Thế giới bước vào thời đại 4.0 đã lâu nhưng những người “gác rừng” đặc dụng Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phải cắm chốt ở chốn “ba không” (không điện lưới, không sóng điện thoại, không đường giao thông bộ). Giữa bạt ngàn mênh mông sông và núi ấy, phận người trở nên mong manh, bé nhỏ nhường nào. Dù vậy, các cán bộ kiểm lâm lại không được phép yếu ớt, không được chùn bước trước khó khăn.
Sau trận lũ đầu tháng 9, điện năng lượng chưa thể tái sử dụng, anh em kiểm lâm vùng lòng hồ Ngàn Trươi tiếp tục sống trong bóng tối.
Sống ở chốn “ba không”
Hơn 1 tiếng đồng hồ ngược ngàn từ TP Hà Tĩnh lên thị trấn Vũ Quang, men theo tỉnh lộ 25 ngoằn ngoèo, qua trạm kiểm lâm Hương Đại, nhóm PV chúng tôi mới đến được bến thuyền để vào các trạm kiểm lâm Cò 1, Cò 2 và Sao La của Vườn quốc gia Vũ Quang. Chiếc xuồng máy rẽ sóng lướt nhanh trên mặt nước đưa chúng tôi vào sâu trong khu vực lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi (thuộc dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang ở xã Hương Điền, Hương Quang), nơi có gần 20 cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Vũ Quang đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ rừng.
Tiếng máy nổ vọng lên giữa thanh âm tĩnh mịch của núi rừng như xua bớt nỗi u buồn nơi thâm sơn cùng cốc. Sau khoảng 40 phút chạy đì đạch trên mặt nước, chiếc xuồng mới đáp chân đến trạm kiểm lâm Cò 2. Trạm trưởng Mai Văn Quyết đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, tay bắt, mặt mừng bởi chuyến thăm này là điều bất ngờ đối với anh.
“Mời các cô vào thăm chốn “ba không” của anh em chúng tôi!” – anh Quyết tếu táo và không quên giải thích vì sao gọi là chốn ba không. “Sở dĩ gọi đây là chốn ba không vì không có đường giao thông bộ, không điện lưới, không sóng điện thoại” – anh Quyết nói. Những “nốt lặng” giữa rừng đặc dụng cũng từ chỗ “ba không” này mà ra.
Trạm kiểm lâm Cò 2 có 4 người, trong đó chỉ có 2 viên chức, còn lại là nhân viên hợp đồng/ năm theo diện hộ gia đình. Theo quy định, mỗi viên chức kiểm lâm chỉ quản lý tối đa 500 ha rừng, nhưng 4 người ở đây quản lý tới 23.000 ha. Bình quân mỗi người “gánh” gần 6.000 ha (cả viên chức và lao động hợp đồng), tức là nhiều gấp 12 lần so với quy định. Dù vậy, với các cán bộ kiểm lâm rừng đặc dụng, áp lực công việc, thú dữ hay “lâm tặc” không đáng sợ bằng sự cô đơn nơi rừng thiêng nước độc.
Trạm kiểm lâm Cò 2 có khuôn viên nhỏ nhắn nhưng rất đỗi ấm cúng. Với những chủ nhân nơi đây thì chiếc nhà tạm cấp 4 chưa đầy 25 mét vuông cũ kỹ được thưng dựng bằng tre, nứa và lợp tranh này là ngôi nhà thứ hai của họ nhưng thời gian ở ngôi nhà này lại nhiều hơn nhà thứ nhất rất nhiều. Trạm không chỉ là chốn che mưa, che nắng mà còn là nơi trú ngụ mỗi khi bão, lũ ập đến và trong đó chứa đựng bao nỗi ưu tư.
