Nước mắt ngày gặp lại

Lục Bình 29/04/2021 08:51

Với những người lính trận mạc, đất nước được hoàn toàn giải phóng vào ngày 30/4 cánh đây gần nửa thế kỷ là niềm vui không gì sánh được - niềm vui đoàn tụ.

Hôm nay, kể từ ngày vinh quang 30/4 của 46 năm trước, những nhân chứng lịch sử bồi hồi nhớ lại ngày trở về, ngày đoàn viên, ngày của những giọt nước mắt hạnh phúc.

Ông Nguyễn Văn Dần và người bạn đời sắt son chung thủy. Ảnh: Thiên Vỹ.

Việt Nam toàn thắng rồi

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, kể về những hồi ức cách đây gần nửa thế kỷ khi có mặt cùng đoàn quân tiến về Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Đại tá Nguyễn Văn Dần (thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) - nguyên Đại đội trưởng Đại đội Bộ binh, thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 chia sẻ: “Tôi không thể quên được giờ phút thiêng liêng ấy khi đoàn quân của tôi tiến về Sài Gòn giữa rừng cờ hoa và tiếng reo hò của người dân. Đối nghịch với vẻ mặt hân hoan của nhân dân ta là hình ảnh những dòng người chỉ mặc trên người chiếc quần cộc lầm lũi đi ngược về phía đoàn quân tiến vào Sài Gòn.

Trả lời về cảm xúc của mình lúc đó giọng ông Dần nghẹn ngào xúc động: “Cá nhân tôi và nhiều đồng đội không thể ngờ được chúng ta đã hoàn toàn giải phóng. Lúc đó là cảm xúc vui buồn lẫn lộn, sung sướng, hồi hộp, tự hào, và tiếc nuối cho những đồng đội đã hy sinh không được chứng kiến giây phút thiêng liêng này”.

Ngay trong đêm 30/4 cả đại đội của ông Dần không tài nào ngủ được. Cá nhân ông rất muốn viết một bức thư báo bình an về cho gia đình nhưng cũng phải đến 10 ngày sau ông mới có thời gian để viết. Và phải sau 1 tháng thì gia đình ông Dần mới nhận được. Bức thư có nội dung rất ngắn gọn có đề cập ông đã hoàn thành nhiệm vụ cùng đoàn quân tiến vào Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sức khỏe của ông vẫn tốt dù có bị thương mấy lần. Hiện ông và đồng đội vẫn đang làm nhiệm vụ quân quản nên chưa thể trở về nhà ngay được.

Em thông cảm, anh phải vào Nam đánh giặc!

Cuối năm 1974 ông Dần cùng với đơn vị nhận nhiệm vụ chuẩn bị Nam tiến giải phóng Sài Gòn. Trong câu chuyện kể với chúng tôi về người vợ của mình - bà Nguyễn Thị Thường, ông Dần cho biết, ông bà là người cùng quê, bà Thường thời điểm đó là cán bộ thủy lợi ở Ninh Bình. Sau 5 năm yêu nhau và chờ đợi, đầu tháng 2/1975, được sự đồng ý của 2 đơn vị, ông Dần và bà Thường quyết định về quê tổ chức đám cưới. Thế nhưng, chú rể bỗng dưng “mất tích” khi chuẩn bị lễ rước dâu.

Đại tá Nguyễn Văn Dần nhớ lại: “Hôm đó là ngày 25 tháng Chạp năm 1974, chúng tôi đến một cửa hàng ở thị trấn Nghèn mua một số thứ để chuẩn bị cho lễ cưới diễn ra vào hôm sau. Sau khi đưa cô ấy về nhà, trên đường về nhà mình, tôi thấy nhiều xe chở quân đi vào Nam, chưa biết là lính ở đơn vị nào thì chợt nghe tiếng gọi, rồi một chiếc xe dừng lại. Tôi vừa kịp nhận ra người quen thì chỉ huy đơn vị đã bước xuống vẫy tôi lên xe. Nhận được lệnh vào Nam chiến đấu, tôi không do dự, lập tức theo đơn vị”.

Theo bà Nguyễn Thị Thường, ông Dần và bà hoàn toàn không biết gì vì việc rước dâu đã sẵn sàng. Mãi cho tới tối hôm đó, bố mẹ ông Dần cùng vài người bên nhà trai mới sang nhà gái nói chuyện. Mẹ ông ấy gặp riêng cô dâu an ủi và đưa cho bà Thường một lá thư. Lá thư chỉ có một dòng: “Em thông cảm, anh phải vào Nam đánh giặc. Em nhớ giữ gìn sức khỏe”. Vậy là đám cưới của ông Dần và vợ của mình vẫn diễn ra như ấn định, có điều đám rước dâu không có chú rể…

Điều đặc biệt là sau ngày cưới 4 ngày, ông Dần được trở về thăm vợ nhân chuyến đơn vị của ông đến Lệ Thủy (Quảng Bình) thì dừng lại nhận quân. “Chỉ huy biết chuyện của tôi nên cho tôi được về phép 4 ngày rồi quay vào. Vì thế mà chúng tôi mới có đêm tân hôn trước khi ra trận” - Đại tá Nguyễn Văn Dần nhớ lại. Sau kỳ phép ngắn ngủi, ngày 14/2/1975, ông Dần chia tay vợ vào Nam chiến đấu. Còn vợ ông trở về cơ quan mình ở Ninh Bình để tiếp tục công việc.

