Để giải quyết vấn đề thiếu nguồn vật liệu, các địa phương cần bắt tay nhanh chóng vào khâu cấp phép mỏ khai thác, thực hiện tốt công tác quản lý về giá để nhà thầu có đủ nguồn cung ứng thi công.
Hàng loạt dự án cao tốc Bắc-Nam đang đứng trước nguy cơ "vỡ" tiến độ bởi khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng trầm trọng. Đáng nói, khi khảo sát dự án thì đủ nhưng đến lúc thi công lại khan hiếm và đẩy giá lên gấp 2-3 lần, thậm chí không có để mua.
Vậy, cách nào để tháo gỡ khó khăn về vật liệu làm cao tốc Bắc-Nam để dự án hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ ở địa phương nơi tuyến đường đi qua mà còn của đất nước.
Nguy cơ “đổ bể” dự án nếu thiếu nguồn vật liệu
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Khó khăn vật liệu làm cao tốc Bắc-Nam: Thực trạng và giải pháp” được Báo Giao thông tổ chức vào sáng 25/3, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp (sau khi đã điều phối vật liệu dọc tuyến) cho toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653km sẽ cần khoảng 52 triệu m3.
Hiện, có 6/11 dự án đang triển khai, trong đó 3 dự án Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2 cơ bản hoàn thành phần đất đắp nên cơ bản không vướng các vấn đề liên quan đến vật liệu. Ba dự án còn lại là Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây bắt đầu xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu.
“Nếu không nhanh chóng cấp phép lại cho các mỏ đã hết hạn thì nguy cơ thiếu vật liệu là điều hiện hữu. Nước ta nhiều đồi núi mà bảo thiếu vật liệu đất đắp thì quả là vấn đề đáng bàn,” ông Tiến bày tỏ sự ngạc nhiên.
Là đơn vị được giao làm chủ đầu tư hai dự án cao tốc gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45 (cần 7 triệu m3 đất) và dự án Phan Thiết-Dầu Giây (cần 5 triệu m3 vật liệu), bà Vũ Thị Thanh Vân, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cho hay, khi lập dự toán mời thầu, Ban và bên tư vấn đã khảo sát thực trạng vật liệu, tham khảo giá vật liệu đất đắp do địa phương công bố.
Tuy nhiên, bà Vân thừa nhận hiện trong quá trình triển khai, vật liệu đội giá lên nhiều so với thời điểm khảo sát.
Chung cảnh ngộ, theo ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư cầu Mỹ Thuận 2), nhu cầu dự án cần 8 triệu m3 vật liệu trong khi các mỏ đã được cấp phép khai thác chỉ được khoảng hơn 1 triệu m3. Như vậy, nguồn cung cấp đang thiếu nghiêm trọng. Hiện nay, địa phương đang tổ chức đấu giá và khả năng sắp tới đây các mỏ đáp ứng được nhu cầu của dự án khoảng hơn 4 triệu m3 nếu tính cả 3 nguồn gồm các mỏ đã có đủ giấy phép khai thác, các mỏ đã chuẩn bị hoàn thiện giấy phép khai thác và các mỏ mới đấu giá.
“Theo tính toán, thời gian hoàn thiện cấp phép một mỏ khoảng 6 -8 tháng nhưng tiến độ được vạch ra từ nay đến cuối năm 2021 phải hoàn thiện toàn bộ tuyến đường với tổng nhu cầu khoảng 8 triệu m3 vật liệu. Với thời gian còn lại thì mỗi tháng cần 90.000 m3, cá biệt có những tháng cao điểm phải cần 2 triệu m3 đất. Một ngày phải có 150-300 xe/mỏ, khoảng 2-5 phút có 1 xe xuất phát từ mỏ. Vì thế, khả năng bị chậm tiến độ tại dự án cầu Mỹ Thuận 2 là rất lớn nếu không có giải pháp căn cơ và đa dạng hóa được nguồn cung ứng,” ông Khoát lo ngại.
Tình trạng khan hiếu và thiếu vật liệu trầm trọng cũng được Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nêu rõ xảy ra ở 2 dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn cần 1,8 triệu m3 vật liệu (thiếu 1,3 triệu m3), chỉ 2-3 tháng nữa khi đất tận dụng hết cũng sẽ thiếu vật liệu, có thể giá vật liệu cũng sẽ bị đẩy lên cao. Dự án Nha Trang-Cam Lâm đang triển khai, tư vấn đang tính toán nhu cầu cần 5,5 triệu m3, các mỏ đang khai thác cấp được 2,49 m3 và thiếu khoảng 3 triệu m3.
