Kinh tế

Nông nghiệp khẳng định vai trò 'bệ đỡ'

Quốc Trung 01/09/2024 07:03

Những năm gần đây nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chuyển mạnh từ lượng sang chất thông qua việc đẩy mạnh liên kết, giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất. Đặc biệt gần đây với việc tạo ra các không gian giá trị cho nông sản, ngành nông nghiệp ngày càng khẳng định được vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế.

anh1(1).jpg
Đề án 1 triệu ha lúa đã đạt được những kết quả bước đầu và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Hiệu quả từ chương trình OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được xem là một trong những công cụ góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm.

Tính đến thời điểm này TP Cần Thơ có 148 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao của 74 chủ thể gồm doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Trong đó, có 73 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 75 sản phẩm OCOP đạt 4 sao; có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Chương trình OCOP trên địa bàn TP Cần Thơ đã tạo hiệu quả tích cực, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi huyện, xã, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TP Cần Thơ thông tin, thời gian qua Cần Thơ đã tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm nông sản gắn với xây dựng thương hiệu cấp vùng, cấp quốc gia và gắn với thị trường tiêu thụ trong nước cũng như quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu nông sản gắn với thị trường tiêu thụ là hướng đi bền vững, giúp khẳng định thương hiệu và nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. “Ngành nông nghiệp Cần Thơ đang thực hiện đề án xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm. Cùng với đó, thành phố xây dựng các tổ, nhóm nông dân để hình thành các HTX, các tổ hợp tác và liên kết sản xuất theo quy mô lớn, tạo điều kiện phát triển nhãn hiệu. Thành phố còn hướng dẫn chuyển giao về khoa học kỹ thuật cho các HTX cũng như người sản xuất, làm ra sản phẩm có chất lượng để duy trì và phát triển nhãn hiệu, phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn” - ông Sử thông tin.

Tại tỉnh Hậu Giang, sau một thời gian tập trung đẩy mạnh phát triển chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh có 266 sản phẩm chủ lực được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm OCOP 3 sao. Những sản phẩm OCOP của Hậu Giang đã và đang nâng tầm giá trị nông sản, góp phần vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho địa phương. Là tỉnh có lợi thế về ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm sinh thái đặc thù, Hậu Giang có điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn loại nông sản mang tính đặc trưng riêng để thực hiện chương trình OCOP.

Hầu hết các sản phẩm OCOP của Hậu Giang đều được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp như: ISO, VietGap, GlobalGap, GMP, HACCP… cùng với công nghệ sản xuất, chế biến ngày càng tiến bộ, các chủ thể OCOP đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm... từ đó tạo ra các sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng vừa mang tính thẩm mỹ cao, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

anh3.jpg
Thanh nhãn đã chinh phục được các thị trường khó tính. Ảnh: Thanh Tiến.

Liên kết để nâng tầm giá trị

Đầu tháng 8 vừa qua, nhờ liên kết và sản xuất đúng theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp và doanh nghiệp, 69 ha thanh nhãn của 11 nông hộ trong Tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden (THT Trạng Tí Garden) được doanh nghiệp ký hợp đồng hợp tác và thu mua để xuất khẩu sang 2 thị trường khó tính là Mỹ và Australia.

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được thí điểm vụ Hè thu đầu tiên ở Cần Thơ với diện tích 50ha tại Hợp tác xã Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) đã cho kết quả bước đầu khả quan.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Cần Thơ) cho biết, tới thời điểm này có thể nhận định, mô hình thí điểm tại HTX Tiến Thuận đạt hiệu quả. Hiện nông dân trong mô hình rất vui mừng. TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch và theo đó, lộ trình từ nay đến năm 2030 Cần Thơ sẽ triển khai Đề án trên diện tích 48.000 ha, phân bố ở 3 huyện là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai.

Nói về vấn đề liên kết trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP Cần Thơ cho biết, những năm gần đây vấn đề liên kết tiêu thụ, đặc biệt trong ngành hàng cây ăn trái ở Cần Thơ diễn ra hết sức sôi động nhất là đối với nhiều cái loại cây ăn trái có giá trị như sầu riêng, vú sữa, thanh nhãn. Khi thiết lập mã vùng trồng, các doanh nghiệp đều mong muốn liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu để phục vụ cho thị trường xuất khẩu và cũng đã hình thành một số chuỗi liên kết khá chặt chẽ với nông dân.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cũng nhận định: “Cây ăn trái hay lúa, thuỷ sản, các loại cây công nghiệp… nếu chúng ta không liên kết dù vẫn bán được hàng nhưng giá thấp, không thể tái đầu tư. Bởi vậy, liên kết là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị nông sản. Trong kinh doanh, lúc anh thắng hay lúc anh thua đều cần chia sẻ. Có sự đồng thuận như vậy thì mới làm được”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS kinh tế Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết: Để nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để nông sản phát triển bền vững trong tương lai. Cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện.

Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị gia tăng dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ngành Nông nghiệp cần tạo ra không gian giá trị cho nông nghiệp du lịch, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thời trang. Giá trị sáng tạo không chỉ là bánh mì, mì tôm thanh long mà là các sản phẩm sau gạo, tôm, cá tra làm chất dẫn dụ thủy sản, dược phẩm, collagen có giá trị gia tăng cao…

Cũng theo ông Hiệp, việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp mới đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất luợng tin cậy làm công cụ, xây dựng các tác nhân nòng cốt tham gia chuỗi và huớng đến cộng đồng. Không gian phát triển và con đường nông sản mới đang mở ra phía trước từ tư duy mới, cách tiếp cận mới. Đó là hướng đi của “con đường nông sản mới” từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Theo TS kinh tế Trần Hữu Hiệp, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn đạt mức 3,83% - là mức tăng cao nhất 10 năm qua. Trong khi kim ngạch xuất khẩu cả nước giảm 4,4%, xuất khẩu nông sản đạt hơn 53 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục hơn 12 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Có hơn 10 loại nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Sầu riêng – “trái cây vua”, có mức tăng trưởng 66% so cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đạt hơn 5,57 tỷ USD. Xuất khẩu gạo tăng 17,4% về lượng, 39,4% về giá trị, đạt hơn 4,8 tỷ USD. Đây là mức tăng kỷ lục về lượng, giá trị, giá bán sau 34 năm Việt Nam quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông nghiệp khẳng định vai trò 'bệ đỡ'