Ông Dần đã trở về sau những chiến công hiển hách. “Đó là khoảng thời gian các trận đánh ác liệt nhất trong cuộc chiến. Từ ngày 9 - 30/4/1975, trong vòng 21 ngày, chúng tôi không có giây phút nghỉ ngơi, lúc cả đơn vị tiến vào Dinh Độc Lập (khoảng 15 giờ ngày 30/4/1975), người nào người nấy áo quần nhuốm đầy mồ hôi và bụi đất. Chúng tôi đã thoát qua súng đạn kẻ thù để giành chiến thắng cuối cùng nhưng phía sau có bao đồng đội đã ngã xuống. Chúng tôi luôn nhớ thương và cảm ơn về sự hy sinh của họ” - Đại tá Nguyễn Văn Dần kể.

Kể về giây phút gặp lại người thân sau những tháng ngày ra trận, ông Dần cho hay, ngày 15/10/1975 ông được nghỉ phép 1 tháng về thăm nhà. Ông phải đi ba, bốn chặng đường mất 5 ngày phép mới về đến nhà. Người đầu tiên ông gặp là bố mẹ mình. Còn vợ ông lúc đó đang công tác tại tỉnh Ninh Bình. Sau khi về nhà ông đã đánh một bức điện cho vợ nhưng phải sau 1 tuần bà mới sắp xếp được công việc để trở về quê gặp lại chồng mình.

Ông Tạ Bá Thì.

Cô ấy đã đợi tôi 10 năm

Không phải ai cũng may mắn được trở về đoàn tụ với gia đình, đoàn tụ với người vợ thân yêu của mình như ông Dần. Với Trung tá Tạ Bá Thì - nguyên Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn pháo 454 thì bởi chiến tranh dài đằng đẵng đã chia cắt đi cuộc tình duyên của ông với người bạn cùng xóm, bà Vũ Thị Thanh Vân.

Trung tá Tạ Bá Thì quê ở Yên Mô, Ninh Bình. Ông nhập ngũ ngày 5/7/1963. Từ ngày 9/3/1975 ông là Chỉ huy Tiểu đoàn pháo 85 và 105 bắn chi viện cho bộ binh rồi đoàn quân của ông tiến quân thần tốc vào Sài Gòn những ngày 30/4 lịch sử.

Kể về những thời khắc lịch sử tiến về Sài Gòn, ông Tạ Bá Thì lúc đó là Thượng úy, Chính trị viên Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 4, Sư đoàn 10 cho biết: Lúc mũi tấn công của Tiểu đoàn ông tiến vào ngã tư An Sương, trước mắt ông là cờ hoa rợp đường phố. Dọc đường đoàn quân đi, bà con ném lên xe của các ông bánh, trái cây, cơm với khuôn mặt rạng ngời cổ vũ, reo hò đón đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

“Sau khi nghe thông báo đất nước hoàn toàn giải phóng, chúng tôi không thể tưởng tượng được mình vui đến độ nào. Cả đêm ấy Tiểu đoàn tôi và các đơn vị có mặt tại Sài Gòn vào thời điểm ấy đã lấy đồ hộp, bánh kẹo ra liên hoan suốt đêm không ngủ”- người cựu binh già không dấu nổi những niềm vui trong đáy mắt.

Theo ông Tạ Bá Thì, những người lính trận lúc ấy, người cười, người khóc cảm xúc không thể tả được. “Chúng tôi chỉ mong trời sáng để trở về ngoài Bắc gặp lại bố mẹ, người thân yêu của mình. Nhiều đồng đội của tôi không kìm được đã bật khóc thương cho những đồng đội xấu số đã ngã xuống, không được chứng kiến giây phút nước nhà hoàn toàn độc lập”.

Nói về nguyện vọng của mình sau ngày giải phóng, ông Tạ Bá Thì chia sẻ, nguyện vọng lớn nhất của tôi là về thăm bố mẹ, họ hàng, thăm người yêu của mình. Cá nhân ông đã đi biền biệt hơn 10 năm, dù đã viết rất nhiều thư về cho gia đình nhưng chưa một lần trở về thăm nhà. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quân quản, tháng 10 năm 1975 ông Tạ Bá Thì đã được trở về quê nhà, nhưng ngay khi đặt chân đến đầu làng, ông nhận được tin người yêu của ông vừa mới sinh con đầu lòng.

Nói về cảm xúc của mình lúc đó, ông chỉ ngậm ngùi nói: Khi chúng tôi viết thư cho nhau, tôi đã từng nói với cô ấy hãy đợi tôi về, nhất định tôi sẽ trở về. “Hãy cố đợi anh 10 năm, nếu 10 năm anh chưa trở về thì hãy tìm hạnh phúc riêng của mình”- người cựu chiến binh chia sẻ về lời hẹn ước của mình với người yêu năm xưa. “Cô ấy đã đợi tôi tròn 10 năm. Chiến tranh không thể biết trước điều gì. Tôi không trách cô ấy. Tôi thật sự biết ơn cô ấy. Đời người con gái biết có bao nhiêu cái 10 năm đây. Sau khi trở về ông đã gặp bố mẹ của người yêu cũ, cảm ơn ông bà đồng thời xin nhận mình trở thành con trai và coi người yêu cũ là em gái”- ông Tạ Bá Thì nói.

Khi ông về đến nhà mọi người đông nghịt. Mẹ đã ôm chặt ông và nghẹn ngào khóc. Bà không sao diễn tả được niềm vui khi nhìn thấy đứa con trai từ cõi chết trở về. Bởi trong chiến trường, ông tham gia rất nhiều trận đánh ác liệt, có những lần sau trận đánh ông mất tích cả tuần, thế nên, từng có thông tin ông đã không còn sống trên đời. Và sự trở về của ông chính là điều kỳ diệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước mắt ngày gặp lại