Nụ cười Pù Nhi

NGUYỄN CHUNG 30/10/2022 06:46

Bên Quốc lộ 15C - con đường nối huyện Mường Lát với miền xuôi, vùng đất Nhi Sơn, Pù Nhi (Mường Lát, Thanh Hóa) nằm chênh vênh, một bên là ta luy âm nối với xuống các thung lũng hẹp ven sông Mã, một bên là các sườn đồi cao thoải cứ chạy lên mãi, quanh năm mây vờn. Một thuở xa, nơi đây từng được xem là “thủ phủ” của cây anh túc - thứ cây gieo chết chóc và đói nghèo. Nhưng, những ký ức đau thương ấy giờ đã lùi xa…

Pù Nhi, Nhi Sơn nhìn từ trên cao.

Một thời “giông bão”

Chúng tôi chạm đỉnh Cổng Trời thuộc địa bàn xã Trung Lý, huyện Mường Lát khi sương mù hãy còn phủ kín các thung lũng và nẻo xa. So với khoảng 10 năm về trước, Quốc lộ 15C đã thực sự “lột xác” từ một “nan lộ” đúng nghĩa để trở thành con đường rộng rãi được trải nhựa, hiền lành nằm vắt mình qua các sườn núi. Từ Cổng Trời, xe di chuyển chậm chừng hơn chục cây số thì chạm đất Nhi Sơn, Pù Nhi. Hai xã này trước khi chia tách là một và cũng từng là “vựa” thuốc phiện ở cực Tây xứ Thanh. Hai bên đường là những ngôi nhà ngói, nhà mái bằng của dân dưới xuôi lên tìm sinh kế nằm chen lẫn với các căn nhà sàn, nhà vách gỗ của đồng bào người Mông, Thái. Thấp thoáng trong màn sương sớm là tiếng í ới gọi nhau, tiếng cười đùa của vài người dân lùa gia súc lên rẫy… Cùng với những cơ chế, chính sách ưu đãi, Mường Lát đang thực sự chuyển mình.

Trong căn nhà truyền thống của người Mông được làm cách tân với sự phối trộn của bê tông cốt thép, ông Hơ Chứ Hơ - nguyên Trưởng bản Cá Nọi (xã Pù Nhi) nay dậy sớm hơn thường lệ. Với bộ quần áo tinh tươm, nước da màu nâu bóng rắn rỏi khiến ông trẻ hơn so với cái tuổi đã ngoài 60. Đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện và cái bắt tay ấm sực, ông Hơ cất giọng sang sảng: “Ô, đến sớm đấy! Thế ra các cậu phải đi từ lúc con gà gáy sáng à?”, rồi kéo khách vào bàn nước trong gian giữa của căn nhà. Bên ấm chè vối nóng hổi, ông Hơ kể cho chúng tôi nghe về một thời Pù Nhi quay cuồng trong cơn bão anh túc, và cuộc chuyển mình của cả vùng đất đói nghèo, lạc hậu này.

Trong ký ức của nhiều người đã từng đến Mường Lát, “cơn bão” mà ông Hơ đang nhắc tới dường như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Thời mà cây anh túc được xem là thứ cây vàng, cây tiền, “cơm đen” của đồng bào. Đó là vào những năm 80 của thế kỷ trước. Ở đây, nhà nhà, người người trồng, hút thuốc phiện. Để chống lại những mùa đông sương giá và cả những cơn bĩ cực. Thậm chí thời ấy, người thính nhạy còn có thể ngửi thấy mùi ngai ngái của khói thuốc phiện thoảng trong cơn gió thổi qua bản”, ông Hơ nhấp ngụm chè vối, trong giọng nói vẫn còn sự thảng thốt khi nhắc lại chuyện xưa.

Cây mận đã và đang góp phần giúp đồng bào ở Nhi Sơn, Pù Nhi phát triển kinh tế.

