Nước Đức tạm biệt 'tượng đài Angela Merkel'

27/09/2021 13:31

Trong 16 năm cầm quyền, bà Angela Merkel đã làm việc với nhiều nguyên thủ thế giới, trong đó có 4 Tổng thống Mỹ, từ George W. Bush, Barack Obama, cho đến Donald Trump và giờ là Joe Biden.

Kỷ nguyên của Thủ tướng Angela Merkel sẽ kết thúc sau cuộc bầu cử quốc hội Đức diễn ra vào ngày 26/9. Sau 4 nhiệm kỳ cầm quyền trong 16 năm liên tiếp, nước Đức và thế giới sẽ nói lời tạm biệt bà.

Viết những câu chuyện thành công

Bà Merkel trở thành Thủ tướng Đức từ năm 2005 và nắm quyền từ đó cho tới nay. Ảnh: Getty.

Vốn là nhà khoa học với tấm bằng tiến sĩ hóa học lượng tử, làm công việc nghiên cứu, bà Angela Merkel vươn lên trên chính trường Đức một cách phi thường, tưởng như không dành cho một người phụ nữ và một nhà khoa học không có nền tảng về luật pháp hay dân chính, để trở thành Thủ tướng Đức vào năm 2005.

Bà Merkel là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ thủ tướng Đức, cũng là công dân đầu tiên của Cộng hòa Dân chủ Đức vươn đến vị trí lãnh đạo nước Đức thống nhất. Tính đến năm 2006, bà Merkel còn là thủ tướng trẻ tuổi nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Đầu năm 2006, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Merkel, sau 100 ngày đầu cầm quyền, đã giành được sự ủng hộ cao nhất trong các thủ tướng Đức kể từ năm 1949. Sau hai năm liên tiếp (2006 và 2007) giữ vị trí số một trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, tháng 8/2008, bà Merkel lại tiếp tục là nhân vật số một theo bình chọn của tạp chí Forbes.

Bà Merkel trong một bức ảnh chụp tháng 6/2007 cùng các nguyên thủ thế giới đều là nam giới.Ảnh: AP.

Năm 2015, bà Merkel được tạp chí Time bầu chọn là nhân vật của năm do vai trò lãnh đạo của bà trong cuộc khủng hoảng nợ công, khủng hoảng người nhập cư châu Âu cũng như cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Tháng 12/2020, tạp chí Forbes công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2020, trong đó có 10 nguyên thủ quốc gia, bà Merkel là người đứng đầu danh sách và đã giữ vị trí này suốt từ năm 2006 đến nay, ngoại trừ năm 2010 khi bà xếp thứ 4, còn Đệ nhất phu nhân Mỹ khi đó là Michelle Obama là người đứng đầu.

Khảo sát do YouGov thực hiện hồi tháng 8 vừa qua cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của Thủ tướng Angela Merkel ở mức cao hơn đáng kể so với những người đồng cấp Mỹ và châu Âu khác. Mới đây nhất, ngày 2/9, bà Merkel được WHO trao tặng Huy chương Lãnh đạo toàn cầu vì những đóng góp cho nền sức khỏe toàn cầu.

Di sản ấn tượng

Quyết định của bà Merkel mở cửa đất nước cho người tị nạn Syria vào năm 2015 đã gây ra nhiều tranh cãi tại Đức .Ảnh: AFP.

Thủ tướng Merkel đã tạo dựng một thập kỷ thành công trong kinh tế của nước Đức. Kể từ năm 2001, tăng trưởng kinh tế Đức chỉ đạt trung bình 0,5% mỗi năm. Thâm hụt ngân sách chiếm 3,3% tổng sản lượng kinh tế. Trong nhiều năm, Đức liên tục đạt ngưỡng giới hạn nợ của châu Âu. Tỷ lệ nợ là 67% và không có dấu hiệu dừng lại. Tỷ lệ thất nghiệp tới 11% và tình trạng bất bình đẳng thu nhập gia tăng, nền kinh tế Đức dường như bị tê liệt.

Thế nhưng ngày nay, bức tranh kinh tế nước Đức đã thay đổi hoàn toàn. Bất chấp sự sụt giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính, tăng trưởng kinh tế của Đức vẫn đạt trung bình 1,6% kể từ năm 2005. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 3,4%. Nhà nước đang thu nhiều hơn chi tiêu và tỷ lệ nợ công đã giảm xuống dưới mức 60%.

Bà Merkel là người dẫn dắt nước Đức vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng. Năm 2009, nhờ chính sách đúng đắn của bà, như siết chặt chi tiêu khu vực công, cải thiện thị trường lao động, ổn định ngân sách, thúc đẩy thương mại… Đức vượt qua cuộc suy thoái toàn cầu tốt hơn so với các nước khác. Bà Merkel cũng là người đưa nước Đức vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2010, làm trung gian dàn xếp thỏa thuận giữa khu vực Eurozone và Hy Lạp, giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư năm 2015.

