Nông sản là mặt hàng rất nhạy cảm và chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19. Hiện nay do xuất khẩu gặp khó nên giá nhiều loại trái cây đặc sản đã chạm đáy mà vẫn không có người mua. Thủy sản cũng chung số phận. Người nông dân đang phải đổ nợ vì không bán cũng lỗ mà bán lại càng lỗ…
Đặc sản giá rẻ chưa từng có
Việc gặp khó trong xuất khẩu đang khiến giá hàng loạt mặt hàng trái cây giảm mạnh, có loại giá chạm đáy, rẻ chưa từng có. Đầu tháng 8 vừa qua, nhà vườn trồng thanh long tại xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) phải bán 3.000 đồng/kg, trong khi tháng 7 giá xuất bán tại vườn vẫn ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn trồng thanh long ở Đồng Nai cũng đang lo đổ nợ vì hàng tấn thanh long không xuất bán được, trong khi giá thanh long ruột trắng giảm chỉ còn 1.000 đồng, thanh long ruột đỏ 2.000 - 5.000 đồng/kg.
Nông dân trồng thanh long tại xã Cư Êbur (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng “đứng ngồi không yên” vì giá giảm chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Đầu tháng 8, tại một số tỉnh ĐBSCL, giá mít Thái giảm xuống mức 6.000 - 7.000 đồng/kg. Ở Đồng Nai, giá chuối già xuất khẩu bán tại vườn giảm mạnh, chỉ còn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Tương tự, với loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao như nhãn lồng Hưng Yên, chưa có năm nào người nông dân lại gặp khó như năm nay khi có lúc giá giảm còn 5.000 đồng/kg. Hiện ở Hà Nội, nhãn lồng Hưng Yên, Sơn La bày bán la liệt, chất đống với giá siêu rẻ, chỉ từ 15.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại.
Hay nhiều hộ gia đình ở các xóm: Mỏ Đinh, Là Đông, Là Bo, Thắng Lợi và Hợp Nhất của xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho biết đang rơi vào tình cảnh khó khăn khi vụ thu hoạch bí ngô năm nay mặc dù mất mùa nhưng lại rớt giá thảm hại, bằng 1/10 so với giá mùa trước. Tính ra cả tạ bí ngô chỉ mua được 1kg thịt lợn. Nhiều vườn bí ngô đến đợt thu hoạch nhưng người dân vẫn để đầy ruộng với lý do để làm phân cho tốt đất chứ thu về không bán được, lại mất tiền thuê người hái thì lỗ lại chồng lỗ.
Với mặt hàng thuỷ hải sản cũng thê thảm không kém, tại Ninh Bình người dân huyện Kim Sơn đang ngán ngẩm than trời vì hàng chục ngàn tấn ngao ở các bãi vùng ngang đã quá lứa xuất nhưng không có người mua, nằm bất động dưới cát. Nhất là sau đợt dịch Covid - 19 tái phát, giá ngao chạm đáy. Mọi năm loại ngao này có giá khoảng 20.000 đồng/kg, nhưng giờ họ chỉ thu mua khoảng 14.000 đồng/kg, sức mua rất chậm, mỗi ngày cả huyện Kim Sơn cũng chỉ bán được 5 - 10 tấn.
Nói về nguyên nhân ngao ế ẩm không bán được, một thương lái chuyên thu mua ngao với quy mô lớn tiết lộ, thị trường xuất khẩu ngao lớn nhất là Trung Quốc, nhưng do dịch Covid – 19 nên không thế xuất sang thị trường này được.
Cùng cảnh ngộ, người nuôi ngao hai cùi ở huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) cũng phải đổ bỏ ngao vừa thu hoạch xuống biển vì không có người mua. Do ảnh hưởng dịch Covid - 19, lượng ngao tiêu thụ trên địa bàn huyện Vân Đồn chỉ vài chục tấn/ngày, chưa bằng ¼ sản lượng mọi năm. “Hiện người dân cứ chờ đợi như thế này không biết đến khi nào”, một người nuôi ngao cho biết.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng kéo giá tôm hùm tụt thê thảm tới mức thương lái mua theo kiểu “cân xô” cùng một mức giá 800 nghìn đồng/kg đối với tôm loại 1 (1 kg/con trở lên), loại 2 (từ 8 lạng đến dưới 1 kg/con) và loại 3 (từ 6 lạng đến dưới 8 lạng/con) tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Nhiều người nuôi tôm ở đây lỗ nặng do giá giảm sâu, nhiều hộ đã bỏ nghề. Cùng đó, giá cua Cà Mau cũng giảm mạnh. Cua gạch son được thương lái thu mua giá 230 - 250 ngàn đồng/kg, giảm gần 100 ngàn đồng/kg so với tháng trước.
Nhanh chóng thúc đẩy công nghệ chế biến
Trước thực trạng trên, giới chuyên gia cho rằng, ngành nông sản Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ trong việc tìm đầu ra cho nông sản theo hướng bền vững. Một trong những giải pháp đó là thúc đẩy công nghệ chế biến.
Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: Nếu xuất khẩu tươi, khi vào mùa vụ bán ào ạt với giá rất rẻ, còn nếu chúng ta có phương tiện bảo quản thì hàng bán ra từ từ, giá tốt hơn, cũng đỡ vất vả hơn. Tuyệt đối không thể nhìn xuất khẩu nông sản chỉ là những mặt hàng tươi, phải nghĩ rằng đây là nguyên liệu cho một loạt ngành công nghiệp chế biến để tạo giá trị gia tăng cao hơn.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nêu thực tế: Công nghiệp chế biến nông sản tại nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu, gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; dây chuyền thiết bị cũ, công nghệ còn lạc hậu, sản phẩm đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng, chi phí sản xuất trong nông nghiệp còn rất cao. Lượng rau quả, thịt được đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 - 10% sản lượng hằng năm. Các sản phẩm như: Mía, lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, sắn, thủy sản…không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ.
Còn ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay: Ngoài khâu sản xuất còn yếu, khâu thu hái, bảo quản, chế biến nông sản cũng còn nhiều hạn chế. Cụ thể, việc thu hoạch, phân loại, đóng gói trái cây chủ yếu theo phương thức thủ công, thiếu kho lạnh, máy lạnh và công nghệ để bảo quản trái cây. Chiếu xạ trái cây xuất khẩu hiện chỉ có 1 nhà máy ở TP Hồ Chí Minh được phép hoạt động. Chính vì thiếu và yếu các công nghệ bảo quản trái cây sau thu hoạch nên tỷ lệ thất thoát khá cao, chiếm đến 20 - 30% dẫn đến giá thành cao. Các DN đóng gói và xuất khẩu trái cây phần lớn dưới dạng thô, tỷ lệ chế biến sâu còn ít. Cả nước có trên 150 cơ sở chế biến chỉ đạt trình độ trung bình của thế giới, với sản lượng chế biến thực tế chỉ khoảng 500 ngàn tấn/năm, nhưng công suất thiết kế hơn 1 triệu tấn/năm.
Với những hạn chế của ngành chế biến nông sản, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng: Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT cùng với việc tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản, cũng cần thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến có giá trị gia tăng cao, bởi nếu cứ đợi mãi vào xuất khẩu tươi thì không ổn.