Nhật Bản là quốc gia phát triển, chăm sóc sức khỏe cho người dân rất tốt nên tuổi thọ ngày một cao. Ở Nhật, số các cụ sống trên 100 tuổi không hiếm. Đó là điều rất quý hóa, nhưng bên cạnh đó cũng tạo ra hệ lụy khi mà xã hội đang ngày một già hơn, trong lúc tỉ lệ sinh rất thấp.
1.Một nghiên cứu mới đây cho biết, trong lớp thanh niên (nam và nữ) độ tuổi từ 20 đến 30, có tới 40% không thích yêu đương, cũng như không thích lập gia đình, dẫn tới việc không sinh con. Điều đó có nhiều nguyên nhân, nhưng thấy rõ nhất là ở việc lớp trẻ Nhật Bản ngày càng thích sống trong “thế giới ảo”, không thích yêu đương vì cho đó là điều phiền phức.
Hiện dân số Nhật Bản vẫn ở mốc khoảng 127 triệu người, trong đó tỉ lệ người già rất cao, còn người trẻ (sức lao động) thì lại sụt giảm khiến cho nhiều ngành nghề thiếu nhân lực trầm trọng. Không chỉ ở các nhà máy mà ngay cả khu vực nông thôn cũng thiếu người làm. Nhiều ngôi làng vắng ngơ vắng ngắt, không có tiếng trẻ em nô đùa, chỉ có những ông bà cụ chống gậy che ô lững thững trên đường.
Đặc biệt, trên cánh đồng, ngày càng nhiều các cụ già trên 70 tuổi vẫn cầm cuốc trồng trọt. Đó không chỉ là thói quen lao dộng, yêu lao động hay là phép dưỡng sinh, mà thực tế nếu không làm việc thì cuộc sống của các cụ sẽ vô cùng đơn điệu.
Hãng Kyodo từng đưa tin, số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống tại Nhật chỉ còn 15,71 triệu- mức thấp nhất kể từ khi các dữ liệu này được công bố từ năm 1950. Dữ liệu này được Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố cho thấy mỗi nguy từ một xã hội già hóa ngày một gia tăng. Cũng nguồn tin này cho hay, số lượng trẻ em ở Nhật Bản đã giảm liên tục trong 36 năm và tỉ lệ của nhóm này trong tổng số dân giảm 43 năm liền. Theo đó, tỉ lệ trẻ em chỉ chiếm 12,4% số dân với 8,05 triệu bé trai và 7,67 triệu bé gái.
Trong 31 quốc gia có dân số từ 40 triệu người trở lên, Nhật Bản là nước có tỉ lệ trẻ em trên tổng số dân thấp nhất- một điều tra nhân khẩu học của Liên hợp quốc cho biết. Còn nhớ, năm 1954, số lượng trẻ em Nhật Bản bằng hoặc dưới 14 tuổi là 29,89 triệu người. Nhưng kể từ đó số lượng trẻ em liên tục giảm. Đến năm 1997, tỉ lệ người già từ 65 tuổi trở lên đã lần đầu tiên vượt qua nhóm người từ 14 tuổi trở xuống, cho thấy xã hội đã già đi rõ rệt mà không có cách khắc phục.
Binh sỹ Nhật Bản cứu người bị nạn động đất.
Cũng cần lưu ý rằng, Nhật Bản là nước đứng đầu thế giới về số lượng phụ nữ phải điều trị hiếm muộn, và cũng là nước có tỉ lệ thụ thai thành công thấp nhất ở các trường hợp điều trị này. Lý do được hiểu khá đơn giản là phụ nữ Nhật Bản quyết định có con ở độ tuổi quá cao, hoặc kết hôn quá muộn.
Theo tờ The Guardian (Anh), nam nữ ở Nhật thích “kết hôn” với các nhân vật ảo trong truyện tranh, hoạt hình, trò chơi điện tử... thay vì tìm đối tác ngoài đời thực. Đến khi “tỉnh ngộ” thấy cần phải có “bạn đời” thì đã muộn. Vì thế, nhiều người đành chọn lối sống độc thân. Hiện, tỉ lệ sinh sản trung bình của một phụ nữ Nhật là 1,45% (con số thống kê năm 2015).
Một con số bi quan được đưa ra là tới năm 2065, dân số Nhật Bản sẽ chỉ còn 88,1 triệu người (thay vì khoảng 127 triệu người như hiện nay).
Truyền thông nước này đưa tin, năm ngoái riêng số tiền mừng thọ cho gần 30.000 cụ trên 100 tuổi lên tới 2,2 triệu USD. Hiện tuổi thọ trung bình của đàn ông Nhật Bản là 80,5, trong khi phụ nữ là 86,3 đạt mức cao nhất thế giới. Chính phủ dự đoán rằng cho tới năm 2018, cả nước sẽ có khoảng 39.000 người vượt mức 100 tuổi.
Người già làm việc trong các xí nghiệp ngày một nhiều lên.
2.Tại Nhật Bản, từ 75 tuổi trở lên mới được coi là người cao tuổi, nhiều hơn 10 tuổi so với mức 65 tuổi mà nhiều người vẫn nghĩ. Theo Hội Lão khoa Nhật Bản, một người được coi là già khi họ ở trong độ tuổi từ 75 đến 89. Còn những người từ 90 tuổi trở lên gọi là “siêu già”, vì thế những người 70 tuổi đã về hưu hoặc ngừng lao dộng thì bị coi là “lãng phí”.
Một khảo sát của Chính phủ Nhật Bản đối với 4.000 người từ 60 tuổi trở lên, hơn một nửa người trong số đo khi được hỏi đã trả lời rằng không coi mình là người cao tuổi. Họ cho rằng cái mác người cao tuổi nên gắn cho họ khi trên 70 tuổi mới là hợp lý.
Yuichi Aoki, 69 tuổi- một công nhân tháo dỡ nhà ở Tokyo tỏ ra lo lắng khi nói về tương lai của đất nước Nhật Bản. “Tôi đã nghỉ hưu tại một công ty công nghệ thông tin khi ở tuổi 65, giờ tôi gần 70 nhưng vẫn làm việc. Tôi lo rằng ngay cả con cháu tôi cũng phải đối mặt với tình trạng dân số già hóa”- ông Aoki nói.
Công việc ông Aoki đang làm khá nặng nhọc nhưng với ông “không làm thì ai làm, lũ trẻ đã không còn thích lao động chân tay nữa”.
Nhật Bản hiện được xem là một quốc gia “siêu già”, khi có trên 20% dân số của họ ở độ tuổi trên 65 trong khi tỷ lệ sinh đẻ đã đạt mức thấp kỷ lục.
Người cao tuổi luyện tập thể thao để tăng cường sức khỏe.
Một nguồn tin khác đưa ra nhận định rằng đến năm 2060 dân số của Nhật Bản ước tính sẽ giảm hơn 40 triệu người so với năm 2010, xuống 86,74 triệu người. Như vậy, tất cả các dự báo đều cho thấy dân số Nhật Bản đang già hóa và giảm đi một cách đáng lo ngại- tuy rằng những con số đưa ra không giống nhau. Năm 2017 này tình trạng thiếu lao động ở Nhật lên tới mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, và vẫn chưa thấy hướng mở, trong khi số người nhập cư vào Nhật Bản cho biết họ rất khó khăn khi hòa nhập vào xã hội nước này.
Được biết, năm 2005, Giám đốc Cơ quan nhập cư Tokyo lúc bấy giờ là ông Hidenori Sakanaka đã thúc đẩy một kế hoạch tiếp nhận 10 triệu người nhập cư trong vòng 50 năm, nhưng rất ít người ủng hộ ý tưởng này khiến nó bị hủy bỏ sau đó. “Nhật Bản không hề có một chính sách nhập cư”- Chris Burgess, chuyên gia nghiên cứu nhập cư kiêm giảng viên nghiên cứu về Nhật Bản tại Đại học Tsuda Juku, nhận định.
Thực sự thì vấn đề dân số đã nổi cộm trong xã hội Nhật Bản từ rất lâu. Khoảng thời gian từ 1641 đến1853, Nhật Bản đã từng có lệnh cấm công dân rời khỏi đất nước và cấm người nước ngoài tới nước này. Cho tới những năm 1980, khi đối mặt với mối đe dọa từ thiếu hụt nhân công, đất nước này mới tranh luận về kế hoạch tiếp nhận lao động nước ngoài. Đến khoảng 1990, Chính phủ bắt đầu khuyến khích sự trở về của “Nikkeijin”- thế hệ con cái của những người Nhật xa xứ, theo một chương trình thị thực đặc biệt.