Trước thắc mắc của dư luận xã hội về việc một số cán bộ, công chức tỉnh Đắk Lắk đi xe hơi tiền tỷ vẫn được mua nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, chủ đầu tư dự án (Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đắk Lắk) khẳng định đó là... bình thường. Theo lý giải của chủ đầu tư dự án, luật không có quy định cấm người có ô tô tiền tỷ mua nhà ở xã hội.
Cách giải thích chầy cối của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đắk Lắk khiến nhiều người chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm. Trong khi nhiều hộ gia đình thu nhập thấp, thậm chí là nghèo không có cơ hội mua nhà, thì những người nghễu nghện trên những chiếc xe ô tô “trị giá liên thành” lại được ưu tiên mua nhà. Thật đúng là nước chảy chỗ trũng.
Tất nhiên, luật không có bất cứ một câu, một chữ nào cấm người có ô tô trị giá hàng tỷ đồng mua nhà ở xã hội. Song, khi một người có đến hàng tỷ đồng để mua ô tô thì không thể là người thu nhập thấp, không phải là người nghèo. Nếu thực sự nghèo, tại sao họ không bỏ hàng tỷ đồng đó ra mua nhà thay vì “đua” với người giàu để mua xe ô tô?
Nói thế sẽ có người không phục cho rằng, biết đâu chiếc ô tô đó là của người khác cho, tặng, chứ không phải họ bỏ tiền ra mua. Cứ cho là như vậy, nhưng khi đã là sở hữu ô tô tiền tỷ, họ hoàn toàn có thể bán đi để mua nhà ở chứ không phải là tranh suất của những người thu nhập thấp khác. Vẫn có ô tô tiền tỷ để đi, vẫn còn rủng rỉnh tiền để mua nhà ở xã hội thì thu nhập của họ không hề thấp, nếu không muốn nói là thu nhập rất cao.
Để chứng minh những người đi ô tô tiền tỷ có thu nhập thấp hay không cực kỳ đơn giản, chỉ có điều các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk không muốn làm mà thôi. Ngay cả câu chuyện chiếc ô tô trị giá hàng tỷ đồng đó là của họ mua hay được người khác cho, tặng cũng dễ dàng xác minh, không phải chuyện quá khó.
Vì thế, dư luận xã hội nghi ngờ có sự nể nang, nhấm nháy tiêu cực trong việc một số cán bộ, công chức có ô tô tiền tỷ vẫn được “xếp hàng” mua nhà ở xã hội. Chính cái sự “đúng quy trình” như lời giải thích của chủ đầu tư dự án, khiến không ít người thu nhập thấp, người nghèo mất cơ hội mua và sở hữu căn nhà giá rẻ theo chủ trương của Nhà nước.
Cách lý giải “củ chuối” theo kiểu có ô tô tiền tỷ không bị cấm mua nhà ở xã hội không chỉ là sự vô cảm, mà còn có dấu hiệu cố tình giải thích sai quy định của luật. Cũng giống như “quan xã” ở một số địa phương đã cố tình “hô biến” nhiều hộ gia đình đầy đủ tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa nhiệt độ... trở thành hộ nghèo để hưởng chính sách.
Nếu lý giải theo kiểu ô tô tiền tỷ không bị cấm mua nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, thì các quan xã cũng hoàn toàn có thể giải thích: Luật không hề cấm người có tivi, tủ lạnh được nhận trợ cấp cho hộ nghèo. Song, điều đó là không được phép, vì thế nhiều quan xã đã bị cách chức, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự bởi hành vi trên.
Ở đây, câu chuyện là người có ô tô tiền tỷ thì không phải là thu nhập thấp nên không được mua nhà ở xã hội. Tương tự như vậy, những hộ gia đình có nhà cửa khang trang, đầy đủ các vật dụng xa xỉ trong nhà như tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa nhiệt độ, xe máy đắt tiền... thì không thể gọi là hộ nghèo và không được nhận trợ cấp hộ nghèo.
Có lẽ nghe cách giải thích của lãnh đạo Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đắk Lắk rất không ổn nên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đã phải lên tiếng trấn an dư luận: Mục tiêu bán nhà ở xã hội là cho cán bộ, công chức chưa có nhà, thu nhập thấp. Vậy mà có người sở hữu xe hơi tiền tỷ được mua thì cũng rất phản cảm.
Vâng, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Đắk Lắk nói rất đúng. Song, ở đây không chỉ đơn giản là sự phản cảm, mà còn có dấu hiệu bất minh, không trong sáng của những người bán nhà (Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đắk Lắk) và những người mua nhà trong khi đi xe ô tô trị giá hàng tỷ đồng. Người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ như vậy.
Nhà ở xã hội là một chủ trương hết sức nhân văn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đến đông đảo tầng lớp cán bộ, công chức có thu nhập thấp, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến trí lực cho đất nước và xã hội, hết lòng tận tụy phục vụ nhân dân.
Song, nếu ở đâu cũng có cách hành xử theo kiểu cố tình giải thích sai luật để làm bừa, thì một chủ trương đúng đắn sẽ trở thành miếng mồi béo bở để một số đối tượng lợi dụng trục lợi. Đừng để nước chảy chỗ trũng!