NSƯT Vũ Tự Lẫm: Anh Hai Chi “của tôi”

Nguyễn Quang Hưng 08/02/2016 14:10

Nhiều người khác hẳn cũng nghĩ như thế, nghĩa là có một gương mặt ấy, dáng điệu ấy trong mình, như để yêu mến, để từ ấy gợi lại một thời. Tôi không được  ở thời ấy, hồi nghệ sỹ Vũ Tự Lẫm đóng vai anh Hai Chi trong phim “Đến hẹn lại lên”, để cảm nhận một không khí và có chung những kỷ niệm, những biến cố, có khi là dấu ấn chung của cả cộng đồng. Nhưng vẻ chân thật trong hình ảnh anh Hai Chi đầu buộc khăn vai đeo tay nải, chân đi đất men theo những bức tường nắng trong ngõ làng vắng vẻ, đôi m

NSƯT Vũ Tự Lẫm: Anh Hai Chi “của tôi”

NSƯT Vũ Tự Lẫm một lần chơi đàn đón khách.

Những ngày hào quang đó của diễn viên Tự Lẫm đã quá xa rồi, từ những năm 70, dẫu bộ phim đã thành công vang dội, và bên cạnh hình ảnh cô Nết do NSND Như Quỳnh thủ vai khắc vào tâm khảm công chúng, nhiều người Bắc Ninh hôm nay vẫn nhắc đến anh Hai Chi – Vũ Tự Lẫm. Dẫu đến bây giờ, lâu lâu bộ phim vẫn được phát lại trong niềm trân trọng của nhiều lớp khán giả. Anh Hai Chi Tự Lẫm trẻ trung và đầy hoài bão nhiệt thành những năm tháng ấy, sau quãng thời gian cống hiến ở đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, từ dạo đầu những năm 90 cũng đã cởi bỏ ánh đèn sáng sân khấu để bươn bả với đời. Tính ra, công tác ở đoàn được hơn 20 năm, từ 1969 đoàn thành lập, ông Lẫm ở trong lứa những thanh niên đầu tiên được chọn về đoàn để từ đây mà tỏa vào các làng quan họ học hát. Học lời ca, kỹ thuật, cách hát, học lề lối và phong tục chơi quan họ đấy, mà cũng là sống, là tích vào cho mình những lẽ ăn ở, khu xử ở đời, nhất lại là ở một vùng đất trầm tích văn hóa như miền Kinh Bắc. Bây giờ hai người đồng nghiệp cùng Tự Lẫm năm xưa - vợ ông, nghệ sỹ Minh Phức và NSƯT Lệ Ngải, nhà ở kề đấy trên phố xá Bắc Ninh, cũng là chị em trong họ với bà Phức, là cặp nghệ sỹ hát kỳ cựu bậc nhất tỉnh Bắc, với những bài bản quan họ cổ hiếm và độc đáo mà ít người khác có. Ông Lẫm cũng vậy, là cái người lưu trữ được trong mình nhiều vốn liếng cổ truyền để cánh trẻ hôm nay vẫn có người “cắp tráp đến hỏi”. Nhưng bao năm nay, ông hầu như chỉ giữ mà không có người hát cùng. Bởi hát, không chỉ phải hợp về giọng, mà phải biết nhau, trọng nể nhau về tính về tình.

Niềm nở, nhiệt thành, đắm đuối với nghiệp hát và rất quý trọng những tài hoa khác trong đời, liền anh Tự Lẫm với sự ý thức về những gì mình có đã giữ gìn sự kiêu hãnh suốt bao năm qua. Kể cả trong những sóng gió và chuỗi dài khó khăn đời thường. Thời gian dài sau khi rời đoàn, ông bà đi hát văn, dạy hát, tham gia vào nhiều kỳ cuộc văn nghệ truyền thống quần chúng ở cơ sở, cùng nhóm thân thiết đi các hội quan họ, xe máy chầy chầy lượn khắp những nẻo gần xa. Làm đấy, mà cũng là chơi đấy, bởi đó còn là niềm say nghề của ông nữa. Và chơi, nhưng cũng đừng buông tuồng, dễ dãi! Nếu ai đó muốn ông làm điều gì không hợp ý về mặt nghề nghiệp thì cũng không thể vì chút lợi mà tặc lưỡi cho xong. Thiếu đàng hoàng, kém trân trọng thì chỉ có thể… nghỉ chơi! Ví dụ này nhỏ thôi, nhưng thấy rõ là trong quan hệ người ta phải biết con người ông thì được việc. Lần nọ tôi ngồi xem ông tỉ mẩn têm trầu cánh phượng, ông kể “tại” ông biết têm, mà lại têm đẹp ư, nên hay “mắc mớ” với mấy cái người đi ăn hỏi, đi xin dâu hay nhà có việc gì đó, cần có những khẩu trầu trông thật tươi, thật thanh thoát, ít thì đĩa, vừa thì cơi, nhiều thì… cả mâm. Nhưng mà vui vẻ chờ đợi được thì ông làm, vì làm cho đẹp là cứ phải thong thả, còn cứ giục quắng lên, em đang vội, miếng trầu chứ có phải cái gì đâu mà bác kỹ thế, thì… thôi, ông bảo thế à, thế thì anh không làm được, đi nhờ chỗ khác vậy nhé! Chuyện miếng trầu đã vậy, chuyện đi hát đi đàn, đi quen biết ở đời lại càng thế!

Nhưng đằng sau những kiêu hãnh và nghiêm ngắn như đã ngấm đẫm lề lối quan họ xưa, vẫn là cả một nỗi nặng lòng. Tôi có những lần nghe ông than thở về sự hát sai hay hát vội hát vàng, hát quấy hát quá của đâu đó những gương mặt mới trong làng quan họ, trên truyền hình, trên sân khấu. Lại những lần ông nói về thái độ không bằng lòng, cả nỗi bất bình của mình trước một cách hành xử nào đó từ phía cơ quan quản lý văn hóa địa phương với văn hóa, với… ông. Có lần người ta nhờ ông cố vấn về một số nghệ nhân cao tuổi trong làng quan họ để xét danh hiệu của địa phương, bởi lứa nghệ sĩ quan họ đầu đàn như ông năm xưa đi cùng ăn, cùng ở, cùng làm để học hát ở các làng quan họ gốc chính là những người biết, hiểu về các cụ hơn cả. Ông nhiệt tình, rồi… xong. Dịp trao danh hiệu, không có đến một lời mời. Ông không cần mâm cao cỗ đầy, nhưng ông không bằng lòng với cách cư xử như thế!

NSƯT Vũ Tự Lẫm: Anh Hai Chi “của tôi” - 1

NSƯT Vũ Tự Lẫm hướng dẫn các liền anh trẻ về phong cách người quan họ.

Nhưng rồi những phiền lòng đâu đó lại trôi đi để tháng ngày mỗi lúc một khá lên, đủ đầy hơn vẫn luôn ngập tràn những thanh âm, trong đó có những cuộc gặp gỡ bầu bạn để cùng sẻ chia nghệ thuật. Thầy tôi, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ đi nghiên cứu quan họ, gặp được “anh Lẫm, chị Phức, chị Ngải”, sung sướng trước một kho tàng quan họ và cảm kích với những con người ân nghĩa. Còn các “anh chị” thì ấm lòng khi tháng ngày đã đưa đến một “chú em” người Nghệ nhưng yêu và hiểu quan họ đến thế! Chúng tôi “theo đuôi” thầy đến “ăn chực ngủ nhờ” mỗi dịp hội hè, với các ông bà dần trở nên thân thiết. Tôi với anh “Long xẩm” lên Bắc Ninh thăm một lần ông Lẫm mệt, ông mừng vui lấy nhị, lấy đàn nguyệt, trống, sênh, mõ… ra, cùng với vợ ông – bà Minh Phức đàn hát tưng bừng đón hai “thằng cháu”. Anh Quang Long mang về cho ông cuốn sách tập hợp nhiều bài ca xẩm do cố nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ soạn, ông như nhận được báu vật bởi mấy năm nay đang để tâm đến xẩm. Nghe đĩa nhiều khi không rõ lời, chép ra nó khó, giờ ông đã có văn bản để đối chiếu và luyện rèn.

Nói chữ luyện rèn với Vũ Tự Lẫm có vẻ kỳ kỳ chăng? Bởi ông đã thuộc vào lớp kỳ cựu trong làng quan họ, và ông cũng “ngang” lắm cơ mà! Nhưng tự ông thấy mình là như thế, là con người ham tìm hiểu để thử sức và kiên tâm với những ngón nghề đàn hát. Lần nọ ông viết một hàng tên các bài chèo cổ vào tờ giấy đưa cho tôi, bảo con về Hà Nội, con đưa giúp chú cho bà Bình, bà Bình đây là NSƯT Đoàn Thanh Bình, giọng chèo hàng đầu, cô giáo của con trai ông – NSND mới phong - danh hài Tự Long, con nói bà ấy có thì cho chú xin lời mấy bài chèo này để chú tập nhé…

Mới rồi Tự Lẫm sang Hà Nội nhận danh hiệu NSƯT, danh hiệu mà nhẽ ra từ lâu ông đã phải nhận được. Nói vậy cũng là để nhấn vào lẽ cần thiết của sự ghi nhận công lao và tâm huyết nghệ thuật. Chứ bản thân Vũ Tự Lẫm vốn không phải là người háo danh. Độ hai tháng trước, khi chưa có kết quả gì cho đợt phong tặng danh hiệu nghệ sỹ vừa qua, tôi có gặp nhà thơ Vũ Từ Trang, người bạn cùng làng Trang Liệt ở Từ Sơn – Bắc Ninh vốn rất quý trọng với Tự Lẫm. Ông Trang bảo ông Lẫm đang có điều không được vui, chỉ bởi có người đến viết về ông, nhưng trong bài sớm vội “phong” cho ông là NSƯT. Ông không thích thế! Chưa phong tặng gì, người này người khác ở địa phương nhìn vào rồi đánh giá không hay! Dù không lấy sự được thua làm trọng, ông cũng không muốn hình ảnh của mình bị nhìn nhận không đúng trong mắt người khác. Tôi nhớ năm 2010 có là đồng tác giả chương trình sân khấu hóa “Hơi thở của nước” ở Festival Huế, mời các ông bà Vũ Tự Lẫm, Minh Phức, Lệ Ngải và nghệ nhân Xuân Trường – anh Hai danh tiếng của làng quan họ Đọ Xá vào Huế biểu diễn. Đồng thời khi vào đó, ban tổ chức cũng mời các ông bà tham gia tiết mục khai mạc Festival gồm nhiều phần, có một đoạn dành cho quan họ. Bốn bộ quần áo được đưa đến để các ông bà mặc lên sân khấu, thiết kế không đúng màu sắc, kiểu dáng trang phục quan họ. Các ông các bà giở ra xem, nhất quyết không mặc, kể cả không lên sân khấu nữa thì chúng tôi cũng chịu! Ông Lẫm bảo, thứ nhất đã không đúng rồi, thứ hai, nếu có vì chương trình mà cố đóng bộ vào, lên sóng truyền hình, bao người ở Bắc Ninh người ta xem thì chúng tôi còn mặt mũi nào mà về đất quan họ nữa! Sau phía ban tổ chức cũng hiểu và tôn trọng ý kiến các nghệ sỹ, các ông bà mặc bộ quan họ quen thuộc của mình lên sân khấu, thật trang trọng, điềm tĩnh và nuột nà.

Đấy là hè tháng 6 năm 2010, hè khô nóng chói chang, chúng tôi ngồi trong một phòng của khách sạn Morin bốn sao ở Huế, ông Lẫm têm một cơi trầu để tối nay bưng trên tay khi diễn trên mặt hồ Tịnh Tâm. Còn tôi pha nước, chạy đi tìm quả chanh cho ông thỉnh thoảng quyệt con dao để khi bổ vào quả cau nó không bị thâm, chạy đi… bứt trộm bông hoa hồng trong một lẵng hoa triển lãm để ông lấy cánh xén hình như chiếc lá đề gắn vào chỗ giữa lưng và đuôi “con phượng”. Còn bây giờ sắp mùa xuân, trước hội Lim ông sẽ gọi điện bảo thầy trò anh về hội Lim thì định lên Bắc Ninh hay về Từ Sơn, bảo trước để tôi còn liệu? Nhà ông ở Bắc Ninh, nhà thờ của dòng họ thì ở trong làng Trang Liệt, ông hay về đấy trông nom việc hương khói. Và ở đâu ông có trống, có nhị, có đàn… để mở lòng chờ bạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    NSƯT Vũ Tự Lẫm: Anh Hai Chi “của tôi”