Cho dù người dân Mỹ đang bất bình vì giá cả các loại hàng hóa leo thang, thì việc mới đây bà Ketanji Brown Jackson được Thượng viện phê chuẩn trở thành nữ thẩm phán da màu đầu tiên trong lịch sử của Tòa án Tối cao Mỹ, cũng được bàn luận sôi nổi. Đây là vị trí cực quan trọng đối với tư pháp Mỹ, cũng là vị trí quyền lực được bổ nhiệm suốt đời, trừ những trường hợp rất đặc biệt mới dẫn tới chuyện “nửa đường đứt gánh”.
Bà Brown Jackson, 51 tuổi, đã được Thượng viện Hoa Kỳ chấp thuận vị trí Thẩm phán Tòa tối cao với tỷ lệ là 53 phiếu thuận và 47 phiếu chống. Như vậy, bà Jackson sẽ thế chỗ của thẩm phán Stephen Breyer, 83 tuổi, sau khi ông này sẽ nghỉ hưu vào cuối tháng 6 hoặc tháng 7 tới. Vào thời điểm đó, nữ thẩm phán da màu đầu tiên của Tòa án Tối cao Mỹ do Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức.
Nhân vật “lạ” trong lịch sử 233 năm Tòa tối cao Mỹ
Truyền thông Mỹ cho rằng đây là chiến thắng lớn của ông Biden, giúp ông thực hiện cam kết khi tranh cử là đề cử một nữ thẩm phán da màu vào Tòa án Tối cao. “Đây là khoảnh khắc lịch sử đối với đất nước chúng ta. Chúng ta đã tiến thêm bước nữa để khiến Tòa án tối cao có thể phản ánh sự đa dạng của nước Mỹ. Bà ấy sẽ là một thẩm phán tuyệt vời và tôi thật vinh hạnh khi được chia sẻ thời khắc này cùng bà ấy”- ông Biden đăng trên Twitter.
Giới quan sát bình luận, việc ông Biden đưa được bà Jackson vào ghế Thẩm phán Tòa tối cao sẽ là chỗ dựa vững chắc cho ông không chỉ trong nhiệm kỳ Tổng thống đương nhiệm, và rất có thể cả nhiệm kỳ tới nếu ông tranh cử và thắng cử. Điều đó hết sức có ý nghĩa khi bất cứ lúc nào cũng có thể nổ ra những cáo buộc pháp lý dành cho Tổng thống của những người cạnh tranh với ông. Khi đó, phán quyết của Tòa tối cao sẽ mang tính quyết định phải trái, thắng thua.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức, bà Jackson sẽ là nữ Thẩm phán thứ sáu của Tòa án Tối cao Mỹ và cũng đánh dấu lần đầu tiên cơ quan này có 4 nữ Thẩm phán cùng lúc (trong tổng số 9 Thẩm phán). Các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ phục vụ nhiệm kỳ trọn đời, trừ phi họ bị quốc hội luận tội và bãi nhiệm, hoặc tự nguyện nghỉ hưu.
Điểm đáng thán phục, như một bình luận của CNN, là Ketanji Brown Jackson đã vượt qua rào cản chủng tộc và giới tính để được phê chuẩn làm nữ thẩm phán da màu đầu tiên của Tòa án Tối cao Mỹ. Điều mà rất ít người có thể ngờ tới vì vị trí này đòi hỏi rất nhiều phẩm chất, nhất là trong bối cảnh phức tạp của chính trường nước Mỹ. Quá trình phê chuẩn kéo dài 6 tháng (kể từ khi ông Biden đề cử) là quá trình đầy sóng gió đối với nữ Thẩm phán này.
Bà Jackson, xuất thân trong một gia đình có cha và mẹ đều là giáo viên. Bà cũng không phải là thẩm phán với những “chiến công hiển hách” có được nhờ những phán quyết luật pháp trước đó, nhưng bà được biết đến với tư cách một nhà bảo vệ pháp luật nghiêm túc, có nguyên tắc và không bao giờ bỏ cuộc.
Trước khi bà Jackson được phê chuẩn, trong lịch sử 233 năm của mình Tòa tối cao Mỹ mới có 2 thẩm phán gốc Phi và cả hai đều là nam giới. Giới quan sát chính trị Mỹ cho rằng, khi chính thức thay thế thẩm phán Stephen G.Breyer lúc nhiệm kỳ của ông kết thúc vào cuối tháng 6, bà Jackson sẽ thành người mở chương mới cho cơ quan tư pháp cao nhất của nước Mỹ.
