Ở tuổi 96, vị quốc vương tại vị lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh - Nữ hoàng Elizabeth II đã đánh dấu cột mốc 7 thập kỷ lên ngôi trong Đại lễ Bạch Kim.
Nữ hoàng Elizabeth II đã được chụp ảnh, vẽ tranh, được khắc trên đồng xu, in lụa trên áo phông và in hình lên đĩa. Thậm chí còn có một con búp bê Barbie hình dáng giống Nữ hoàng. Bước sang tuổi 96, vị vua tại vị lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh đã kỷ niệm cột mốc 7 thập kỷ lên ngôi.
Triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II đã chứng kiến sự nở rộ của nhiếp ảnh màu, thương mại hóa truyền hình và sự phổ biến của Internet trên các màn hình lớn nhỏ. Trong khoảng thời gian đó, hình ảnh của bà đã được lưu truyền rộng rãi trên toàn thế giới, khiến Nữ hoàng trở thành một trong những gương mặt dễ nhận biết nhất trong lịch sử.
Hình ảnh trong lòng bàn tay
Bất kỳ ai trả tiền cho bất cứ thứ gì ở Vương quốc Anh bằng tiền xu đều đã từng nhìn thấy một trong năm bức chân dung của Nữ hoàng Elizabeth II.
Cho đến những năm 1970, đã có một loạt các vị vua sử dụng tiền đúc ở Vương quốc Anh. Nhưng kể từ năm 1971 trở đi, mỗi đồng xu được sản xuất đều có khắc hình Nữ hoàng.
Royal Mint, nơi sản xuất tất cả các loại tiền đúc của Vương quốc Anh, ước tính có khoảng 27 tỷ đồng xu hiện đang được lưu hành. Mỗi công dân Anh quốc sẽ có ít nhất 400 xu, hoặc ít nhất 3 xu cho mỗi người trên toàn cầu.
Chris Barker, một nhà sử học tại Royal Mint cho biết: “Nữ hoàng xuất hiện trên nhiều đồng tiền hơn bất kỳ vị vua nào khác trong lịch sử nhân loại. Và đó chưa phải là tất cả”.
Ngân hàng Trung ương Anh ước tính hơn 30 tỷ tiền giấy - hoặc hóa đơn – hiện có in hình Nữ hoàng đã được sản xuất trong thời gian bà trị vì. Trên toàn khối thịnh vượng chung, Nữ hoàng Anh là nguyên thủ quốc gia của 15 quốc gia. Ví dụ, hình ảnh của bà sẽ xuất hiện trên tem ở Australia, Belize và Canada.
Theo Barker, cập nhật chân dung của Nữ hoàng trên đồng tiền đúc của Vương quốc Anh là một quá trình hàng năm, thường để “phản ánh chân thực hình ảnh và sự thay đổi của vị vua theo thời gian”.
Nữ hoàng Elizabeth II đã lưu lại chân dung khoảng 16 năm một lần trong suốt 70 năm trị vì của bà. Từ những bức chân dung đầu tiên ở những năm tháng tuổi trẻ, cho đến những ngày tháng trị vì sau này. Jody Clark là người đã thực hiện bức chân dung gần đây nhất vào năm 2015, khi Nữ hoàng 89 tuổi.
Barker khẳng định: “Chân dung Nữ hoàng trên đồng tiền đúc rất mạnh mẽ, thể hiện rõ nét một điều gì đó về xã hội và đất nước nơi tác phẩm được sinh ra”.
Hình dung vị vua thế kỷ 20
Nữ hoàng Anh, cũng giống như bất kỳ thương hiệu lớn nào, luôn nỗ lực hết mình để xây dựng hình ảnh trước công chúng. Đối với mỗi bức chân dung trong số hơn 200 bức chân dung chính thức của bà, các nghệ sĩ luôn được lựa chọn rất cẩn thận và phong cách của họ đã được cung điện Buckingham chấp thuận.
