Trước cơn bão Covid-19 càn quét đất nước Ấn Độ, quốc gia hơn 1,3 tỷ dân, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với tất cả các quốc gia rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể kích hoạt một “cơn bão lớn đầy chết chóc”.
Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, cho rằng các nước không nên phạm sai lầm khi nới lỏng các biện pháp hạn chế một cách quá sớm. “Khi mà các biện pháp bảo vệ cá nhân được nới lỏng, khi có các hoạt động tụ tập đông người, khi xuất hiện nhiều biến thể lây lan nhanh hơn và công tác tiêm chủng vaccine còn thấp, những điều này có thể tạo ra một cơn bão lớn ở bất kỳ quốc gia nào. Điều quan trọng là phải nhận thức được rằng tình trạng ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu” - ông Kluge cảnh báo.
Cuộc chiến sinh tử
Kể từ giữa tháng 4/2021 khi dịch Covid-19 như những quả bom siêu vi trùng phát nổ, trung bình mỗi ngày Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca mắc mới. Làn sóng lây nhiễm dâng cao đột ngột như vậy có thể đánh sập bất cứ hệ thống y tế tân tiến nhất nào.
Giới chuyên gia y tế cho rằng Ấn Độ chao đảo vì khủng hoảng thì thế giới cũng không thể bình yên, bởi “quả bom hẹn giờ” Covid-19 đã phát nổ ở một quốc gia có quy mô dân số lớn thứ hai thế giới, nền kinh tế lớn thứ sáu toàn cầu và trước đó từng được mệnh danh là “nhà thuốc của thế giới”.
Theo các nguồn tin y tế, trong giai đoạn đỉnh dịch của làn sóng đầu tiên hồi tháng 3 năm 2020, trung bình các bệnh viện tại Ấn Độ chỉ có 2-3 bệnh nhân ốm nặng vì Covis-19 mỗi ngày. Nhưng giờ đây, số lượng bệnh nhân nguy kịch quá lớn “đến độ không dám đếm” khiến các bệnh viện đã phải đưa ra những quyết định khó khăn và đau đớn khi buộc phải chon trong số các bệnh nhân đang tắt dần hy vọng sống sót rằng ai sẽ là người được vào khu điều trị tích cực (ICU), ai được sử dụng máy thở, ai được thở bằng oxy.
Đội ngũ nhân viên y tế và tuyến đầu chống dịch tại Ấn Độ lại thiếu hụt trầm trọng. Các bệnh viện đã không thể áp dụng chế độ làm việc 48 giờ/tuần nữa, thay vào đó các bác sỹ và y tá phải làm việc 90-120 giờ/tuần. Một bác sỹ, một y tá phải căng mình đảm đương công việc của 2-3 người. “Họ đã sức cùng lực kiệt và có thể suy sụp bất cứ lúc nào. Giờ đây, mỗi giây phút là một thời khắc sinh tử trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Ấn Độ” - nhận xét của Reuters.
Trong vòng 16 năm qua, với đợt dịch Covid-19 lần thứ hai này, Chính phủ Ấn Độ đã buộc phải lên tiếng kêu gọi thế giới giúp đỡ, động thái đánh dấu sự thay đổi lớn về chính sách của nước này khi nhấn mạnh đến khả năng tự lực và hình ảnh cường quốc mới nổi.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế lại cho rằng Ấn Độ sẽ không phải là quốc gia cuối cùng chứng kiến sự gia tăng lớn về số ca mắc Covid-19. Nhiều nơi đã tránh được các làn sóng lây nhiễm trước đó thì nay vẫn dễ bị tổn thương. Điều đó đặc biệt đúng ở những quốc gia có thu nhập thấp, nơi tốc độ tiêm chủng hạn chế do thiếu vaccine. “Trước một đại dịch toàn cầu đòi hỏi một phản ứng phối hợp của tất cả các quốc gia. Ấn Độ là một ví dụ hơn cả đau lòng về điều sẽ xảy ra khi mỗi nước tự đi theo cách của riêng mình” - chuyên gia Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins (Mỹ) nói và cho rằng chừng nào đại dịch này chưa được kiểm soát ở mọi quốc gia khi đó thế giới sẽ vẫn đối diện với rủi ro và chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển của các biến thể mới tác động đến vaccine. Chúng ta sẽ vẫn ở trong một thế giới bị gián đoạn.
Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng người Ấn Độ tại tập đoàn đầu tư Nomura, cho rằng bây giờ không phải là lúc nói đến việc giảm GDP của nước này, mà phải tìm cách vượt qua khủng hoảng y tế trước khi nói đến khủng hoảng kinh tế. Quy mô cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ tất yếu sẽ khiến các biện pháp hạn chế quốc tế kéo dài lâu hơn dự kiến. Nói như bà Soumya Swaminathan, chuyên gia của WHO, thì virus không biết phân biệt biên giới, quốc tịch hay tuổi tác, giới tính hoặc tôn giáo. Việc ngăn chặn sự lây lan từ Ấn Độ đòi hỏi các biện pháp kiểm dịch và hạn chế đi lại nghiêm ngặt mà điều đó sẽ gây tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trên thực tế tại Ấn Độ đã xuất hiện biến thể mới (phiên bản đột biến kép) của virus SARS CoV-2 có tên B.1.617. Biến thể này từng được cho là một nguyên nhân chính gây ra làn sóng lây nhiễm mới tại Ấn Độ và đến nay đã được phát hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Biến thể mới xuất hiện như một lời thách thức với ngành công nghiệp dược phẩm ở Ấn Độ lớn thứ ba thế giới về khối lượng và lớn thứ 11 về giá trị. Ngành này đóng góp 3,5% tổng lượng thuốc men và dược phẩm xuất khẩu trên toàn cầu và khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thuốc gốc toàn cầu. “Nếu các nước không làm mọi cách để giúp đỡ, cuộc khủng hoảng của Ấn Độ sẽ nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng của thế giới, không chỉ về y tế mà trong cả vấn đề kinh tế” - bà Soumya Swaminathan nói.
Bóng ma “không triệu chứng” và biến thể kép
Với các biến chủng cũ trên thế giới, trung bình một bệnh nhân Covid-19 lây nhiễm virus cho 4 người, nhưng biến chủng kép B.1.617 tại Ấn Độ có thể lây cho 9-10 người. Trong làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2, Ấn Độ phải chịu đựng sự gia tăng báo động của số ca mắc và tử vong. Hàng trăm nghìn bệnh nhân không có triệu chứng “đã góp phần” làm lây lan nhanh hơn và mạnh hơn các đột biến nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2.
Như đã nói, biến thể kép B.1.617 từng được xem là một trong những nguyên nhân chính của làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Ấn Độ. Được phát hiện lần đầu tiên ở Maharashtra, biến thể B.1.617 là sự kết hợp của hai biến thể khác nhau E484Q và L452R. Trước đó, thế giới cũng đã ghi nhận một số biến thể SARS-CoV-2 mới (có ở Anh, Nam Phi, Brazil) mà điển hình như biến thể B117 tại Anh với khả năng lây lan nhanh gấp 70% biến chủng cũ hay B1351 tại Nam Phi.
Đáng sợ là trong làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, khi nỗi ám ảnh từ biến thể kép B.1.617 chưa qua thì đã lại xuất hiện các ca nghi nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Tây Bengal, càng khiến giới chức Ấn Độ lo ngại. Được gọi là “đột biến 3 biến thể” hay B.1.618, biến chủng mới là sự phát triển của đột biến kép, trong đó 3 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau kết hợp để tạo thành một biến thể mới. Các báo cáo cho thấy “đột biến 3 biến thể” có khả năng lây nhiễm và gây tử vong cao hơn các chủng virus trước đó.
Giới chức y tế Ấn Độ cho biết, tỷ lệ mắc B.1.618 đã tăng lên đáng kể trong những tháng gần đây ở bang Tây Bengal. Tuy nhiên, để khẳng định biến chủng mới này là nguồn gốc của sự gia tăng các ca mắc ở Tây Bengal, các cuộc điều tra dịch tễ sâu hơn vẫn là cần thiết.
Tiến sĩ Ramana Prasad (Bệnh viện Hyderabad) cho rằng làn sóng thứ hai tại Ấn Độ nguy hiểm hơn đợt đầu tiên, đặc biệt với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các ca mắc không triệu chứng. Mà cũng vì không có triệu chứng nên nhiều người chủ quan không đeo khẩu trang và cũng không duy trì giãn cách xã hội. Cho đến khi nó bùng nổ thì “hối cũng không kịp”. Vẫn theo Tiến sĩ Prasad, chúng ta có thể phá được chuỗi lây truyền của những biến thể một cách hiệu quả nếu các biện pháp phòng ngừa được tuân thủ một cách phù hợp bởi 80% hoặc nhiều người trong cộng đồng. Nhưng điều đó đã không xảy ra và hậu quả đau đớn đã ập tới.