Không có điện lưới, hàng chục năm qua, các cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Vũ Quang chỉ có ánh đèn dầu leo lét làm bạn. Mới đây, được một doanh nghiệp hỗ trợ hệ thống tấm quang năng để tận dụng xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời, nên ánh sáng được cải thiện hơn chút ít. “Chiếc quạt to này chúng tôi chỉ dám mở khi có khách đến chứ bình thường nóng như đổ lửa anh em cũng chỉ dùng quạt cóc 12V thôi” – anh Quyết vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc quạt cây dựng trên thềm.
Sau chuyến cấp cứu trong đêm, sức khỏe của anh Lê Ngọc Bá vẫn chưa hồi phục hẳn.
Khi màn đêm buông xuống, ánh sáng điện yếu ớt càng làm nỗi buồn dâng lên man mác trong lòng những người đàn ông cô quạnh. “Ăn cơm tối xong chúng tôi chỉ biết ngồi tán gẫu với nhau đôi ba câu rồi đi ngủ. Không tivi, không sóng điện thoại, không có bất cứ trò giải trí nào, có tiền cũng không biết tiêu vào thứ gì” – anh Lê Ngọc Bá (54 tuổi, quê Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh), kiểm lâm viên Trạm kiểm lâm Cò 2 buồn bã nói.
Mỗi khi tuần tra, mất liên lạc với người thân, gia đình cả tháng trời là chuyện thường. Khi ở trạm, để kết nối được với gia đình, cách vài ba ngày, các cán bộ kiểm lâm phải cầm điện thoại “cục gạch” đến vùng cao hơn hoặc trèo lên ngọn cây đề dò “sóng rớt”. “Nhiều khi nghe câu được câu mất nên nhắn tin là chủ yếu. Tin nhắn cũng chập chờn nên hầu như những việc quan trọng ở nhà, chúng tôi đều bỏ lỡ. Một tháng anh em chỉ xuống núi được 2 ngày, có khi vài ba tháng mới về được một lần nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một vai vợ gánh vác” – anh Quyết tâm sự.
Không có đường giao thông bộ nên các cán bộ kiểm lâm ở Trạm Cò 1, Cò 2, Sao La phải di chuyển bằng thuyền để đến đơn vị. Hôm nào gửi được thức ăn cho người tiếp phẩm của Đồn Biên phòng Hương Quang ở phía trong đi qua thì bữa ăn của anh em kiểm lâm được cải thiện, còn lại hầu hết phải tự túc. Anh em tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà…để lo bữa ăn hằng ngày của mình cho đỡ thiếu thốn. Vào mùa mưa, nước lũ chia cắt, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, gần 20 cán bộ kiểm lâm ở 3 trạm phải ẩn mình trong rừng sâu suốt cả mùa mưa, ăn uống, sinh hoạt hết sức kham khổ.
Nỗi niềm biết tỏ cùng ai!
Sống ở chốn “ba không” nhiều năm, không có thời gian, điều kiện để tiếp cận với nữ giới nhiều nên một số cán bộ ở đây dù đã bước vào tuổi tứ tuần vẫn chưa lập gia đình. Tình trạng “ế vợ” đang là nỗi lo của nhiều cán bộ kiểm lâm ở rừng đặc dụng Vũ Quang.
Trong số 20 người ở 3 trạm, có tới 7 người trên 30 tuổi nhưng chưa lấy vợ. Tình trạng này cũng tương tự ở Trạm Cò 1 và Cò 2. Anh Lê Văn L. (43 tuổi, quê tại thị trấn Vũ Quang, nhân viên hợp đồng Trạm Sao La) chia sẻ, do đặc thù công việc, mỗi tháng xuống núi được vài lần, chủ yếu sống ở nơi “khỉ ho cò gáy” nên việc lập gia đình với anh gặp nhiều trắc trở. Hơn nữa, chứng kiến nhiều anh em phải để gánh nặng gia đình lên vai người vợ nên anh L. càng ngại ngần. “Tôi làm nhân viên hợp đồng 6 năm rồi, lương bình quân hơn 4 triệu đồng/tháng, đến lo cho bản thân còn khó, nói gì đến vợ con” – anh L. bày tỏ.
