Nông dân miền Tây tất bật vụ cá khô

ĐOÀN XÁ 16/01/2023 09:30

Những ngày này, trong ánh nắng ấm áp của thời tiết phía Nam, nhiều người dân miền Tây Nam bộ đang hối hả vụ làm khô cá. Những mặt hàng quen thuộc như khô lóc, khô cá kèo, cá sặc, khô ếch... là sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Nông dân miền Tây làm khô cá kèo dịp cuối năm.

Thoăn thoắt lật từng con cá kèo nhỏ như chiếc đũa đã gần đủ nắng, bà Nguyễn Thị Tâm - chủ cơ sở sản xuất khô cá Thanh Tâm (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) cho biết, gia đình bà làm khô đã nhiều năm nay.

“Trước kia tôi chỉ làm bán loanh quanh cho khách qua đường. Thời gian gần đây mở rộng quy mô, bán cho các khách hàng ở trên thành phố. Hầu hết các mối lấy hàng là ở chợ Bình Điền (TPHCM) và dưới Tân An. Lúc đầu thì chỉ có khô cá lóc, khô cá sặc, nhưng 2 năm nay, khô cá kèo lại là sản phẩm được ưa chuộng nhất dịp cuối năm. Hiện tôi còn khoảng 50kg khô cá kèo được khách đặt đang cố gắng làm giao trước tết” - bà Tâm kể.

Cũng theo người phụ nữ này, bí quyết để làm khô cá ngon không phải chỉ phơi nắng là xong. “Để khô mềm, dẻo không cứng và tanh thì mình phải tẩm ướp thêm gia vị, chủ yếu là ớt, muối, tiêu và chút sa tế. Khi làm cũng phải liên tục lật bởi cá kèo nhỏ, dễ quắt lại nếu nắng lớn quá. Hiện khô cá kèo ở vựa của tôi chỉ làm đúng 2 nắng. Nếu nắng to như mấy hôm nay, chỉ một ngày rưỡi là đủ. Phơi nhiều quá cũng không ngon đâu. Khô chỉ vừa đủ thì nướng hay chiên đều được mà vẫn giữ được vị thơm ngon của cá” - bà Tâm chia sẻ.

Trong khi đó, có nhiều người khác cũng đang lật giở những con cá kèo nhỏ trên các giàn phơi để đo đủ nắng. Cá kèo ở đây hầu hết được thu mua của người dân nuôi trong vùng, sơ chế sạch sẽ và tẩm ướp trước khi phơi. “Mỗi ký cá kèo tươi có giá bán khoảng 60-70 nghìn đồng nhưng khô thì mình bán từ 200-220 nghìn đồng. Bởi phải gần 3kg cá tươi mới cho ra sản phẩm 1kg cá khô. Cá kèo tuy không phải đặc sản nhưng khô kèo thì nhiều người coi là đặc sản bởi dễ ăn, có thể nhậu lai rai dịp Tết nữa” - bà Tâm cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề làm khô cá đồng ở khu vực các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa... (tỉnh Long An) có từ lâu bởi đây là vùng rốn lũ của Đồng Tháp Mười, nổi tiếng là túi cá của miền Tây Nam bộ. Từ khoảng tháng 10 hàng năm, khi lũ rút là lúc người dân bắt đầu làm khô để dự trữ. Hiện nay dù không quy tụ thành làng nghề nhưng cũng có hàng trăm hộ dân làm khô với quy mô sản xuất khác nhau, mang lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ.

Cách đó chừng 50km, dọc theo tuyến đường ĐT844 đi qua các xã Phú Cường, Phú Thọ, Phú Ninh... (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) là hàng nghìn giàn phơi cá đang vào thời điểm tất bật nhất. Mặc dù chỉ xoay quanh các sản phẩm như khô cá lóc, cá kèo, cá sặc, ếch, hay rắn... nhưng nghề làm khô của người dân ở đây rất phát triển, thu hút nhiều hộ tham gia.

Trong đó thời gian tháng cuối năm là nhộn nhịp nhất bởi nhu cầu tăng cao và cũng là thời điểm thu hoạch cá đồng của người dân. Anh Nguyễn Văn Lối - chủ một cơ sở sản xuất cá khô ở xã Phú Thọ kể, khoảng một tháng nay anh nhận được rất nhiều đơn hàng, chủ yếu là khách ở TPHCM. “Cơ sở của tôi làm khô chế biến sẵn chứ không phải khô tươi. Nghĩa là mình có tẩm ướp gia vị, sơ chế và khách hàng có thể sử dụng để ăn luôn chứ không cần chế biến. Hiện nay khô chủ yếu làm khép kín bởi hệ thống máy sấy nhưng ở công đoạn đầu tiên là sơ chế cá và tẩm ướp thì vẫn phơi trên giàn. Ở đây tôi chủ yếu làm khô cá lóc tẩm. Cá mình mua về lấy thịt, cắt thành từng dây xong tẩm ướp sơ rồi phơi một nắng trước khi tẩm ướp tiếp và sấy ở nhiệt độ cao cho đủ chín và đóng gói sản phẩm, hút chân không bảo vệ cá được bảo quản lâu hơn” - anh Lối cho biết thêm.

Ông Lê Văn Tiến - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết, nghề làm khô ở đây có từ lâu đời nhưng bắt đầu phát triển và mở rộng quy mô chỉ khoảng 10 năm trước. Thời điểm đó, nhiều hộ dân ở đây thành lập cơ sở sản xuất quy mô lớn, có đăng ký tên nhãn hiệu sản phẩm để tạo thương hiệu bán cho khách. Hiện nay có khoảng 40 cơ sở như vậy và hàng trăm người dân làm nghề sản xuất khô.

Ông Lê Văn Tiến - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết, phòng nông nghiệp huyện đang có đề án để xây dựng và hoàn thiện mô hình quản lý thương hiệu khô cá ở đây để tạo thế mạnh cho nông dân nhằm cạnh tranh với những địa phương khác và cũng để khách hàng dễ nhận biết hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân miền Tây tất bật vụ cá khô