30.000 tỷ đồng trên tổng số 120.000 tỷ đồng đăng ký cho vay nông nghiệp công nghệ cao đã có địa chỉ người nhận. Ngành nông nghiệp đang hy vọng bước sang một giai đoạn mới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bộ NN&PTNT và NHNN đã nhanh chóng có văn bản hướng dẫn.
Bộ NN&PTNT đã ban hành bộ tiêu chí về nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hướng vào những dạng hình sản xuất, phân khúc sản xuất, đối tượng sản xuất có thị trường và tiềm năng.
Đến nay đã có 8 ngân hàng thương mại đăng ký cho vay với nông nghiệp nông thôn 120 nghìn tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đều đưa ra chính sách lãi vay thấp hơn so với lãi vay thông thường từ 0,5-1,5%.
Tuy nhiên, theo phản ánh của DN lẫn người dân, việc tiếp cận gói tín dụng không hề đơn giản. Trong khi đó phía NHNN, phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện trong tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD).
Ngân hàng cũng không chỉ dừng lại bằng hành động mà còn bằng văn bản. Cụ thể tại văn bản số 2178/NHNN-TD ngày 30/3/2017 chỉ đạo: Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, cân đối đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt ưu tiên tới các vực như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao.
Yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố triển khai các chương trình, dự án kinh tế của địa phương gắn với đầu tư tín dụng ngân hàng….
Vốn cho nông nghiệp công nghệ cao đã có nguồn, không chỉ từ ngành ngân hàng mà nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cho biết nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp đã thông báo rót vốn vào các dự án khởi nghiệp ngành nông nghiệp công nghệ cao.
Song câu chuyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao không chỉ dừng lại ở đó. Chính phủ chủ trương mở rộng hạn điền, tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn song đây cũng là điểm nghẽn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Vì vậy, câu hỏi nữa được đặt ra ai sẽ là đại diện sở hữu đất đai để tập trung sản xuất và các điều kiện như thế nào thì được hưởng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước?
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đều phát triển nông nghiệp theo hướng này. Các quốc gia đó chú trọng gây dựng quan hệ đối tác giữa DN và người dân, tạo nên sự nhất trí để tập trung ruộng đất vào sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Mối đồng thuận này sẽ đưa phương thức canh tác và đưa các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Vì thế, giúp tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm; đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản.
Nếu làm nông nghiệp bài bản, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, có thị trường đầu ra ổn định, thì chắc chắn đem lại thu nhập cao.
Thực tế nông dân nhiều nước như Nhật Bản, Hà Lan, Israel đều có thu nhập rất cao và không thấp hơn nhiều so với bình quân thu nhập chung.
Đơn cử, Hà Lan thu nhập bình quân đầu người là 58.000 USD/năm, thì thu nhập của người nông dân là 55.000 USD.
Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, thu nhập của nông dân có thể đạt tới 5.000 USD/năm nếu thực hiện đầy đủ các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.