Tranh cãi về việc ai sẽ là Thẩm phán Tòa tối cao Mỹ thực sự bùng lên dữ dội vào hồi tháng 2 năm nay khi Tổng thống Joe Biden một lần nữa giới thiệu bà là một ứng viên xuất sắc sẽ “góp sức viết nên chương tiếp theo trong lịch sử hành trình của nước Mỹ”. Đầu tháng 3, trong hai ngày điều trần thì các thành viên đảng Cộng hòa tìm cách phản đối đề cử của Tổng thống Biden (đảng Dân chủ) bằng cách khắc họa bà Jackson như một thẩm phán quá mềm yếu trước khủng bố và tội phạm.
Tuy nhiên, trong phiên bỏ phiếu do Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chủ trì, 3 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ủng hộ đề cử này, giúp bà Jackson đạt được số phiếu quá bán cần thiết tại Thượng viện để được phê chuẩn làm Thẩm phán Tòa tối cao.
Hành trình tới vị trí cao nhất của Tòa tối cao
Bà Jackson sinh năm 1970 ở Thủ đô Washington, lớn lên ở Miami, Florida. Cha bà là giáo viên, sau đó trở thành luật sư của hội đồng quản trị trường học, còn mẹ bà giữ chức hiệu trưởng.
“Chúng tôi sống trong khuôn viên Đại học Miami. Tôi luôn thấy bố tôi ngồi đó với rất nhiều cuốn sách luật thật to và dày cộp. Tôi mang theo những cuốn sách tô màu, đến ngồi cạnh và xem ông đọc, giả vờ như tôi cũng đang làm việc”- bà nói trong một video được chia sẻ trên Twitter.
Khi học trung học, cô nữ sinh Jackson đã rất thích thú với các cuộc thi diễn thuyết và tranh luận. “Năm này qua năm khác, Jackson đều được các bạn bầu làm lớp trưởng”- một bạn học cũ của bà cho biết. Trong khi đó, một cố vấn hướng nghiệp tại trường trung học của Jackson đã khuyên bà đừng đặt “tham vọng quá cao” khi bà nói muốn theo đuổi ước mơ vào Đại học Harvard. Nhưng bà vẫn quyết tâm tới cùng và tốt nghiệp xuất sắc Trường Luật Đại học Harvard năm 1996, nơi bà cũng đảm nhận vai trò biên tập viên chính của Tạp chí Luật Harvard.
Tốt nghiệp đại học, Jackson trở thành thư ký cho Thẩm phán Stephen Breyer- người mà bà sẽ thay thế vị trí tại Tòa tối cao sau khi ông về hưu. “Là một thư ký, bạn có nhiệm vụ giúp Thẩm phán hoặc tòa án soạn thảo ý kiến của họ và đảm bảo chúng được nêu cẩn thận trong các điều luật. Đó là một cơ hội lớn giúp tôi có thể xem cách hệ thống tư pháp hoạt động ở cấp cao nhất”- bà Jackson nói. Bà cũng được tôi luyện tại các văn phòng luật tư nhân và bộ phận kháng cáo của Văn phòng Luật sư công Liên bang thuộc Đặc khu Columbia. Trong một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi năm ngoái, bà Jackson nói rằng quãng thời gian làm luật sư bào chữa công là cơ hội để bà “giúp đỡ những người gặp khó khăn và thúc đẩy các giá trị hiến pháp cốt lõi”.
Đáng chú ý, bà cũng từng là trợ lý cố vấn đặc biệt, sau đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách tuyên án Mỹ - cơ quan thúc đẩy tính minh bạch của các bản án tại tòa. Trong thời gian này, “Thẩm phán Jackson đã đề xuất sửa đổi nhiều chính sách kết án của tòa án liên bang và thể hiện mối quan tâm nhất quán về cách đối xử công bằng với những cá nhân bị tuyên phạm tội”- nhận xét của Quỹ Giáo dục và Biện hộ pháp lý thuộc Hiệp hội Quốc gia vì tiến bộ của người da màu (NAACP) cho biết trong một báo cáo về bà.
Được biết, bà Jackson đã soạn thảo gần 600 ý kiến trong những năm làm Thẩm phán tại Tòa án Quận Columbia và Tòa phúc thẩm Washington. Những ý kiến của bà chỉ bị bác bỏ hoặc đảo ngược 14 lần.
