Nông thôn mới thực sự mới

Nhã Phương 29/02/2016 13:05

Là huyện thứ hai của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), Thanh Trì đã hoàn toàn thay da đổi thịt, từ đời sống kinh tế cho đến cơ sở hạ tầng... Bí quyết làm nên thành công của Thanh Trì đó là lắng nghe nguyện vọng vủa nhân dân, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Nông thôn mới thực sự mới

Mô hình rau an toàn ở xã Yên Mỹ - Thanh Trì mang lại thu nhập cao cho người dân.

Những ngày năm mới này, trong không khí lễ hội tưng bừng ở nhiều làng quê, người Thanh Trì còn có niềm vui lớn khác, đó là khi huyện vinh dự trở thành huyện thứ hai của Hà Nội được công nhận NTM.

Đứng ở ngoài đê xã Duyên Hà ngắm nhìn những cánh đồng bãi ngút ngàn, xa xa là những tòa nhà mới xây, mới thấy sức vươn từ chương trình nông thôn mới mạnh mẽ thế nào. Chỉ cách đây vài năm, không ai dám nghĩ Duyên Hà lại có thể đổi thay nhanh chóng như thế.

Vốn là một xã ngoài đê sông Hồng, có lợi thế là đất đai màu mỡ nhưng khó khăn của một xã ngoài đê cũng rất nhiều như những năm nước dâng cao, đất bị lở, cộng với cơ sở vật chất còn nhỏ lẻ, hạn chế.

Bởi thế, đầu năm ông Nguyễn Văn Hồng - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Văn Uyên, xã Duyên Hà không giấu nổi niềm vui. Ông Hồng phấn khởi khoe với chúng tôi: “Nhờ có chương trình NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rất nhiều. Nhất là tuyến đường trục thôn hơn 7km được cứng hóa 100% và hơn 92% đường ngõ xóm cũng được bê tông hóa sạch sẽ, cống rãnh có nắp đậy gọn gàng. Bộ mặt của thôn thay đổi hẳn. Đường làng ngõ xóm đẹp khiến nhiều người phấn khởi”.

Nhưng đó mới là phần “vỏ”. Phần quan trọng nhất đối với đời sống kinh tế - xã hội của vùng nông thôn chính là cơ cấu sản xuất. Phải thay đổi được những tập quán sản xuất cũ thì nông thôn mới thực sự “mới” như mong muốn. Sau dồn điền đổi thửa, xã Duyên Hà đã quy hoạch được vùng sản xuất rau an toàn tập trung, trong đó có 20ha rau theo quy trình VietGAP. Tại đây, hệ thống nhà sơ chế được xây dựng để chuẩn bị cho việc đi tiêu thụ trong nội thành. Nhờ thế, rau an toàn Duyên Hà dần trở thành một thương hiệu, đồng thời đem lại thu nhập cao, ổn định cho người dân nơi đây. Thu nhập của người dân nhờ đó cũng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 1,46%.

Duyên Hà không đi đầu, mà cùng với Hữu Hòa, là hai xã cuối cùng của Thanh Trì hoàn thành xây dựng NTM. Nhưng câu chuyện xây dựng NTM ở Duyên Hà được nhiều người nói đến như một điển hình - điển hình của quá trình vượt khó vươn lên.

Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, Thanh Trì đã coi đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Phương châm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM của huyện đã được xác định rõ ràng theo hướng “tập trung, sâu sát, năng động, sáng tạo và hiệu quả”. Xây dựng NTM không phải là dự án xây dựng cơ bản mà là một chương trình phát triển toàn diện khu vực nông thôn, trong đó người dân là chủ thể, chính sách đưa ra cần được sự đồng thuận của nhân dân, qua đó, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Nhận thức được vấn đề cốt lõi đó, huyện Thanh Trì đặc biệt quan tâm tới việc huy động tối đa nguồn lực, xây dựng hạ tầng nông thôn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Trước khi có Quyết định 16 của UBND TP về hỗ trợ xây dựng hạ tầng nông thôn, Thanh Trì đã chủ động, sáng tạo thực hiện thí điểm mô hình “Nhà nước hỗ trợ vật tư, người dân tổ chức thi công” tại thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng với chiều dài hơn 2km, kinh phí giảm được 2,4 tỷ đồng so với dự toán.

Thành công của mô hình điểm, cộng với những quyết sách tích cực của thành phố đã tạo sức bật cho phong trào Toàn dân chung sức xây dựng NTM lan tỏa rộng khắp. Đến nay, huyện đã xây dựng được 160km đường giao thông nông thôn, tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng so với dự toán. Mặc dù là vùng ven đô, giá đất liên tục tăng cao nhưng trong 5 năm qua, đã có hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Trì tham gia hiến đất mở rộng đường làng ngõ xóm với diện tích trên 11.300m2, tiểu biểu là các xã Vạn Phúc, Ngũ Hiệp, Đại Áng, Đông Mỹ...

Đối với sản xuất kinh tế, xác định lợi thế của địa phương là phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ven đô, huyện Thanh Trì đã đầu tư hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng cho phát triển sản xuất, nhất là đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa sau dồn điền đổi thửa. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như cây ăn quả 150ha (Vạn Phúc, Yên Mỹ), rau an toàn (Yên Mỹ, Duyên Hà), nuôi trồng thủy sản (Đại Áng, Tứ Hiệp, Đông Mỹ)... Thanh Trì là huyện đầu tiên của Thủ đô xóa bỏ được các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư bằng việc xây dựng điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở Vạn Phúc.

Với thu nhập bình quân đầu người đạt mức 30 triệu/người/năm, đời sống kinh tế của người dân huyện Thanh Trì đang phát triển một cách bền vững, nông thôn thực sự đổi mới, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông thôn mới thực sự mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO