Ngày 15/9, truyền thông quốc tế loan tin trong tuần này nước Pháp sẽ có chính phủ mới. “Chúng tôi sẽ thực hiện quy trình thành lập chính phủ một cách nghiêm túc và chặt chẽ”- tân Thủ tướng Michel Barnier nói với các phóng viên tại thành phố Reims, đồng thời khẳng định ông sẽ lắng nghe mọi người trong bối cảnh nền chính trị nước Pháp nhiều biến động.
Ông Michel Barnier (73 tuổi) - từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU. Ngày 5/9, ông đã được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm là người đứng đầu chính phủ Pháp. Hiến pháp của nước này quy định Tổng thống có quyền lựa chọn Thủ tướng mà không cần tham vấn hoặc có sự nhất trí của các nghị sĩ.
Tuy nhiên, phía trước của ông Barnier cũng như nội các mới không hề dễ dàng. Không chỉ Thủ tướng Barnier mà cả nội các mới cũng phải tìm được cách thu hẹp bất đồng giữa các nhóm quyền lực, gồm nhóm những người ủng hộ đường lối trung dung của Tổng thống Macron, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cánh hữu Tập hợp quốc gia (RN). Vì thế, giới quan sát cho rằng việc thành lập chính phủ sẽ không dễ dàng với ông Barnier lẫn ông Macron, khi đã có những lời từ chối tham gia chính phủ.
Một vấn đề gay cấn khác là hạn chót nộp dự thảo ngân sách chính phủ năm 2025 là ngày 1/10, khiến tân Thủ tướng Barnier chịu áp lực phải hành động ngay lập tức. Chính phủ Pháp trước đó đã xin gia hạn thời hạn gửi lộ trình chi tiêu đến ngày 15/10, cho thấy sự khó khăn trong việc cân bằng giữa yêu cầu của EU và tình hình tài chính của Pháp. Ông Barnier cũng phải đưa ra quyết định về tuổi nghỉ hưu khi mà chính phủ trước đó vẫn “nợ”, do đa số ý kiến không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu chính thức từ 62 lên 64.
Tân Thủ tướng Michel Barnier là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm trên chính trường Pháp và Liên minh châu Âu (EU). Ngoài những lần đảm nhận vị trí bộ trưởng trong chính phủ Pháp, thì ông đã 2 lần là Cao ủy châu Âu và nổi bật trong suốt 5 năm với vai trò Trưởng đoàn đàm phán Brexit về phía EU.
Brexit là cuộc chia tay giữa Vương quốc Anh với EU. Brexit đã khiến nội các của các Thủ tướng Anh là Theresa May, David Cameron, Boris Johnson chao đảo. Cho tới nay, kể từ ngày 28/3/2017, khi Chính phủ của bà Theresa May chính thức khởi động tiến trình rời khỏi EU thì vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết giữa hai bên.
Tuy rằng ông Michel Barnier gặp nhiều vấn đề trong nước và cần sớm có giải pháp, nhưng giới quan sát chính trị châu Âu vẫn cho rằng với bề dày kinh nghiệm và sự lão luyện của một chính khách có nhiều thành tích đối ngoại, tân Thủ tướng Pháp có nhiều khả năng hóa giải được nhiều khúc mắc, giúp EU gắn kết hơn cũng như quan hệ tốt hơn với nước Anh, đặc biệt là vấn đề thương mại.