Những hình ảnh về sao Diêm Vương được tàu vũ trụ New Horizons của NASA ghi lại đã tiết lộ một điều bất ngờ mới: Đó là sự tồn tại của một cánh đồng núi lửa băng.
Tàu vũ trụ này đã bay quanh sao Diêm Vương và các vệ tinh của nó vào tháng 7/2015. Sao Diêm Vương có nhiệt độ trung bình là âm 232 độ C với địa hình gồm những ngọn núi, thung lũng, sông băng, đồng bằng và những miệng hố. Nếu đứng ở trên bề mặt sao Diêm Vương, chúng ta sẽ thấy trời xanh và tuyết đỏ.
Bà Kelsi Singer, một tác giả của nghiên cứu và là nhà khoa học hành tinh tại Viện Nghiên cứu Tây Nam thuộc bang Colorado của Mỹ, cho biết thay vì phun dung nham lên không trung, núi lửa băng trào ra hỗn hợp sệt gồm băng và nước, hoặc thậm chí có thể là một dòng chất rắn như sông băng.
Theo bà Singer, những núi lửa băng đã được phát hiện tồn tại trên một số Mặt trăng giá lạnh trong Hệ Mặt Trời, tuy nhiên núi lửa băng trên sao Diêm Vương có vẻ ngoài khác tất cả những núi lửa băng khác được nhìn thấy từ trước đến nay.
Điểm đặc biệt trên sao Diêm Vương là một dải duy nhất rộng lớn gồm những núi lửa băng rất lớn và chúng có kết cấu độc đáo với địa hình mấp mô.
Bà Singer cho biết khó xác định chính xác những núi lửa băng này được hình thành thời điểm nào, tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng có thể vài trăm triệu năm hoặc ít hơn. Không giống như phần lớn sao Diêm Vương, khu vực này không có những hố va chạm, nghĩa là không loại trừ khả năng nó vẫn trong quá trình hình thành, thậm chí ngày nay.
Khu vực trên nằm ở phía Tây Nam của khối băng Sputnik Planitia, bao phủ một vùng lòng chảo trải dài trên 1.000 km. Hai ngọn núi lửa lớn nhất ở đây là Wright Mons và Piccard Mons. Wright Mons cao từ 4.000 - 5.000m và trải dài trên 150km trong khi Piccard Mons cao 7.000m và trải dài trên 225 km.
Wright Mons được cho là tương đương với núi lửa Mauna Loa ở Hawaii, một trong những núi lửa lớn nhất Trái Đất. Một số ngọn núi được quan sát trong các bức ảnh đã sáp nhập vào nhau để hình thành những ngọn núi lớn hơn. Nhưng câu hỏi đặt ra là điều gì đã tạo ra những núi lửa băng này.
Các núi lửa băng có thể được quan sát ở những nơi khác trong Hệ Mặt trời. Chúng di chuyển vật chất từ dưới bề mặt hành tinh lên trên bề mặt hành tinh để kiến tạo những địa hình mới. Trong trường hợp này, nước đã nhanh chóng trở thành băng khi nó gặp nhiệt độ lạnh giá trên bề mặt sao Diêm Vương.
Trong khi sao Diêm Vương là một hành tinh đá thì các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng hành tinh này thiếu nhiệt ở bên trong, vốn là điều cần thiết để kích hoạt các núi lửa. Đội ngũ nghiên cứu của nhà khoa học Singer cũng phát hiện ra rằng khu vực này không có bất kỳ miệng hố nào trong khi chúng vốn được thấy ở khắp bề mặt sao Diêm Vương. Điều này có lẽ cho thấy các núi lửa băng hoạt động tương đối gần đây và bên trong sao Diêm Vương nóng hơn so với dự đoán.
Khi New Horizons bay qua khu vực này, đội ngũ nghiên cứu không chứng kiến bất kỳ hoạt động nào của núi lửa băng trong hiện tại nhưng tàu vũ trụ này mới chỉ bay qua khu vực trên trong 1 ngày và có thể các núi lửa băng vẫn hoạt động.
"Chúng có thể giống như những núi lửa trên Trái Đất khi nằm im lìm một thời gian và sau đó hoạt động trở lại", nhà khoa học này cho hay.
Sao Diêm Vương từng có một đại dương dưới bề mặt và việc phát hiện ra các núi lửa băng có thể cho thấy đại dương ngầm này vẫn còn và nước ở thể lỏng gần với bề mặt hành tinh. Với phát hiện về việc sao Diêm Vương có lớp bên trong ấm hơn so với dự đoán, nghiên cứu trên đặt ra câu hỏi về khả năng sự sống trên hành tinh lùn này.
Việc tạo ra địa hình hiện tại sẽ đòi hỏi một số địa điểm phun trào và một khối lượng lớn vật chất để tạo ra một hệ thống núi lửa băng vĩ đại. Hoạt động của núi lửa băng trong khu vực này phải tương đối gần đây và chỉ ra rằng cấu trúc bên trong của Sao Diêm Vương có nhiệt dư hoặc nhiệt nhiều hơn dự đoán trước đây để thúc đẩy hoạt động núi lửa.
Phân tích này có lẽ sẽ là tin vui của NASA, bởi hoạt động địa chất là một trong những yếu tố quan trọng để một hành tinh có thể có sự sống. Trong hệ Mặt Trời, chỉ có Trái Đất và mặt trăng Io của Sao Mộc được xác nhận có hoạt động địa chất.
Trong khi đó, NASA là một trong những cơ quan luôn đấu tranh để khôi phục trạng thái "hành tinh thứ chín" cho Sao Diêm Vương, cho rằng nó có thể sở hữu đại dương ngầm dưới tảng băng hình tim danh tiếng, thậm chí là một dạng sống đặc biệt. Hành tinh lùn này từng được coi là hành tinh thứ chín cho đến khi Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) cho rằng nó không đáp ứng đủ điều kiện vào năm 2006.