Điều kiện sinh hoạt khó khăn, trách nhiệm nặng nề nhưng lương lại thấp, đó là thực trạng chung của cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Vũ Quang. Làm việc, cống hiến cho nghề gần 30 năm nhưng lương và phụ cấp của Trạm trưởng kiểm lâm Cò 2 Mai Văn Quyết chưa được 6 triệu đồng/tháng, Trạm trưởng trạm Sao La Lê Công Sáng công tác 12 năm trong nghề cũng mới chỉ được 5 triệu đồng/tháng…
Để có sóng liên lạc với cơ quan, gia đình, các cán bộ kiểm lâm phải trèo lên ngọn cây hoặc lên vùng núi cao để dò sóng rớt.
Song, nỗi lo lắng thường trực và lớn nhất của những người gác rừng là sự an nguy tính mạng của mình. Anh Lê Ngọc Bá vẫn nhớ như in sự việc xảy ra với mình vào lúc nửa đêm một ngày cuối tháng 4/2019.
23h đêm hôm đó, thấy khó ngủ nên anh Bá đi dạo xung quanh trạm. Đang đi bỗng nhiên thấy đầu quặn đau, chân và tay tê cứng rồi lên cơn co giật. Anh em trong trạm thấy vậy hoảng hốt gọi thuyền cứu trợ.
“Đi thuyền vào lúc đêm tối không thể đi nhanh được, lòng hồ lại có nhiều vật cản, gặp cơn gió mạnh phải nấp, nếu không sẽ lật thuyền, nên để ra được khỏi lòng hồ cũng phải rạng sáng. Trải qua nhiều chặng đường nên mãi đến gần trưa hôm sau chúng tôi mới đưa anh Bá đến được bệnh viện để cấp cứu. Đến đó, bác sĩ xác định anh bị tai biến, phải điều trị hơn 1 tháng mới trở lại làm việc được, nhưng đến giờ thể trạng sức khỏe vẫn còn yếu”- anh Quyết kể lại.
Cách sự cố của anh Bá ít ngày, mẹ của Trạm phó trạm kiểm lâm Cò 2 Đinh Hữu Chức ở huyện Đức Thọ bị ngã gãy xương cổ phải ra Hà Nội điều trị. Khi mẹ của anh Chức ra Hà Nội điều trị rồi, sáng hôm sau anh mới biết tin nên không thể về đưa mẹ đi viện mà ở nhà vợ anh và em gái đưa đi.
Anh em kiểm lâm kể, cách đây khoảng 4 tháng, một y sĩ tên Thân (51 tuổi) ở Đồn biên phòng Hương Quang bị nhồi máu cơ tim. 1h sáng mọi người đưa đi cấp cứu nhưng ông này tử vong ngay trên thuyền, gần Trạm kiểm lâm Cò 2. “Nếu ông Thân ở ngoài đất liền chắc hẳn sẽ được cứu chữa kịp thời, nhưng vì ở trong này xa xôi, cách trở nên khi chết cũng cô đơn! Những sự cố đau lòng như thế thường xuyên hiện hữu khiến chúng tôi không khỏi lo lắng, bất an” – một kiểm lâm viên buồn bã nói.
Ông Nguyễn Tiến Đàm, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang chia sẻ: Đợt lũ đầu tháng 9 mới đây, nước thượng nguồn đổ về trong đêm, Trạm kiểm lâm Sao La và Cò 2 bị nước lũ nhấn chìm, toàn bộ vật dụng, tài sản của các cán bộ kiểm lâm gây dựng bấy lâu bị ngập hư hỏng hết. Từ ngày trạm bị ngập, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc của các cán bộ bảo vệ rừng của 2 trạm này gặp rất nhiều khó khăn, phải lập lán trại tạm bợ, nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn. Điện năng lượng cũng chưa thể tái sử dụng. Cuộc sống của anh em kiểm lâm rừng đặc dụng đã khó khăn nay càng khổ sở hơn…