Nông nghiệp muốn phát triển phải dựa vào dân

Đơn Thương (thực hiện) 26/10/2015 12:25

Sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ kỉ niệm 70 năm thành lập, 30 năm đổi mới và 5 năm thực hiện tái cơ cấu. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được còn là những băn khoăn, trăn trở. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát về những vấn đề nóng của nông nghiệp, đặc biệt là sự chuẩn bị của ngành kinh tế “trụ đỡ” này trước hội nhập.

Bộ trưởng Cao Đức Phát.

PV:30 năm đổi mới có thể thấy nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc tái cơ cấu ngành là việc cần phải tiến hành để nông nghiệp có thể bước sang một giai đoạn mới. Xin Bộ trưởng cho biết, đâu là những việc cần phải làm ngay để có thể giải quyết những khó khăn?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng chủ yếu phát triển sản xuất nguyên liệu thô và ở chừng mực nhất định thiếu sự gắn kết với thị trường. Để giải quyết tồn tại lớn đó, trong giai đoạn tới chúng ta phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, trong đó một mặt chúng ta tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ để kinh tế hộ lớn mạnh, chuyển sang sản xuất hàng hóa với hiệu quả cao hơn, nhưng mặt khác chúng ta phải tập trung cao, nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn để liên kết và hỗ trợ nông dân, định hướng sản xuất theo sát các yêu cầu của thị trường, tổ chức chế biến và tiêu thụ nông sản do nông dân làm ra một cách có hiệu quả.

Vậy thưa Bộ trưởng, trong 5 năm qua, việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu hiện nay đã đạt được kết quả như thế nào?

Thực tế, chúng ta đã bước vào một giai đoạn không thể tiếp tục làm theo cái cũ mà bắt buộc muốn tiếp tục phát triển và cạnh tranh có hiệu quả trong điều kiện hội nhập sâu rộng quốc tế, chúng ta phải thực hiện các biện pháp làm thay đổi những yếu tố có tính chất cơ cấu của nền nông nghiệp.

Trong 5 năm qua, chúng ta đã xác định rõ những chủ trương, những đường hướng, giải pháp và bước đầu bắt tay vào để thực hiện những giải pháp đó; đã tạo ra nhận thức chung trong xã hội và bắt đầu có những chuyển động. Tuy nhiên, quá trình này cần phải được tiếp sức mạnh mẽ hơn để biến tất cả những chủ trương đó thành những hành động thực tế và những kết quả thực tế trên đồng ruộng.

Thưa Bộ trưởng, vấn đề lớn hiện nay là hội nhập, nhất là khi chúng ta đã kết thúc đàm phán tham gia TPP. Vậy xin Bộ trưởng cho biết ngành đã có những sự chuẩn bị gì để tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp?

Để chúng ta có thể cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cần phải tập trung cao hơn việc phát huy những lợi thế so sánh của đất nước chúng ta, trong đó phát triển những sản phẩm chúng ta có khả năng cạnh tranh tương đối cao như: lúa gạo, cà phê, cao su, cá, tôm, hồ tiêu, hạt điều…

Để phát huy được một cách có hiệu quả những sản phẩm đó, chúng ta phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết và làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất các ngành hàng đó.

Trong 5 năm qua hai phong trào nổi bật là: “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Toàn ngành chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành”. Bộ trưởng đánh giá gì về hai phong trào này?

Bài học lớn rút ra trong nông nghiệp đó là phải dựa vào nhân dân. Tái cơ cấu nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới là những phong trào của nhân dân, do nhân dân và vì lợi ích của nhân dân. Vì thế, chúng ta cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để nhân dân nhận thấy rõ và chủ động tích cực tham gia. Chỉ khi người dân chủ động, tích cực tham gia thì những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra mới trở thành hiện thực một cách có hiệu quả.

Trong giai đoạn mới 2016-2020 Bộ trưởng có những kỳ vọng gì?

Bước sang giai đoạn mới nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước thách thức hết sức là to lớn, trước hết có liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế và thứ hai phải ứng phó với những tác động ngày càng rõ nét hơn của biến đổi khí hậu. Trước tình hình đó toàn ngành cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp để nền nông nghiệp không chỉ đáp ứng dồi dào nhu cầu của nhân dân mà còn đem lại những lợi ích kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nhanh hơn. Đồng thời, chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu để nông nghiệp và đất nước chúng ta phát triển một cách bền vững.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông nghiệp muốn phát triển phải dựa vào dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO