Thủ tướng Jacinda Ardern vừa trở thành Thủ tướng được tín nhiệm nhất của New Zealand trong một thế kỷ qua. Điều gì đã làm nên một nữ Thủ tướng mà người dân New Zealand đã ca ngợi là “trẻ trung, cứng rắn nhưng đầy yêu thương”?
Nữ Thủ tướng Ardern ôm những người Hồi giáo trong vụ thảm sát năm 2019.
Tự giảm lương chống đại dịch
Giữa tháng 4, Thủ tướng Ardern thừa nhận đại dịch Covid-19 đang gây thiệt hại cho nhiều người dân New Zealand và đây là lúc để hành động. Nói là làm, bà đã thuyết phục được khi cùng các quan chức chính phủ sẽ giảm 20% lương trong 6 tháng nhằm chia sẻ khó khăn với đất nước.
Tuy nhiên, việc giảm lương được bà Ardern đặc cách khi không áp dụng đối với toàn bộ lĩnh vực công, đặc biệt là các nhân viên y tế, cảnh sát đang làm việc ở tuyến đầu để đối phó với dịch Covid-19. Theo AFP, mức lương hằng năm của bà Ardern là 470.000 NZD (tương đương hơn 6,6 tỷ đồng).
Về mặt hành động, chính phủ của bà Ardern quyết định áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 25/3, đủ sớm để làm gián đoạn sự lây lan của dịch. New Zealand cũng đóng cửa biên giới và từ chối nhập cảnh đối với người không mang quốc tịch nước này hay thường trú nhân. Số ca mắc đã nhanh chóng giảm kể từ ngày 4/4 và tới ngày 28/4 vừa qua New Zealand đã trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố “chiến thắng” dịch Covid-19.
Chính vì vậy, trong cuộc thăm dò dư luận của Newshub-Reid - cuộc thăm dò cộng đồng đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại New Zealand - đảng Lao động của Thủ tướng Ardern đã tăng thêm 14 điểm, đạt tỷ lệ ủng hộ lên tới 56,5%, cao nhất so các đảng khác.
Về mặt cá nhân, Thủ tướng Ardern cũng có mức độ tín nhiệm lên tới 59,5%, tăng 20,8 điểm trong cuộc thăm dò trước và đây là con số cao nhất đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào trong lịch sử các cuộc thăm dò dư luận của Newshub-Reid. Thủ tướng Jacinda Ardern trở thành Thủ tướng được tín nhiệm nhất của New Zealand trong một thế kỷ qua.
Biểu tượng của thế hệ Millennial
Là người đứng đầu đảng Lao động New Zealand, bà Ardern chính thức trở thành Thủ tướng thứ 40 của quốc gia này vào tháng 10/2017, sau khi đảng đối lập đồng ý lập liên minh và đưa bà lên vị trí cầm quyền cao nhất. Bà Ardern trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử New Zealand và cũng là nguyên thủ quốc gia trẻ nhất thế giới, nhậm chức khi mới chỉ 37 tuổi.
Tháng 3/2019, tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai đã phản chiếu hình ảnh của nữ Thủ tướng đang ôm một phụ nữ Hồi giáo tại thủ đô Wellington. Hình ảnh này được phát đi sau khi diễn ra vụ thảm sát khiến 50 người đã thiệt mạng ở hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, phía Nam New Zealand.
Ngay sau vụ xả súng, bà Ardern dẫn đầu một nhóm các chính trị gia thuộc nhiều đảng phái đến nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch để động viên gia đình các nạn nhân. Thủ tướng New Zealand đã trùm khăn choàng đầu theo phong tục đạo Hồi. Bà ôm chặt an ủi gia đình các nạn nhân với đôi mắt nhắm nghiền, khuôn mặt trầm tư đầy đau xót trong buổi họp của cộng đồng người Hồi giáo ở Christchurch.
Đó là “trái tim nóng” đối với các gia đình nạn nhân, về mặt chính sách, “cái đầu lạnh” của bà Ardern đã rất mạnh mẽ khi chỉ 24 giờ sau vụ xả súng, bà cam kết sẽ thay đổi luật vũ khí ở New Zealand. Và bà đã làm được điều này chỉ 72 giờ sau vụ thảm sát mà theo bà là đã “mãi mãi thay đổi lịch sử đất nước”.
“Một người lãnh đạo với trái tim nhân ái và biết cách thể hiện tình cảm với người dân thay vì những hình ảnh cứng rắn, gai góc, là một thứ người ta không còn thấy nhiều ở các nguyên thủ quốc gia”- theo bình luận của tờ New York Times. Ban biên tập của tờ New York Times cũng dành cho bà một sự đánh giá kinh ngạc với bài viết với tựa đề: “Nước Mỹ xứng đáng có một lãnh đạo tốt như Jacinda Ardern.”
Trong khi đó, ở phần trích yếu tiểu sử của bà, nhà báo Belinda Luscombe của tạp chí Time đã mô tả bà Ardern là “một phụ nữ thế hệ Millennial” (những người sinh từ những năm 1980 cho tới đầu năm 2000). Đồng thời, bài báo ca ngợi bà Ardern đã mang tới cho người dân New Zealand một cảm nhận mới về “quyền lực mềm” và gọi bà là một “bông hồng huyền thoại”.
Tại New Zealand cũng đang xuất hiện một xu hướng mới là “Jacinda-mania” - một xu hướng được cho là ghép giữa tên riêng của bà (Jacinda) và “mania” (nghĩa là “cơn cuồng”) dùng để miêu tả sự mến mộ bà của người dân nước này.