Trong giới âm nhạc, cái tên NSƯT Quốc Hưng không mấy xa lạ. Anh được biết tới là giọng bass (nam trầm) hàng đầu Việt Nam của dòng nhạc thính phòng. Những vai diễn khó trong nhiều vở nhạc kịch quan trọng thường có sự xuất hiện của Quốc Hưng. Nhưng bằng việc ra mắt những album riêng, cho thấy anh đang tìm cho mình một lối rẽ thú vị: chuyển từ chính ca sang tình ca!
NSƯT Quốc Hưng trên sân khấu.
Kể chuyện biển bằng âm nhạc
Sau một thời gian vắng bóng trong các sản phẩm âm nhạc, album “Biển tình” là sản phẩm âm nhạc ghi dấu ấn sự xuất hiện trở lại của giọng bass hàng đầu Việt Nam của dòng nhạc thính phòng: NSƯT Quốc Hưng- Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
“Tôi rất yêu biển và may mắn được đi công tác ở các tỉnh có nhiều bờ biển đẹp nhất của đất nước. Đi đến đâu tôi cũng dừng chân 3 - 4 ngày để lang thang, cảm nhận cái mênh mông, huyền bí của biển. Lúc đó, có rất nhiều suy nghĩ, nhiều tình cảm riêng tư trỗi dậy”- NSƯT Quốc Hưng tâm sự, và cho biết thêm, những buổi chiều ngồi trước biển, ngắm biển, trong anh thường vang lên những giai điệu biển khơi. Anh nảy ra ý định làm riêng một album gồm những ca khúc về biển trong một chiều như thế.
Tuy nhiên, để chốt lại với 9 ca khúc trong “Biển tình”, nghệ sĩ Quốc Hưng đã phải vất vả lựa chọn từ bản danh sách hơn 20 ca khúc về biển mà anh yêu thích. Lựa chọn, tìm ra một sợi dây xuyên suốt để thông qua đó, anh kể được một câu chuyện âm nhạc của riêng mình. Qua album “Biển tình”, khán giả gặp lại những ca khúc mang tính tự sự: “Tìm tên anh trên bờ cát” (Duy Thái), “Biển đêm” (Lê Vinh - Nguyễn Thị Hồng Ngát), hay “Chút thư tình gửi người lính biển” (Hoàng Hiệp - Trần Đăng Khoa); lại có những ca khúc mang hơi hướng nhạc nhẹ như “Biển khát” (Trương Ngọc Ninh), “Biển cạn” (Kim Tuấn); rồi những ca khúc rất rộn ràng như “Bâng khuâng Trường Sa” (Lê Đức Hùng - Nguyễn Thế Kỷ); tất nhiên không thể thiếu ca khúc “Thuyền và biển” (Phan Huỳnh Điểu - Xuân Quỳnh).
Thông qua album “Biển tình”, NSƯT Quốc Hưng kể câu chuyện bằng giọng hát, kể bằng âm nhạc và bằng chính tâm hồn mình. Đó là câu chuyện về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước. Nó như tình yêu của con thuyền và biển cả.Tất cả những tác phẩm trong album này NSƯT Quốc Hưng không quá lạm dụng nhiều kỹ thuật. Ở trong đó, có những lúc nhanh, lúc chậm, lúc vui, lúc buồn, lúc thì thầm, lúc mạnh mẽ, cũng như biển như thế thôi, có lúc rất dữ dội và có lúc lại thật êm đềm.
“Với âm nhạc, tôi là người khó tính”
Album vol 3 lần này được NSƯT Quốc Hưng đầu tư rất kỹ về mặt âm nhạc từ khâu phối khí đến dàn dựng với sự tham gia của các nghệ sĩ Hà Nội và TP HCM. “Với âm nhạc, tôi là người khá khó tính. Cho nên những nghệ sĩ kết hợp được với tôi thường là những người có tâm huyết và trách nhiệm”- NSƯT Quốc Hưng nói.
Khi nhắc đến Quốc Hưng mọi người thường nghĩ ngay tới âm hưởng hùng tráng những tác phẩm có quy mô của nghệ thuật Opera nên thường một nhạc sĩ nhận lời đảm nhận phối khí một tác phẩm âm nhạc đại chúng cho anh hay có những cảm giác dè dặt, vì có thể các nhạc sĩ sẽ nghĩ phải làm sao để có bản phối khí vừa hoành tráng lại vừa phù hợp với tính chất của tác phẩm. Nhưng thực tế khi đã bắt tay vào cùng hợp tác và khi hoàn thiện ai cũng cảm thấy mãn nguyện.
Sẽ không bất ngờ khi tham gia dàn nhạc thực hiện album là một dàn nhạc dây thính phòng với các nghệ sĩ uy tín như các nghệ sĩ Nguyễn Văn Hạnh (violon), Hồ Việt Khoa (violon), Lê Tuấn Anh (violon), Nguyễn Đinh Hương (viola), Đinh Phan Như Quỳnh (cello). “Họ đều là những nghệ sĩ, giảng viên uy tín hiện nay. Họ cũng chính là những người bạn đã học cùng tôi, làm việc cùng tôi tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam trong suốt nhiều năm qua nên đã thấu hiểu nhau” - nghệ sĩ Quốc Hưng cho biết. Phần dàn nhạc còn có sự tham gia của các solist như nghệ sĩ saxophone Danh Long (TP HCM), nghệ sĩ guitar Duy Phong (HN).
Sự xuất hiện của dàn nhạc thính phòng là điều không bất ngờ đối với album của một nghệ sĩ opera cho dù đó là một album nhạc trữ tình nhưng sẽ khá thú vị khi biết được rằng NSUT Quốc Hưng đều chọn những nhạc sĩ trẻ cả về tuổi đời cũng như âm nhạc để đảm nhiệm phần phối khí. Trong đó có nhạc sĩ Phúc Trường (TP HCM) và hai nhạc sĩ trẻ Hà Nội là Hà Trung và Chu Oanh.
Hướng tới một liveshow riêng
Trước câu hỏi, liệu sắp tới đây anh có đặt hàng các nhạc sĩ để họ “đo ni đóng giày” – sáng tác riêng những ca khúc vừa khít với giọng hát của mình, thay vì lựa lọc trong danh sách những bài hát đã quá quen thuộc, dù hay? NSƯT Quốc Hưng tỏ ra bối rối. Bởi lâu nay đúng là anh chưa nghĩ đến. “Chắc sắp tới sẽ phải đặt một số nhạc sĩ viết riêng cho mình”- nghệ sĩ Quốc Hưng tâm sự, đồng thời bật mí về kế hoạch trong tương lai gần: “Sau album này tôi đang có dự định sang năm sẽ làm một liveshow riêng”.
Có mặt trong buổi ra mắt album “Biển tình”, NSND Phạm Ngọc Khôi- Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận xét: từ Quốc Hưng chính ca đến Quốc Hưng tình ca là một chặng đường dài, cho thấy sự toàn diện của một giọng ca.
Trong khi đó, NSND Quang Thọ vẫn còn nhớ như in những dấu chân âm nhạc của người học trò Quốc Hưng. Ông cho biết, Quốc Hưng vốn là người hát chèo, nhưng đã bỏ chèo để đến với âm nhạc thính phòng, bác học một cách rất bài bản, chuyên nghiệp.
Khi Quốc Hưng dự thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cũng là lúc NSND Quang Thọ đang là Phó chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc. NSND Quang Thọ nhớ lại: “Quốc Hưng học với một giọng bass cũng rất hiếm có là nghệ sĩ Trần Hiếu, và tiến bộ rất nhanh”. Vẫn theo NSND Quang Thọ, sở trường của Quốc Hưng là opera với những arial, những bản chính ca như “Đường chúng ta đi”...
Giờ đây, nghệ sĩ Quốc Hưng chọn tình ca để đến với trái tim người nghe. Tức là không phải chọn sở trường của mình. Thế nhưng công chúng sẽ thấy được sự bất ngờ qua tiếng hát của Quốc Hưng và thêm yêu mến con đường âm nhạc mà anh đã chọn.
Muốn đến gần khán giả hơn |