Không ít lần, Ngân hàng Nhà nước ra thông điệp rõ ràng, cẩn thận và siết chặt dòng vốn với các dự án BOT giao thông. Bởi quy mô vốn cho vay dự án BOT giao thông và cao tốc rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng và vay dài hạn, trong khi các ngân hàng đang huy động vốn ngắn hạn.
Không quá khó khăn để kể tên các dự án BOT đang thiếu vốn và cần sự hỗ trợ về vốn. Chẳng hạn tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị cần hơn 8.000 tỷ đồng, Dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cần 20.000 tỷ, tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu cần 22.000 tỷ đồng…
Một dữ liệu thống kê cũng từng cho biết trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực giao thông tối thiểu là 952.730 tỷ đồng, (trong đó, riêng lĩnh vực đường bộ cần tới 632.587 tỷ đồng). Trong khi đó ngân sách nhà nước bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn có 210.700 tỷ đồng. Bộ Giao thông - Vận tải tính toán, trong giai đoạn này có thể huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông khoảng 81.716 tỷ đồng, như vậy tổng cộng chỉ có được 292.416 tỷ đồng, tức là mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đầu tư.
Việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án BOT, BT giao thông còn một số bất cập, chưa đánh giá đủ rủi ro. Các dự án BOT giao thông thường có mức đầu tư lớn, thời gian vay dài, mức vốn tự có yêu cầu thấp (10-15%), hầu hết các nhà đầu tư có năng lực tài chính hạn chế, trường hợp tổng mức đầu tư tăng, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc bổ sung vốn.
Theo lãnh đạo NHNN, để có thể đẩy mạnh cho vay BOT, ngân hàng thương mại cần được phải bổ sung vốn điều lệ. Nhiều năm qua, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước vẫn đang bế tắc. Tuy nhiên, ngay cả khi gỡ được vấn đề tăng vốn, thì việc rót 5.000 – 7.000 tỷ cho vay dự án BOT với một ngân hàng là không hề dễ dàng.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng, khi cho vay vốn các dự án BOT chịu rất nhiều rủi ro. Trong đó có ngân hàng đã đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng vào một số dự án nhưng không ít dự án lại bị kéo dài thời gian đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ khiến cho việc trả nợ bị ảnh hưởng.
Hiện tổng dư nợ cho vay các dự án BOT, BT khá thấp, nhưng lại tập trung vào một số ít ngân hàng. Nợ xấu trong lĩnh vực này chưa đến 0,1%, song hầu hết các khoản vay BOT đều có thời hạn 15-20 năm nên nợ xấu thực vẫn như quả bom nổ chậm, nhất là khi vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư quá mỏng, hàng loạt dự án chậm tiến độ và đang “vỡ” phương án thu phí. Giới chuyên gia khẳng định, để phòng ngừa rủi ro các ngân hàng phải lựa chọn các dự án minh bạch, hiệu quả rồi hãy rót vốn.