Bối cảnh, mọi đồ vật xung quanh, trang phục và thậm chí cả tư thế của Nữ hoàng đều góp phần tạo nên ấn tượng trước công chúng về người bên dưới Vương miện.
Những bức chân dung đầu tiên của Nữ hoàng, được chụp chỉ 20 ngày sau khi bà lên ngôi, là của nhiếp ảnh gia xã hội người Anh Dorothy Wilding. Dorothy đã từng là nhiếp ảnh gia chính thức của hoàng gia cho lễ đăng quang năm 1937 của cha Nữ hoàng Elizabeth, cũng như nhiều sự kiện hoàng gia khác. Cô được biết đến với những bức chân dung giản dị, hiện đại trên nền trắng.
Những hình ảnh ấn tượng về Nữ hoàng, khi đó mới 25 tuổi, là những hình ảnh đầu tiên ăn sâu vào văn hóa thị giác của thế giới - đến mức chúng được sử dụng trên tem bưu chính cho đến năm 1971.
Một năm sau, năm 1953, nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng người Anh Cecil Beaton đã được mời chụp ảnh đăng quang chính thức của Nữ hoàng. Kết quả là một bức chân dung chìm trong vẻ tráng lệ của vương giả sử thi đã ra đời.
Beaton là nhiếp ảnh gia chính thức của hoàng gia Anh từ năm 1937. Vì vậy, trong suốt ba thập kỷ, ông đã ghi lại vô số sự kiện trong cuộc sống hoàng gia, bao gồm cả sự ra đời của hai người con đầu tiên của Nữ hoàng Elizabeth II, Thái tử Charles và Công chúa Anne.
Từ nàng công chúa xinh đẹp trở thành Nữ hoàng, câu chuyện này đã mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho một Vương quốc Anh tan nát sau chiến tranh.
Năm 1969, Pietro Annigoni, người nghệ sĩ sở hữu phong cách phục hưng Italy bậc thầy giống như huyền thoại Leonardo da Vinci, đã được giao nhiệm vụ họa lại chân dung Nữ hoàng lần thứ hai. Trong khi bức chân dung đầu tiên được vẽ vào 15 năm trước đã miêu tả hình ảnh Nữ hoàng với dáng đứng mạnh mẽ nhìn về tương lai, thì bức thứ hai lại cho thấy hình ảnh bà với một biểu cảm trống rỗng và cô lập.
“Cuối những năm 60 và 70 đặc biệt khó khăn đối với gia đình hoàng gia Anh. Xã hội đang thay đổi nhanh chóng, theo con đường hiện đại hóa. Các hệ thống giá trị mới đã bùng nổ. Vì vậy, vị trí của bà với tư cách là người đứng đầu xã hội này đã không còn vững”, Rosie Broadley, người phụ trách cấp cao của các bức chân dung thế kỷ 20 tại National Portrait ở London, nhấn mạnh.
Nước Anh đang trải qua một cuộc cách mạng văn hóa và từ chối hiện tại. Năm 1969, biểu tượng nhạc rock-and-roll John Lennon của nhóm nhạc huyền thoại The Beatles, đã trả lại một huy chương danh dự từ Nữ hoàng như một hành động phản đối. Từ âm nhạc và thời trang, cho đến việc kết thúc nghĩa vụ quân sự bắt buộc của nhà nước và thậm chí là sự phổ biến rộng rãi của thuốc tránh thai, xã hội Anh đã thay đổi.
Trong một nỗ lực để cởi mở và kết nối với công chúng, Nữ hoàng vào năm 1969 đã cho phép các máy quay vào nhà của mình để quay một loạt phim tài liệu có tên “Royal Family”. “Họ không chắc đó có phải là một ý tưởng hay không vì điều này sẽ làm mất đi vẻ huyền bí và hào quang của hoàng gia”, Broadley nói.
