Vừa qua tại thành phố Cần Thơ, Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được tổ chức. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL”.
Sản vật mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long.
1. ĐBSCL là một thể thống nhất nước giữa thiên nhiên và con người, trong đó nước, đất là yếu tố tự nhiên cơ bản nhất ảnh hưởng đến phát triển ĐBSCL. Đây là một vùng đất đầy tiềm năng, nhưng dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH.
Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng là đối tượng nghiên cứu tốt nhất trên thế giới về ứng phó với các tác động kép, trong đó có BĐKH. “Vì vậy, những xu thế biến đổi về tự nhiên, xã hội trong tương lai sẽ tác động, tạo ra những thách thức to lớn, nhưng đồng thời cũng tạo ra các cơ hội cho phát triển ĐBSCL”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ĐBSCL đang chịu 3 nhóm thách thức lớn: Đó là diện tích đất rừng bị suy giảm trong đó diện tích đất rừng ngập mặn trong 50 năm qua đã giảm 80%; việc gia tăng thời vụ và sản xuất nông nghiệp quá sức phục hồi của đất. Bộ trưởng cũng đề cập đến nhóm thách thức mang tính toàn cầu do BĐKH như: Nước biển dâng, hạn hán gia tăng về trong khi khả năng chống chịu của đồng bằng còn thấp; Rủi ro do thiên tai, các hiện tượng khí hậu cực đoan (mưa, bão, giông tố, lốc xoáy...) ngày càng khó lường...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất về quan điểm chỉ đạo đối với khu vực ĐBSCL. Cụ thể: cần thay đổi nhận thức vùng ĐBSCL như một thể thống nhất; quá trình chuyển đổi mô hình phát triển phải được xem xét trong tổng thể chung của Đồng bằng, trong mối liên kết chặt chẽ với vùng TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong Tiểu vùng sông Mê Kông. Tiếp đó, phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực và theo lưu vực. Coi nước lợ và nước mặn là nguồn tài nguyên, bên cạnh nguồn tài nguyên nước ngọt…
2. Liên quan đến câu chuyện quản lý tài nguyên nước, mới đây, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Nhiệm vụ “Quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước”.
Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm các lưu vực sông và các nhóm sông thuộc vùng kinh tế trên cả nước, gồm: Trung Du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long và các nhóm sông: nhóm sông Quảng Ninh, các nhóm sông Quảng Bình, các nhóm sông Quảng Trị, các nhóm sông Đông Nam Bộ, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 330.972 km2.
Mục tiêu của nhiệm vụ nhằm chủ động về nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước. Đảm bảo công bằng, hợp lý và nâng cao hiệu quả trong khai thác sử dụng nguồn nước giữa các lưu vực, khu vực hành chính trên cả nước; cân bằng giữa lượng nước có thể khai thác và nhu cầu sử dụng nước có xét sự biến động tự nhiên của nguồn nước, có xét đến việc điều hòa nguồn nước giữa các lưu vực/khu vực, có xét các tác động của các quốc gia thượng nguồn đến nguồn nước và xét điều kiện biến đổi khí hậu đến nguồn nước nhằm tránh tình trạng thiếu nước thường xuyên. Nâng cao sử dụng hiệu quả nguồn nước hiện có; bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, các chức năng quan trọng của nguồn nước, phục hồi nguồn nước bị suy thoái cạn kiệt; phòng chống giảm thiểu các tác hại do nước gây ra; ưu tiên nguồn nước đảm bảo phát triển mang tính chiến lược, ổn định an sinh xã hội, làm cơ sở cho hợp tác quốc tế, phát triển kinh thế xã hội cho các vùng trên cả nước.
Theo đó, các nhiệm vụ chính bao gồm:
Một là, đánh giá tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường nước.
Hai là, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước toàn quốc bao gồm nước mặt và nước dưới đất. Phân thích đánh giá biến động tài nguyên nước theo năm, theo mùa, dự báo khả năng biến động tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Nhận dạng đầy đủ những tác động xấu đến tài nguyên nước và những tác động xấu do tài nguyên nước gây ra.
Ba là, dự báo nhu cầu nước và dự báo tổng lượng nước thải các ngành kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự báo các loại hình tác hại do nước gây ra.
Bốn là, xây dựng các kịch bản tài nguyên nước. Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ tài nguyên nước đáp ứng cho các mục đích khai thác, sử dụng; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Năm là, xây dựng mục tiêu tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định mục tiêu, nhiệm vụ quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Sáu là, xác định yêu cầu chuyển nước giữa các lưu vực sông, xác định các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nguồn nước quy mô lớn;
Bảy là, xác định thứ tự ưu tiên lập quy hoạch đối với các lưu vực sông, nguồn nước;
Tám là, xây dựng giải pháp, kinh phí, kế hoạch và tiến độ thực hiện quy hoạch.
Đối tượng nghiên cứu của quy hoạch là nguồn nước mặt, nước dưới đất trên toàn quốc. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019.
Quyết định nêu rõ, Cục Quản lý tài nguyên nước là cơ quan chủ trì thực hiện dự án, có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ có liên quan triển khai thực hiện lập Quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.