Đáng chú ý, theo tờ Times of India, hiện các nhà khoa học vẫn chưa biết nhiều về “đột biến 3 biến thể”, ngoại trừ các trường hợp nghi nhiễm ở những bang Delhi, Maharashtra, Tây Bengale và Chhattisgarh. Giáo sư dịch tễ học Madhukar Pai (Đại học McGill) khẳng định, biến thể này lây truyền mạnh hơn còn mức độ nguy hiểm (bệnh nặng hơn, tử vong nhiều hơn) thì vẫn cần thêm dữ liệu để khẳng định, nhưng hậu quả lây lan của nó là điều không thể chối cãi.
Thảm họa có phải do biến thể B.1.617?
Kristian Andersen - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Viện Nghiên cứu Scripps, cho rằng tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ khá tương đồng với những gì đã xảy ra ở Brazil, Nam Phi và Iran. “Những quốc gia này báo cáo nhiều ca mắc Covid-19 trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, và có vẻ như họ đã đạt được mức miễn dịch cộng đồng nhất định. Tuy nhiên, theo thời gian, khi khả năng miễn dịch của con người suy yếu, các biến thể SARS-CoV-2 mới dễ lây lan hơn và gây nên đợt bùng phát dịch mới” - ông Andersen nói.
Vẫn theo vị chuyên gia này, virus SARS-CoV-2 đã “nhanh chân hơn bất cứ nhà khoa học nào khi chúng tạo ra những biến thể có khả năng lẩn tránh vaccine”, tuy rằng không thấy dấu hiệu khẳng định chúng có thể “vô sự” trước một số vaccine ngừa Covid-19 hiện đang được lưu hành. Thực tế cho thấy SARS-CoV-2 đột biến mọi lúc và rất có thể còn là mọi nơi, mà Ấn Độ chỉ là “một địa chỉ để chứng minh”.
Tuy nhiên, ông Andersen cũng cho rằng không chắc liệu biến thể B.1.617 có phải là nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ tại Ấn Độ hay không. Tương tự, nhiều ý kiến cho rằng thảm họa tồi tệ mà Ấn Độ đang phải chịu đựng bao gồm nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chủ quan của chính phủ và cộng đồng, sai lầm trong cách ứng phó với đại dịch và trong việc triển khai vaccine. Người ta cho rằng đó mới là gốc rễ dẫn tới việc thất thủ trước Covid-19.
Nói về việc quá tự tin vào vaccine trong khi đại dịch vẫn hoành hành, Ravi Gupta- Giáo sư của Đại học Cambridge cho rằng có khả năng vaccine sẽ bảo vệ người dùng khỏi triệu chứng mắc bệnh nặng và tử vong nhưng không chống lại nguy cơ lây nhiễm ở những người có phản ứng miễn dịch kém hơn. Thực tế cho thấy những người đã mắc Covid-19 vẫn có thể bị tái nhiễm với biến thể mới, đặc biệt khi khả năng miễn dịch tự nhiên của họ suy yếu theo thời gian.
Theo ông Ravi Gupta, tình trạng tái nhiễm có thể là nguyên nhân thúc đẩy đợt bùng phát Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ. “Thực tế là số ca mắc bệnh ở Ấn Độ đã giảm trong năm 2020 ngay cả khi biện pháp giãn cách xã hội khá hạn chế. Tôi lo ngại rằng đợt bùng phát thứ hai đến từ sự chủ quan trong khi khả năng miễn dịch đã kém, thêm vào đó là do biến thể như B.1.1.7 và B.1.617 có thể “tránh” được vaccine” -theo ông Gupta.
Như vậy, nói như Giáo sư Gupta, thì biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ B.1.617 có thể vô hiệu hóa vaccine đang có. Đây quả là điều đáng lo ngại, tuy nhiên nhiều nhà khoa học vẫn tiếp tục khẳng định ưu thế vượt trội của vaccine và thúc đẩy tốc độ “phủ sóng vaccine trên phạm vi toàn cầu”.
