Việc quan trọng, cần thiết khi xây dựng nông thôn mới chưa hẳn là đầu tư xây dựng những công trình, trụ sở chục tỷ, trăm tỷ đồng mà là xóa hộ trắng, vùng trắng về nhà vệ sinh
Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân.
Cuộc sống của con người cần nhiều nhu cầu. Chưa tính những nhu cầu cao xa, chỉ tính những nhu cầu tối thiểu thì sơ sơ đã thấy phải có cái ăn, cái mặc, phải có nơi trú ngụ, phải có đường xá, phương tiện để đi lại; ốm đau phải có nơi chữa trị, lúc bé phải được học hành, lớn lên phải có công ăn việc làm v.v... Trong những nhu cầu tối thiểu lại có những nhu cầu “tối thiểu của tối thiểu”.
Ví như, trong một ngôi nhà, dù chỉ là chỗ “chui ra chui vào” cũng cần phải có cái bếp, khu vệ sinh, thiếu một thứ chả thể gọi là nhà...
Ấy vậy mà mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015, do Bộ Y tế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức tại Nam Định, đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nêu ra vài con số không thể không quan tâm: cả nước hiện vẫn còn tới hơn 1.682.000 hộ gia đình ở khu vực nông thôn chưa có nhà vệ sinh; khoảng 7,5 triệu người dân ở nông thôn do vậy ngày ngày vẫn đang “giải quyết nỗi buồn” ra ngoài môi trường”.
Cũng theo Cục Quản lý môi trường y tế, số hộ chưa có nhà tiêu tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gần 862.000 hộ), tiếp đến là vùng miền núi phía Bắc (hơn 343.000 hộ), vùng duyên hải Nam Trung Bộ (gần 290.000 hộ)...
Nhìn ở góc độ môi trường, y tế, thật dễ để nhận ra 7,5 triệu người này chính là tác nhân gây ô nhiễm, mầm mống làm lây lan dịch bệnh...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những số liệu không mong muốn trên. Dễ thấy nhất là do sự nghèo khó. Ở nhiều vùng miền trong cả nước, nhất là vùng xa, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như đã biết, điều kiện sống của người dân vẫn rất khó khăn.
Nguyên nhân thứ hai hơi lạ, chả phải do người dân nghèo khó đến nỗi không có đủ tiền làm nhà vệ sinh mà lại do thói quen, tập tục. Thay bằng làm, sử dụng nhà vệ sinh, không ít nơi người dân lại có thói quen theo phương châm “thứ nhất quận công...”. Báo chí từng phản ánh có những làng quê, cộng đồng ở Nghệ An, ở Hà Nam hay ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), dù người dân có điều kiện xây “nhà cao cửa rộng” nhưng lại không làm và không có thói quen sử dụng nhà vệ sinh.
Mỗi khi có nhu cầu, người làng rủ nhau ra “nhấp nhô” ở ngoài đồng, ngoài vệ đê hay ở ngoài bãi biển. Khi được hỏi, bà con vô tư trả lời do “ra đồng” thấy thoải mái hơn ngồi trong nhà vệ sinh, quen rồi nên chả thấy việc này có vấn đề gì.
Chuyện tưởng như “tiếu lâm” nhưng lại có thật này cho thấy rõ hơn một điều: nếp sinh hoạt tùy tiện, cẩu thả, giản đơn, thế nào cũng xong vẫn còn phổ biến, ăn sâu trong suy nghĩ, hành vi của không ít người, của không ít cộng đồng dân cư...
Cũng cần phải nói thêm, “phóng uế bừa bãi” không phải là chuyện chỉ có ở những làng quê, vùng miền nghèo khó, lạc hậu. Ở các đô thị trong cả nước hiện nay cảnh người dân đứng “tưới cây” ngay trên vỉa hè, trong công viên cũng không hiếm.
Một trong những nguyên nhân cũng là do ở những nơi được xem là “người xe như nước, áo quần như nêm” này, người ta có thể dễ dàng tìm kiếm được nhiều thứ, nhiều điều nhưng lại không dễ tìm được một cái nhà vệ sinh công cộng.
Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, việc người dân đứng “tưới cây” ngay trên vỉa hè, trong công viên còn thực sự là một “cú sốc” về hình ảnh, về mỹ quan ở những nơi được xem là văn minh, hiện đại.
Liên quan đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tại Hội nghị trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có kể một câu chuyện, đại ý khi được hỏi, một người từng là Bộ trưởng Bộ Y tế của Mỹ đã chia sẻ rằng: thành công lớn nhất của ông trong nhiệm kỳ làm bộ trưởng chẳng phải là việc gì quá to tát mà đơn giản chỉ là đã tạo cho người dân Mỹ có thói quen trước khi ăn phải rửa tay bằng xà phòng. Nói chuyện này để thấy trong cuộc sống, nếp sinh hoạt khoa học, sạch sẽ cần thiết, quan trọng đến mức nào!
Mới đây, chủ đề xây dựng nông thôn mới thêm một lần nữa lại “nóng ran” tại diễn đàn Quốc hội. Trong đó, các ý kiến thảo luận đều có chung nhìn nhận: ở giai đoạn tiếp theo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần tránh bệnh hình thức, phải thực chất hơn.
Theo đó, phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện dân sinh phải là những nhiệm vụ hàng đầu, cần được ưu tiên, tập trung công sức, tiền bạc thực hiện.
Từ đó có thể đặt vấn đề, với những địa phương, vùng miền khó khăn-nơi người dân chưa có dù chỉ là cái “nhà tiêu”, việc quan trọng, cần thiết khi xây dựng nông thôn mới chưa hẳn là đầu tư xây dựng những công trình, trụ sở chục tỷ, trăm tỷ đồng mà là xóa hộ trắng, vùng trắng về nhà vệ sinh; là tuyên truyền, vận động, giúp người dân có ý thức, thói quen ăn ở, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Đơn giản, nông thôn mới thì không thể “bẩn”