Đề cập đến khảo sát của tư vấn thiết kế về trữ lượng các mỏ vật liệu được quy hoạch tại các địa phương phải thăng đưa ra không chính xác, ông Võ Hoàng Anh, đại diện Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) quả quyết, nhiệm vụ khảo sát về vị trí chất lượng, trữ lượng, khối lượng tại các dự án từ cơ quan quản lý của Bộ tới ban quản lý dự án, chủ đầu tư đã thẩm định rất kỹ, khẳng định không thiếu vật để thi công dự án Bắc-Nam và các dự án khác.
Ông cũng lập luận thêm, đất nước ta 3/4 là đồi núi phân bố khắp chiều dài đất nước, không thể thiếu được vật liệu. Nhưng tại sao lại đang thiếu cục bộ? Ở đây liên quan đến vấn đề quản lý, thực thi.
“Khi đấu thầu, các nhà thầu đi khảo sát thực tế thì nguồn cung ứng vật liệu diễn ra bình thường. Bản thân chủ mỏ, địa phương cũng chưa lường được việc dự án cần nhu cầu lớn với cả triệu m3 mới đủ cung ứng, tức là khoảng 200-300 nghìn khối/ngày bởi tiến độ đắp nền chỉ trong 3-4 tháng nên cần gấp. Về phần khảo sát trữ lượng, chất lượng là đảm bảo và việc khan hiếm vật liệu chỉ thiếu cục bộ chứ không phải diện rộng," vị đại diện TEDI nói.
Từ đó, ông Hoàng Anh chỉ ra bất cập vấn đề khan hiếm vật liệu nếu không có giải pháp căn cơ thì không chỉ riêng dự án cao tốc Bắc-Nam, mà tất cả các dự án trọng điểm khác cũng sẽ vướng vào tình trạng khó khăn này.
Đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác mỏ
Với tư cách nhà thầu thi công 2 dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long tiết lộ, trong quá trình đấu thầu, dù đã đi khảo sát đánh giá trữ lượng nhưng thực tế trữ lượng không đúng với trữ lượng còn lại ghi trên giấy phép khai thác của mỏ nên nhà thầu phải mua ngoài để đẩy nhanh tiến độ thi công.
“Tại một số tỉnh, thành, số lượng mỏ chưa được cấp phép khai thác hoặc mỏ đang khai thác thì lại sắp hết hạn dẫn đến việc không có vật liệu đất đắp và đẩy giá thành vật liệu cung cấp cho dự án rất cao, nhiều nơi tăng gấp 3 lần còn không có mà mua,” ông Hải đưa ra thực tế.
Với tình trạng chênh lệch giá vật liệu, theo ông Hải, hợp đồng cao tốc Bắc-Nam là hợp đồng có điều chỉnh giá, trong đó có nhóm vật liệu đất đắp. Tuy nhiên, dù có được điều chỉnh cũng không thể đảm bảo cân bằng giữa giá thực tế và giá điều chỉnh, gây thiệt hại lớn cho nhà thầu thi công.
Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, theo quy định Luật Khoảng sản, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát sỏi, đất sét, đất đắp đường, đá vôi... thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, cấp tỉnh hoàn toàn có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhằm đáp ứng nguyên vật liệu phục cụ cho dự án phát triển kinh tế-xã hội.
Trước hiện tượng các chủ mỏ tăng giá, ông Thanh khuyến nghị các địa phương cũng cần lưu ý, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một năm được điều chỉnh 6 tháng/lần. Các tỉnh có thể điều chỉnh khung giá tài nguyên cho hợp lý với thực tế. Sau khi đã điều chỉnh vẫn thấy tăng giá chênh lệch thì hoàn toàn có quyền xem xét và xử lý.
Do đó, các địa phương căn cứ vào quy hoạch mỏ khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường để phê duyệt khu vực không đấu giá, cấp theo thủ tục không đấu giá, rút ngắn thời gian rất nhiều.
Đưa ra giải pháp, theo ông Tiến, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các địa phương và đề nghị đẩy nhanh tiến độ cấp phép mỏ; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo Tư vấn tiếp tục khảo sát các khu vực lân cận tuyến để tìm kiếm các mỏ có đủ điều kiện về chất lượng, trữ lượng; điều phối đất để tận dụng ngay vật liệu đủ tiêu chuẩn đắp nền; nghiên cứu tận dụng đối với vật liệu đào đổ thải theo hướng có thể nghiền và phối trộn để đạt tiêu chuẩn đắp nền...