Sinh năm 1972, nghệ sĩ múa rối Nguyễn Tiến Dũng là một trong những người trẻ vừa vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). PV Báo Đại Đoàn Kết đã cuộc trò chuyện với NSND Nguyễn Tiến Dũng xung quanh câu chuyện gìn giữ văn hóa từ một loại hình nghệ thuật truyền thống.
Cảnh trong vở "Vũ điệu hoa quỳnh".
PV:Anh có nghĩ rằng mình may mắn khi được nghệ thuật múa rối mang lại cho niềm vinh dự ấy?
NSND Nguyễn Tiến Dũng: Tôi đến với nghệ thuật múa rối cũng bởi nghiệp “cha truyền con nối”. Bố tôi là một trong bảy viên gạch đầu tiên thành lập Nhà hát Múa rối Việt Nam. Nhà ở cạnh Nhà hát nên ngay từ bé tôi cũng hay được xem múa rối, rồi được theo bố đi biểu diễn ở khắp nơi. Thậm chí, ngay khi bắt đầu đi học, bố tôi cũng lập cho mấy đứa trẻ cùng xóm một nhóm rối nhỏ để đi biểu diễn tại các trường học.
Tuy nhiên, khi thi đại học ngành tôi chọn theo học là diễn viên kịch nói. Những năm đầu khi ra trường tôi là một diễn viên kịch của Nhà hát Kịch Quân đội. Về Nhà hát được vài năm thì tôi lập gia đình. Sau đó, lãnh đạo Nhà hát Múa rối Việt Nam có lời mời tôi về nhà hát. Vậy là nghiệp múa rối chính thức bắt đầu từ đó.
Theo anh, đâu là việc khó nhất ở loại hình nghệ thuật này?
- Múa rối là một nghề đặc thù, có những tiểu xảo riêng giờ ngẫm lại lúc bé mình đã được học, được biết và sau nay khi áp dụng vào nghề nó như một thứ bản năng. Hôm nhận được giấy mời đi nhận danh hiệu NSND thì người đầu tiên tôi nghĩ đến là bố tôi. Không phải vì không quan tâm đến mẹ mà vì tất cả những liên quan đến nghề mình ảnh hưởng từ bố rất nhiều.
Bây giờ ngẫm lại những lúc được theo ông đi diễn rối ở Hà Nam, Hải Phòng, Nam Định… thời gian đó tôi được học rất nhiều bài học cho việc làm nghề sau này.
NSND Nguyễn Tiến Dũng.
Bên cạnh được nhận danh hiệu NSND, dấu ấn lớn nhất năm 2015 của NSND Tiến Dũng chính là vở rối “Vũ điệu hoa quỳnh” (trong vai trò đạo diễn) đã giành HCV lại Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ IV. Anh có thể chia sẻ về tác phẩm đặc biệt này?
- Thực sự vở “Vũ điệu hoa quỳnh” vào tập rất muộn và đôi khi vì nhiều lý do tưởng như vở diễn đã bị lùi thời gian ra mắt. Ý tưởng vở “Vũ điệu hoa quỳnh” rất hay, tuy nhiên, khi vào việc tôi thấy rất “bí” khi không ra được yêu cầu quan trọng nhất về chất lượng, loại hình con rối. Rồi cũng có những băn khoăn xem phương thức con rối đó là dùng thể loại rối nước hay rối cạn.
Trong đó rối cạn lại có rối que, rối mặt nạ, rối điều khiển ngang… Lúc đó nếu mà chọn nhầm thì hiệu quả vở diễn sẽ kém đi rất nhiều. Giữa lúc ấy, ký ức về những vở rối xưa của bố lại ùa về. Tại sao không làm con rối bằng tre nhỉ? Bởi chất liệu bằng tre mang bản sắc, biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, khi trao đổi với tác giả và họa sĩ thì ai cũng lo chất liệu cứng quá.
Nếu như hoa thì phải bằng vải voan trông long lanh trong sáng giọt sương, thì nếu tre cứng như thế mình làm rối để nó uyển chuyển được thì là một thành công. Ở đó, diễn viên điều khiển uyển chuyển mềm mại thì đó lại là một thành công nữa. Hai cái thành công đó cộng lại đã là một hiệu ứng lớn…
Và cứ thế làm, một tuần làm được một con rối thì mang ra tập trước. Cứ làm gối đầu như thế, nhưng khi thấy các đoàn quốc tế mang đến những kiểu cách con rối tương tự, tôi đâm ra lo. Cuối cùng là thành công vang dội của vở “Vũ điệu hoa quỳnh”- so với hình dung ban đầu của tôi, thành công của vở diễn đã vượt ngoài sức tưởng tượng.
Trân trọng cảm ơn anh!
NSND Nguyễn Tiến Dũng hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam. Anh cho biết, “Vũ điệu hoa quỳnh” đã được chọn giới thiệu tới khán giả Thủ đô vào giữa tháng 1/2016 chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. “Vũ điệu hoa quỳnh” của tác giả kịch bảnNguyễn Thuỳ Trang, kể một câu chuyện đầy tính nhân văn: Do mắc tội “quá xinh đẹp”, nên hoa quỳnh bị con bướm cùng lũ sâu độc ác bắt nàng đem nộp cho chúa đất, vốn là một tên độc ác khét tiếng trong vùng. Nhưng rồi, trước vẻ đẹp thanh tú, trong trắng của hoa quỳnh cùng những vũ điệu đẹp đến mê hồn của nàng đã cảm hoá được chúa đất. Từ một kẻ độc ác, chúa đất trở thành người bảo vệ cho hoa quỳnh… Câu chuyện đã được đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng “kể” lại một cách sinh động qua những mảng miếng tinh tế, độc đáo của nghệ thuật múa rối. Chính vì thế, những nhân vật ở đây không đơn giản là một con rối có thể cử động theo dây mà còn có tâm trạng, nỗi niềm. Phương Lan |