Cá lóc là tên gọi phổ biến về loài cá quả (cũng có nhưng tên gọi khác như cá chuối, cá sộp, cá tràu… tùy theo từng vùng). Đây là loài cá đem đến nguồn thực phẩm và dinh dưỡng tốt. Hiện nay nhiều nơi đã tổ chức nuôi trong ao hồ, bể, lồng bè và đều thu được lợi nhuận cao.
Cá lóc có sức sống mạnh mẽ. Là loài cá nước ngọt, cá lóc có thể sống khỏe trong môi trường nước thiếu ôxy, độ sâu sinh sống từ 0,5 mét đến 30 mét. Cá lóc có ở các sông, suối, ao, hồ và trong các ao nuôi nhân tạo.
Trong tự nhiên, cá lóc thích nghi tốt với vùng nước nhiều rong cỏ và nước đục. Cá lóc hoàn toàn sống khỏe trong nhiệt độ nước khác nhau, từ 7 độ C cho tới 40 độ C.
Cả trong môi trường tự nhiên lẫn môi trường nuôi nhân tạo, cá lóc đều ít bệnh tật, lớn tương đối nhanh. Con lớn nhất có thể dài đến 1 mét, nặng 20 kg. Còn thì trung bình khi cá 1 năm sẽ có tuổi thân dài khoảng 19 cm đến 39 cm, nặng khỏng 0,75 kg.
Cá 2 năm tuổi có thể đạt trọng lượng trung bình 1,2 kg. Cá lóc 3 năm tuổi có thể đạt mức hơn 2 kg. Cá lóc từ một năm tuổi trở lên đã có khả năng sinh sản. Mùa sinh sản là từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm trong điều kiện tự nhiên.
Cá lóc là loại cá ăn thịt, bao gồm côn trùng, cá con và tôm con. Trong điều kiện nuôi nhân tạo, chúng cũng ăn thức ăn chế biến.
Để có được đàn cá lóc tốt trong điều kiện nuôi nhốt, rất cần có những kiến thức cơ bản, tuy rằng kỹ thuật nuôi cá lóc không khó như nuôi những loài cá khác. Trước tiên, người nuôi cá hoàn toàn có thể nuôi ghép cá lóc với cá mè, trôi, chép, trắm cỏ, rô phi, diếc.
Với cá lóc con, trước khi thả cá bột vào, phải dọn tẩy ao để sinh vật phù du phát triển mạnh. Mật độ: 6 – 7 vạn con/mẫu. Sau khi thả 7 đến 8 ngày thì chưa cho ăn, có thể vừa bón phân vừa vớt động vật phù du bổ sung vào ao (3 đến 4 kg động vật phù du/một vạn cá).
Khoảng 20 ngày sau cá có màu vàng, trên thân xuất hiện vảy, sau đó cá chuyển màu đen, dài 3 đến 6 cm, tỉ lệ sống khoảng 60 đến 65%, nuôi tiếp 20 ngày, cá đạt 6 cm, bắt đầu cho ăn tôm, tép, cá con hay thức ăn chế biến có đạm cao.
Như vậy, nuôi trong 2 tháng, cá giống được 9 đến 12 cm, lúc đó sẽ đưa ra ao lớn nuôi thành cá thịt.
Với một ao nuôi cá lóc, thường có diện tích khoảng 35 m2; độ sâu từ 70 đến 80 cm.
Trên bờ ao rào bằng phên nứa cao 0,4 m, thả bèo tây chiếm 5% diện tích ao nuôi.
Lưu ý, ao nuôi cá lóc phải có bờ cao, tốt nhất là cao hơn mặt nước khoảng 0,5m. Ao nên thả bèo Nhật Bản để phòng cá nhảy đi, đồng thời tạo môi trường cho cá lóc lớn nhanh.
Cũng cần lưu ý, cá lóc khi lớn có thể nhảy cao đến 1,5 m nhất là khi trời mưa hay có dòng nước chảy. Vì vậy phải thăm ao thường xuyên.
Có hai loại thức ăn cho cá lóc, một là động vật phù du, tôm, tép con, cá con, giun và hai là thức ăn chế biến: phối hợp 70% cá tạp nghiền nát, 20% bột đậu khô lạc… 5% men, còn lại là các vitamin, muối khoáng, thuốc kháng sinh.
Cho cá ăn 2 lần/ngày, sáng và chiều. Nếu cho cá ăn thức ăn chế biến, phải tập luyện cho cá ngay từ còn nhỏ. Trong thời gian luyện cho ăn thức ăn chế biến, không được cho ăn thức ăn sống. Thức ăn phải tươi, trước lúc cho ăn phải vệ sinh sàn cho ăn. Để đảm bảo nước luôn sạch, tốt nhất nên có dòng chảy.