Theo giới chuyên gia vi trùng học, biến đổi có thể giúp virus vượt qua hệ miễn dịch của con người. Nhưng với vaccine lại là chuyện khác. Nhóm các nhà khoa học Viện Robert Koch (Đức), cho rằng những biến thể của virus có nguy cơ dẫn đến “giảm năng lực vô hiệu hóa của các kháng thể của chúng ta”, nhưng “chúng ta đã có vaccine như một vũ khí để bảo vệ cuộc sống của mình”.
Tiến sĩ ngành y tế cộng đồng Karl Lauterbach dẫn một nghiên cứu tại Ấn Độ và đánh giá các vaccine Covid-19 hiện đang được lưu hành vẫn hiệu quả trong việc kháng biến thể B.1.617. Ông Lauterbach còn đề cập đến một nghiên cứu của Anh nhận thấy vaccine giúp giảm 2/3 rủi ro lây nhiễm. Tương tự, chuyên gia virus tại Bệnh viện Charite (Đức), ông Christian Drosten, cũng cho rằng không có lý do đáng báo động về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ. Theo ông Drosten, thế hệ vaccine mới chỉ cần “nâng cấp nhẹ” cũng có thể đạt được hiệu quả trước biến thể này. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Richard Neher (Đại học Basel, Thụy Sĩ) cũng nói, B.1.617 chưa đến mức quá lo ngại so với các biến thể khác. “WHO đã xếp biến thể B.1.617 vào nhóm cần được quan sát, theo dõi nhưng ở thời điểm này chưa phải là lo ngại đáng kể cho dù nó đã vượt biên giới Ấn Độ để đến Đức, Bỉ, Anh, Thụy Sĩ, Mỹ, Australia và Singapore” - ông Neher nói.
Theo bác sĩ Jeffrey Barrett (Viện Wellcome Sanger, Anh) thì biến thể B.1.617 tại Ấn Độ nhiều khả năng “không đạt mức lây nhiễm như B.1.1.7 được phát hiện tại Anh”.
Như vậy là, theo các nhà khoa học, cần tìm nguyên nhân khác trong làn sóng Covid-19 thứ hai tàn phá Ấn Độ, chứ không nên quá tập trung vào biến thể B.1.617.
“Siêu lây nhiễm” và thảm kịch Covid-19
Trang tin First Post của Ấn Độ đã chỉ ra việc tụ tập đông người đã tạo ra thảm cảnh “siêu lây nhiễm”, gây nên làn sóng Covid-19 thứ hai khiến nước Ấn Độ rơi vào khủng hoảng. Làn sóng này khốc liệt hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên, vốn từng khiến nước này rơi vào tình trạng phong tỏa vào tháng 3 năm ngoái. Đáng tiếc, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, số ca nhiễm mới hàng ngày đã tăng gấp 3 lần mức cao nhất trong năm 2020. Chỉ đến khoảng giữa tháng 4/2021, khi mà trên toàn Ấn Độ, từ thành phố cho đến nông thôn, với những lò hỏa táng hoạt động hết công suất cùng hàng dài xe cấp cứu đi lại, bệnh viện quá tải... thì người ta mới giật mình.
Nhưng, bất chấp mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng Covid-19, lễ hội Kumbh Mela ở thành phố cổ Haridwar vẫn diễn ra vào hồi đầu tháng 4. Phải đến ngày 17/4, những người tổ chức lễ hội Kumbh Mela mới khuyến cáo người dân không tụ tập đông người ở Haridwar, sau lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi. Theo First Post, sự kiện này bị xem là “siêu lây nhiễm”, góp phần gây ra làn sóng Covid-19 thứ hai của Ấn Độ.
Kumbh Mela là một lễ hội quan trọng của người theo đạo Hindu, và là một trong những cuộc hành hương lớn nhất thế giới. Hàng triệu người từ khắp mọi miền Ấn Độ đã di chuyển đến Haridwar, một thành phố cổ ở bang Uttarakhand, để tham dự các nghi lễ, cầu nguyện và tắm rửa trên sông Hằng. Lần này, có tơi hơn 4,8 triệu người đã tập trung tại Haridwar trong những ngày cao điểm của lễ hội. Còn cảnh sát bất lực khi không thể áp đặt các quy trình tiêu chuẩn trong phòng chống Covid-19 đối với những người tham gia lễ hội trong 2 ngày tắm sông truyền thống.