Một cuộc cách mạng về năng lượng cũng do bà Merkel tiến hành kể từ sau thảm họa rò rỉ phóng xạ hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản) năm 2011. Hiện có khoảng 25% nguồn năng lượng của Đức được sản xuất từ các nguồn tái tạo như gió, mặt trời và năng lượng sinh khối, đạt tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia công nghiệp hùng mạnh. Các nhà khoa học Đức tự tin rằng, nhân loại hoàn toàn có thể tự cứu mình bằng các nỗ lực tăng thị phần của nguồn năng lượng tái sinh lên 100% vào năm 2050.

Thủ tướng Merkel là nữ lãnh đạo hiếm hoi của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), vốn chiếm đa số là nam giới, nhưng bà đã trở thành một biểu tượng nữ quyền. "Bà được phụ nữ trên toàn thế giới ngưỡng mộ, đây là di sản lớn của bà. Một phụ nữ chứng tỏ năng lực bằng lòng tự trọng và quyết tâm", nhà hoạt động nữ quyền người Đức Alice Schwarzer nhận định. Tuy nhiên, nữ chính trị gia hiếm khi coi mình là một nhà nữ quyền, vì bà không muốn "tô vẽ" cho bản thân.

Bà Merkel có cách ứng xử đầy tính nhân văn với những người tị nạn. Năm 2015, bà đưa ra quyết định trái ngược với lời khuyên của các thành viên nội các, giám đốc cảnh sát liên bang và lực lượng biên phòng, chào đón những người tị nạn bởi các cuộc xung đột ở Syria và các nước khác. Theo bà, đây thực sự là một việc làm nhân văn, đúng đắn và cần phải làm, "nếu nước Đức có thể cứu các ngân hàng thì có thể cứu những con người". Tuy nhiên, việc tiếp nhận ồ ạt người di cư cũng khiến bà hứng chịu nhiều chỉ trích tại Đức cũng như ở châu Âu.

Một trong những ảnh nổi tiếng của bà Merkel với các lãnh đạo thế giới là bức ảnh chụp các nguyên thủ thảo luận căng thẳng tại thượng đỉnh G7 ở Quebec, Canada vào năm 2018. Ảnh: Getty.

Trong 16 năm cầm quyền, bà Merkel đã gặp gỡ nhiều nguyên thủ thế giới, trong đó có 4 Tổng thống Mỹ, từ George W. Bush, Barack Obama, cho đến Donald Trump và giờ là Joe Biden.

Trong khi Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt và tạo căng thẳng với Nga thì bà Merkel lại tăng cường thúc đẩy quan hệ với Moscow. Gần đây nhất, bà Merkel ủng hộ dự án dự án đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc 2". Bà thuyết phục Nga và các quan chức hàng đầu của Ukraine đối thoại với nhau để giải quyết các vấn đề.

Với EU, bà Merkel luôn coi liên minh này là một trụ cột của hòa bình và thịnh vượng, luôn ủng hộ các sáng kiến về quân sự hay hội nhập châu Âu. Bà Merkel được coi là nhà bảo trợ chính cho mối quan hệ EU - Trung Quốc. Bà cũng có đóng góp lớn trong việc nâng cao danh tiếng văn hóa quốc gia ở nước ngoài.

Năm 2020, Thủ tướng Merkel bắt đầu như một hành trình ngắn để rời khỏi chính trường, nhưng khi dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, càn quét châu Âu, bà đã trở lại mạnh mẽ trong cơn khủng hoảng. Bà Merkel đã thể hiện những cá tính đặc trưng của mình để dẫn dắt đất nước, cùng với định hướng chung của EU trong chiến lược đối phó với đại dịch Covid-19 và đã có nhiều thành công.

Trong đại dịch Covid-19, bà Merkel được khen ngợi bởi cách tiếp cận khoa học và ứng phó tốt với tình hình dịch bệnh .Ảnh: BBC.

Bà Merkel được khen ngợi vì nỗ lực hành động vì nền sức khỏe toàn cầu. Trong buổi Lễ trao Huy chương Lãnh đạo toàn cầu cho bà, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nói: "Di sản mà bà Merkel đã làm vì nền sức khỏe toàn cầu sẽ còn nhiều hơn cả một tấm bảng ghi tên bà trên bức tường Berlin, nó sẽ được khắc sâu trong cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới trong nhiều năm tới. Mỗi người sẽ tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh và an toàn hơn vì nỗ lực của bà".

Trong suốt sự nghiệp chính trị, bà Merkel đã trở thành biểu tượng về trí tuệ, tài năng và sự vươn lên của phụ nữ. Sau cuộc bầu cử Quốc hội của Đức ngày 26/9, bà Merkel, 67 tuổi, sẽ rời khỏi quyền lực, nhưng những di sản của bà sẽ ở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Đức tạm biệt 'tượng đài Angela Merkel'