Lần đầu tiên, mọi người được nhìn thấy Nữ hoàng trong cuộc sống bình thường. Bà được quay phim trong khi đang làm các hoạt động hàng ngày như làm việc tại văn phòng tại nhà, lái xe đến cửa hàng địa phương và ăn trưa với gia đình.
Người viết tiểu sử hoàng gia Robert Hardman khẳng định: “Mọi người hoàn toàn bị thu hút bởi điều này”. Bộ phim tài liệu đã được bán cho các đài truyền hình trên khắp thế giới và có lượng khán giả toàn cầu ước tính là 350 triệu người, theo BBC.
Sự nổi tiếng của bộ phim tài liệu đã vẽ lên một hình ảnh mới về Nữ hoàng trong nền văn hóa hiện đại - không cần đội vương miện và mặc áo choàng.
Nhưng đến những năm 1990, đây chính là thập kỷ khó khăn nhất đối với Nữ hoàng Anh khi ba trong số bốn người con của bà ly hôn, lâu đài Windsor bốc cháy với hơn 100 căn phòng bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Và Nữ hoàng đã phải hứng chịu vô số lời chỉ trích của công chúng vì phản ứng của bà trước cái chết thương tâm của Công nương Diana trong một vụ tai nạn ô tô ở Paris.
Mũ và vương miện
Trang phục của Nữ hoàng được thiết kế riêng và thường được lên kế hoạch trước hàng tháng - nếu không phải là hàng năm - nhưng tính thực tế là trên hết. Chắc chắn, những món đồ trang sức và Vương miện đã giúp xây dựng hình ảnh vương giả cho Nữ hoàng.
Những sắc màu rực rỡ sẽ giúp Nữ hoàng Elizabeth II có thể được nhìn thấy từ xa, cho dù bất kỳ ai cố gắng nhìn thoáng qua. Chiếc mũ giữ cho mái tóc của bà trông gọn gàng bất chấp gió và tránh ánh nắng mặt trời. Giày cao gót đế thấp được lựa chọn để tạo sự thoải mái, và găng tay cũng vậy.
Khi London đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa hè 2012, Nữ hoàng đã đồng ý xuất hiện cùng với nam tài tử James Bond trong một khoảnh khắc quay trộm cảnh trong lễ khai mạc, nơi bà xuất hiện để nhảy ra khỏi trực thăng và nhảy dù xuống sân vận động.
Trên cả một biểu tượng
Trong những năm tháng tuổi xế chiều của mình, Nữ hoàng đã sẵn sàng để những bức chân dung độc đáo tiết lộ nhiều hơn về con người của bà.
Lucian Freud là một trong những họa sĩ vẽ tượng hình lâu đời nhất ở Anh. Khi Freud vẽ Nữ hoàng, bức tranh được vẽ trong một xưởng bảo tồn tranh tại Cung điện Thánh James, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2000 đến tháng 12/2001.
Trên một bức tranh vẽ nhỏ xíu, Freud đã lấp đầy toàn bộ không gian bằng những nét cọ dày và chằng chịt. Bức chân dung đã làm chia rẽ ý kiến giữa các nhà phê bình nghệ thuật, với một số người mô tả đây là một tác phẩm “trung thực, khắc kỷ”, trong khi những người khác cho rằng: “Freud nên bị nhốt trong Tháp vì điều này”.
Triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II diễn ra đồng thời với sự gia tăng của các phương tiện thông tin đại chúng và việc di chuyển dễ dàng, đã giúp bà có thể đến thăm hơn 100 quốc gia. Bà đã gặp 12 đời Tổng thống Mỹ.
Broadley nói: "Do thời gian trị vì của Nữ hoàng rất dài, điều này đã cho phép Nữ hoàng trở thành biểu tượng thay thế cho sự thành công hay thất bại trong triều đại của bà”.
Nhưng điều gì khiến Nữ hoàng trở thành một trong những người dễ nhận biết nhất trên thế giới? Tất cả mọi thứ về Nữ hoàng.