Hậu quả là, gần 2.000 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 ở Haridwar. Trước thời điểm bắt đầu lễ hội Kumbh Mela, số ca nhiễm Covid-19/ngày tại bang Uttarakhand chỉ ở mức xấp xỉ 500. Nhưng đến ngày 17/4, khi lễ hội kết thúc, số ca nhiễm Covid-19/ngày ở bang này đã tăng lên 2.757.
Trong “sự kiện siêu lây nhiễm”, dư luận Ấn Độ cho rằng không chỉ người dân mà cả ngành y tế cũng chủ quan. Bằng chứng là tháng Hai vừa qua, các nhân viên chăm sóc sức khỏe và các nhà dịch tễ học ở Ấn Độ đã ngạc nhiên trước vận may của đất nước khi số ca nhiễm Covid-19 giảm xuống đáng kể. Họ từng tự tin dự đoán rằng, quốc gia này sẽ tránh được nguy cơ phải đối mặt với làn sóng dịch lần thứ hai. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau đó, tình hình đã đảo ngược khi mà số người mắc tăng đột ngột, số bệnh nhân cần oxy “dồn cục” buộc người ta phải tìm đến chợ đen để mua thuốc, tranh giành oxy.
“Tâm chấn” đại dịch Covid-19 của thế giới rơi vào Ấn Độ mà dư chấn của nó sẽ chưa thể dự báo một cách chính xác, cho dù chỉ ở mức tương đối. Nếu như các đợt bùng phát dịch trước đó (tháng 3/2020) chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến tầng lớp người nghèo thì đợt dịch lần này lại tiến gần hơn tới tầng lớp giàu có.
Ramanan Laxminarayan, nhà dịch tễ học (Đại học Princeton, Mỹ), chia sẻ với Nature: “Việc Ấn Độ chinh phục được Covid-19 (đầu năm 2020) đã trở thành một câu chuyện đáng tự hào và được lan truyền công khai. Người dân bắt đầu thoải mái hơn sau khi nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng vào tháng Giêng năm nay. Nhiều người trở nên mất cảnh giác và tiếp tục tham gia những buổi giao lưu, thoải mái đi du lịch và tổ chức những đám cưới lớn”.
“Câu hỏi đặt ra là nước mắt Ấn Độ và bài học nào cho tất cả chúng ta?” - Tiến sĩ Laxminarayan nói.
"Hãy đào giếng trước khi bị khát"
Thông thường, các bệnh viện và phòng khám của Ấn Độ chỉ sử dụng khoảng 15% lượng oxy lỏng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên đến 90% vào thời điểm cuối tháng 4/2021. Do một số bang của Ấn Độ không có nhà máy để có thể tự sản xuất oxy lỏng, người dân đã phải chờ nguồn cung vận chuyển đến từ các bang còn lại. Việc bơm đầy một bình oxy mất đến 2 giờ. Điều này đã dẫn đến cảnh những hàng dài xe vận chuyển phải xếp hàng bên ngoài các nhà máy oxy. Trên thực tế, Chính phủ Ấn Độ đã công bố kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sản xuất oxy (tháng 10/2020), nhưng cho đến khi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai bùng phát thì chỉ có 33 trong số 162 nhà máy hoàn thành.
Cuối tháng 4/2021, Thủ tướng Modi đã công bố kế hoạch để xây dựng thêm 551 nhà máy oxy khác, như vậy mỗi quận sẽ có ít nhất một nhà máy. Ông Modi đã hạ lệnh yêu cầu phải triển khai kế hoạch này “càng sớm càng tốt”. Nhưng, nói như Rajabhau Shinde - người điều hành một nhà máy oxy nhỏ ở Maharashtra, thì “Chúng tôi đã nói với các nhà chức trách rằng chúng tôi sẵn sàng tăng công suất của các nhà máy, nhưng chúng tôi cần hỗ trợ tài chính. Giống như người ta thường nói, hãy đào giếng trước khi bị khát. Nhưng chúng ta đã không làm như vậy”.
Trên thực tế, việc thiếu hụt oxy khiến cho cuộc chiến chống Covid-19 của Ấn Độ rơi vào tình thế khó khăn. Nhiều quốc gia đã nhanh chóng hỗ trợ Ấn Độ, với hy vọng quốc gia tỷ dân sẽ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Trong đó có Singapore, Đức, Anh, Pháp, Nga, Australia, EU, Mỹ… đã gửi nguyên liệu vaccine thô, máy thở, thiết bị bảo vệ cá nhân, vật tư liên quan đến oxy và thuốc điều trị đến Ấn Độ.