Công cuộc đổi thay

Trước tác hại của cây thuốc phiện, Nghị quyết 06 của Chính phủ năm 1993 và sau này là Chỉ thị 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1996, phong trào bài trừ, triệt tiêu cây thuốc phiện được diễn ra một cách quyết liệt. Kể về giai đoạn này, có lẽ không ai tường tận như ông Lâu Gia Pó – người ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi. Ông nguyên là cán bộ xã và sau này là Chủ tịch UBND xã Pù Nhi. Có người khơi lại chuyện xưa, ông hắng giọng rồi hồi lâu mới cất giọng kể: Cuộc chiến xóa cây thuốc phiện diễn ra vô cùng gian nan. Đến nhà dân tuyên truyền về việc phá bỏ loại cây nguy hại này, cũng có nhiều gia đình hiểu, đồng ý, nhưng cũng có người chống đối với suy nghĩ, bỏ cây thuốc phiện thì biết làm gì để sống. “Những ngày đầu triển khai chính sách thực sự rất khó khăn. Phá được những nương anh túc ngoài kia thì dễ nhưng xóa bỏ được nó trong nếp nghĩ của bà con dân bản thì không đơn giản”, ông Pó nói. “Cách duy nhất để bà con nghe và làm theo là phải có người làm gương, làm thí điểm. Lúc ấy, Ban chỉ đạo xóa cây thuốc phiện của xã đã chọn ông Va Văn Di (ở bản Pù Ngùa) để “thí điểm”. Ông Di là người có thâm niên nghiện hút thuốc phiện đến 15 năm. Từ một gia đình có của ăn, của để của bản, nhà ông Di trở nên nghèo xơ nghèo xác vì nghiện thuốc phiện. Thấy vợ con khổ, ông Di quyết tâm phá bỏ cây thuốc phiện, đồng thời kiên trì cai nghiện thành công. Sau này chính ông được bà con tín nhiệm bầu làm cán bộ xã. Trường hợp của ông Di cũng giúp cho nhiều gia đình thay đổi cách suy nghĩ”, ông Pó kể.

Rất nhanh, ngay sau khi đưa ra chủ trương dẹp bỏ cây thuốc phiện, Đảng, Nhà nước ta đã có hàng loạt các chính sách kịp thời, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất thông qua các Chương trình 134, 30a... Hỗ trợ bà con giống cây, giống con; hỗ trợ hộ nghèo làm nhà; kéo điện, làm đường, trường, trạm,... Từ đó, giúp bà con “đoạn tuyệt” với cây thuốc phiện một cách bền vững.

Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của người dân ở Pù Nhi, Nhi Sơn.

Dẫn tôi đi thăm bản làng, ông Pó, ông Hơ vui ra mặt khi nói về sự đổi thay của bản Cá Nọi cũng như xã Pù Nhi hôm nay. Từ 75 hộ dân, nay bản Cá Nọi đã tăng lên 145 hộ. Cả bản không ai trồng thuốc phiện, không ai nghiện thuốc phiện. Giờ đây, người dân được cán bộ xã, cán bộ biên phòng quan tâm hỗ trợ con giống, cây nuôi, cũng như việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế, con cái được đến trường học cái chữ... Nếu như những năm trước, bà con dân bản chỉ biết trồng ngô, trồng sắn thì nay nhiều gia đình cũng đã biết chuyển đổi cây trồng cho giá trị kinh tế cao như trồng mận, đào...

Chủ tịch UBND xã Pù Nhi Bùi Văn Nhân khẳng định: “Mặc dù gặp khó khăn bởi địa hình, khí hậu, nhưng nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân Pù Nhi, nơi từng được gọi là “vựa” thuốc phiện ngày nào nay đã khởi sắc”. Ông Nhân dẫn chứng từ vụ gieo trồng vừa qua, toàn xã đạt 708,5 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 2.012,8 tấn. Hiện xã có 768 con trâu, 1.924 con bò, 11.393 con gia cầm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 17 triệu đồng/người/năm... Riêng những vùng trước đây vốn là nơi ngự trị của cây thuốc phiện, giờ đã được xã xây dựng thành vùng chuyên canh cây mận, cây đào. Đây là 2 loại cây trồng tiềm năng, chủ lực của địa phương. Mục tiêu của xã là thương hiệu (hướng đến sản phẩm OCOP), có liên kết bao tiêu và được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch...

Cũng nói về hành trình đổi thay, đoạn tuyệt với cây anh túc của bà con dân tộc tại Mường Lát, Phó Bí thư Huyện ủy Triệu Minh Xiết cũng khẳng định rằng: “Chính tinh thần quyết liệt từ các cấp chính quyền, lực lượng biên phòng, đặc biệt là các Chương trình 134, 30a... đã triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời, giúp bà con dân bản thoát được cây thuốc phiện và có bước phát triển như hôm nay”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nụ cười Pù Nhi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO