Nông dân phấn khởi với mô hình lúa – tôm

Nguyên Du 07/10/2023 08:30

Thời gian qua giá lúa được thương lái thu mua ở giá cao hơn 7.000 đồng/kg, thu nhập khá, nông dân ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi mở rộng diện tích gieo sạ lúa - tôm.

Người dân huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) cải tạo đất trước khi xuống giống lúa - tôm.

Bạc Liêu có 41.000 ha sản xuất mô hình luân canh lúa - tôm ở vùng phía Bắc quốc lộ 1A. Thời điểm này, nông dân đang cải tạo đất, chọn lúa giống… chuẩn bị xuống giống vụ lúa trên đất tôm năm 2023. Mưa to kéo dài nhiều ngày qua là điều kiện thuận lợi để nông dân tháo nước ra khỏi vuông, rửa mặn xuống giống theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp.

Tại huyện Hồng Dân - địa phương có diện tích sản xuất lúa - tôm lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu với hơn 24.000 ha. Những ngày qua, nông dân đang tiến hành các bước chuẩn bị cho vụ mùa mới. Ai cũng hào hứng bắt tay vào sản xuất, bởi vẫn còn dư âm vụ lúa trên đất tôm năm trước trúng đậm về năng suất và giá cả, đồng thời giá lúa thời điểm này cũng đang ở mức cao.

Ông Phạm Viên Thiệt - ấp Xẻo Dừng, xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Vụ mùa năm nay, nông dân phấn khởi hơn mọi năm là do hiện tại giá lúa đang ở mức cao trong những năm gần đây nên bà con nông dân vùng chuyển đổi an tâm với mô hình luân canh tôm – lúa hơn”.

Còn anh Phạm Văn Kết - xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân cho biết, vụ lúa trên đất tôm năm nay, gia đình gieo sạ hơn 3 ha, với giống lúa thơm như ST24, ST25. Đây là 2 giống lúa đã chứng minh hiệu quả sản xuất những năm qua. Lúa không chỉ đẻ nhánh nhanh, cứng cây, chịu phèn mặn tốt, ít sâu bệnh, năng suất đảm bảo mà có giá trị kinh tế khá cao.

Theo ông Võ Minh Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân, đến nay, nông dân vùng lúa - tôm của huyện đã rửa mặn được 2 - 3 lần, cơ bản đủ điều kiện để xuống giống. Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân cần tuân thủ xuống giống vụ lúa trên đất tôm theo lịch thời vụ.

Cùng với huyện Hồng Dân, Phước Long cũng là địa phương sản xuất lúa - tôm trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Thời điểm này, nông dân đang vận hành máy bơm tháo nước ra khỏi vuông tôm, sẵn sàng xuống giống vụ lúa. Anh Võ Văn Sơn - xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long) cho biết, lúa – tôm là mô hình sản xuất có tính bổ trợ nhau. Nếu chỉ trồng lúa mà không nuôi tôm thì lúa không trúng, còn chỉ nuôi tôm mà không trồng lúa tôm nuôi bị dịch bệnh chết hàng loạt. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả sản xuất bền vững, nông dân phải giữ cho được mô hình này.

Theo đánh giá của ngành chức năng, vụ lúa trên đất tôm năm 2023 nhìn chung khá thuận lợi. Nước thủy triều từ biển Đông và Tây không dâng cao bất thường như những năm trước nên nước mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng. Cùng với đó, lượng mưa khá lớn nên nguồn nước ngọt dồi dào và đây là điều kiện quan trọng giúp cho việc cải tạo đồng ruộng của nông dân diễn ra thuận lợi.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo, nông dân nên tranh thủ điều kiện thuận lợi, tập trung đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa trên đất nuôi tôm sớm, tránh tình trạng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn ở giai đoạn lúa cuối vụ. Ban chỉ đạo điều tiết nước của tỉnh cũng đã vận hành hệ thống cống ngăn mặn vùng ngọt và vùng mặn. Các cống vùng mặn sẽ mở ra một chiều hoặc đóng lại để hạn chế mở tiêu úng, xổ phèn vào những ngày triều cường và lấy nước mặn vào nuôi tôm vùng.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, để nâng cao hiệu quả, giúp nông dân yên tâm sản xuất mô hình lúa - tôm, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo sản xuất thắng lợi. Các đơn vị trực thuộc sở đang tổ chức các lớp tập huấn để nông dân nắm vững đồng, kiểm tra và vận hành các cống giúp việc tháo nước ra khỏi đồng ruộng được thông suốt.

Còn tại tỉnh Cà Mau, thời điểm này là điều kiện thuận lợi để nông dân xuống giống trên đất nuôi tôm như khuyến cáo của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn. Năm nay, tỉnh sẽ xuống giống trên 38.000ha lúa – tôm. Ngoài tuân thủ lịch thời vụ, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo bà con nông dân chọn giống lúa đạt tiêu chuẩn, thích ứng với điều kiện phèn mặn, năng suất cao, chất lượng, phù hợp với điều kiện canh tác địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mô hình lúa - tôm đang được nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long lựa chọn canh tác. Hiệu quả của mô hình này đã được khẳng định trong thực tế, đồng thời cũng thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn mặn, theo hướng thuận thiên, mưa xuống thì sạ lúa rồi cho nước vào để nuôi tôm. Hướng đi này mang lại nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với cách làm chuyên canh trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân phấn khởi với mô hình lúa – tôm