Ngay sau khi được Thượng viện thông qua, bà Jackson nói: “Tôi đã dành cả cuộc đời để ngưỡng mộ các Luật sư và Thẩm phán thuộc mọi gốc gác khác nhau, nhưng đặc biệt là những người Mỹ gốc Phi như tôi, những người đã làm việc rất chăm chỉ để đạt được vị trí của họ”.
Việc bà Jackson trở thành Thẩm phán Tòa tối cao nước Mỹ đã khép lại những tranh cãi. Người ta biết rằng Tòa tối cao có thể định hình các yếu tố chính trong cuộc sống người dân Mỹ thời gian tới, đặc biệt là với các phán quyết về quyền phá thai, quyền sử dụng súng và tự do tôn giáo. Đây cũng chính là những thử thách trước mắt với bà Jackson. Cùng đó, bà còn phải đối mặt với những lời kêu gọi thay đổi về cấu trúc và cách thức hoạt động, khi nhiều ý kiến muốn tăng ghế Thẩm phán, đồng thời giới hạn nhiệm kỳ với họ (không được làm việc trọn đời, trừ phi họ bị Quốc hội luận tội và bãi nhiệm, hoặc tự nguyện nghỉ hưu).
Đến đây, một câu hỏi đặt ra: Dù “đặc quyền” nhưng tại sao Thẩm phán Tòa tối cao Mỹ Stephen Breyer lại xin về hưu? Ông Breyer, 83 tuổi hiện là thẩm phán cao tuổi nhất của Tòa tối cao Mỹ, được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm từ năm 1994.
“Thẩm phán Breyer lựa chọn nghỉ hưu vào thời điểm cánh cửa cơ hội cho Tổng thống Biden và Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát đang dần khép lại”- Dahlia Lithwick, bình luận viên của NewsWeek, nhận định và thêm rằng việc ông Breyer về hưu “là nhằm giúp Tổng thống có nhiều thời gian hơn để lựa chọn ứng viên thay thế. Nếu để quá trình đề cử kéo dài sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ, khi đảng Cộng hòa đang tràn trề hy vọng giành lại thế đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Biden có thể gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện mục tiêu này. Trong khi đó, Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát hiện nay có thể dễ dàng phê chuẩn ứng viên của Biden nhờ lá phiếu quyết định của Phó Tổng thống Kamala Harris- người giữ chức Chủ tịch Thượng viện”.
Còn ông Breyer, nói gì với quyết định nghỉ hưu của mình? Trước những đồn đoán, ông Breyer chỉ nói một cách đơn giản: “Tôi không có ý định qua đời ở Tòa án”.
Không như những vị trí cấp cao khác trong chính quyền, Thẩm phán tối cao Mỹ được Hiến pháp trao cho nhiệm kỳ trọn đời. Theo điều III Hiến pháp, Thẩm phán thuộc hệ thống tòa liên bang, gồm cả tòa tối cao và tòa cấp dưới, “sẽ giữ chức chừng nào có ứng xử tốt”. Trên thực tế, cho tới nay chỉ 15 Thẩm phán liên bang ở các cấp tòa dưới bị Quốc hội luận tội, trong đó chỉ 8 người bị bãi nhiệm. Thẩm phán tối cao liên bang duy nhất mà Hạ viện từng cố luận tội là Samuel Chase, vào năm 1804. Nhưng trước Thượng viện, Chase được tuyên vô tội và tiếp tục nhiệm kỳ.
Theo Alexander Hamilton - một trong những nhà lập quốc Mỹ, việc không có hạn chế nhiệm kỳ “cách thức tốt nhất” để đảm bảo hệ thống tư pháp được vững vàng và công tâm khi luôn có nguy cơ bị lấn át hoặc tác động. Nhiệm kỳ trọn đời sẽ giúp Thẩm phán tập trung vào các vấn đề của Hiến pháp “mà không phải hạ mình trước ý muốn của Tổng thống, Quốc hội, hoặc công chúng”.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ trọn đời cho Thẩm phán Tòa tối cao của nước Mỹ không phải quy chuẩn ở các nước khác. Nhiều quốc gia trên thế giới đặt ra tuổi nghỉ hưu bắt buộc hoặc giới hạn nhiệm kỳ đối với thẩm phán tối cao. Ví dụ, Thẩm phán tòa tối cao Anh phải nghỉ hưu bắt buộc ở tuổi 70, hoặc ở tuổi 75 nếu được bổ nhiệm trước năm 1995. Tương tự, tuổi nghỉ hưu của thẩm phán tối cao tại Australia và Canada là 75 tuổi, trong khi thẩm phán tối cao tại Ấn Độ phải nghỉ hưu ở tuổi 65.