho đến tháng 8 là thời điểm nông dân Hòa Bắc thu hoạch mía. Dịch Covid-19 kéo dài từ năm 2020 với liên tiếp các đợt cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt, dừng mọi hoạt động kinh doanh mua bán phục vụ tại chỗ nên lượng tiêu thụ mía ở xã Hòa Bắc và các địa phương khác của Đà Nẵng giảm rõ rệt.

Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam cho biết, toàn xã có gần 200 ha mía dọc sông Yên. Để hỗ trợ trên 350 hộ gia đình trồng mía, địa phương này đã giao cho các hội, đoàn thể chủ động tìm nguồn tiêu thụ và đầu ra cho sản phẩm từ cây mía đã được đăng ký nhãn hàng sản phẩm “Mía Hòa Bắc” với Cục sở hữu trí tuệ.

Những ngày này, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Bắc Lê Minh Tuấn cùng với Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể của xã này gần như có mặt thường xuyên ở nơi nông dân thu hoạch, ép mía để đưa mía đến các địa chỉ tiêu thụ. Việc hội, đoàn thể của xã Hòa Bắc hỗ trợ phương tiện vận chuyển, nhãn hiệu, bao bì, thùng đá cũng như liên hệ ký hợp đồng tiêu thụ mía và sản phẩm nước mía đóng chai giúp giảm khó khăn trước mắt cho nông dân. Tuy nhiên về lâu dài, gần 400 hộ dân ở xã miền núi Hòa Bắc vẫn cần có đầu ra ổn định cho cây mía thay vì phụ thuộc nhiều vào thương lái như hiện nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, xã Hòa Bắc còn gần 100 ha mía (trên 2.500 tấn mía cây) chưa thể thu hoạch vì không có người mua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Đà Nẵng lao đao vì cây mía

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO