Cá lồng bè được nuôi trên sông hay trong những hồ nước lớn. Tới nay, nuôi cá lồng bè đã khá phổ biến, trong đó có đồng bào ở miền núi, nơi giáp những dòng sông. Nuôi cá lồng bè đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, trở nên khá giả.
Huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang), có trên 700 ha diện tích mặt nước, gồm ao, hồ, sông, suối, thủy lợi, thủy điện... khá thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, người dân đã đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, mạnh dạn mở rộng diện tích mặt nước.
Đặc biệt, từ khi Nhà máy Thủy điện Sông Chừng đi vào hoạt động đã tạo thành hồ chứa nước nhân tạo lớn, với tổng diện tích mặt nước lòng hồ trên 225,32 ha, chiều dài gần 15 km, dung tích chứa nước trên 45 triệu m3. Từ đó, nhiều người đã làm lồng nuôi cá trong lòng hồ. Việc nuôi cá lồng trên lòng hồ khá thuận lợi và phát triển do tận dụng nguồn nước và thức ăn tự nhiên, cá phát triển tốt, ít mắc bệnh và cho năng suất cao; hàng năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn cá thương phẩm.
Bắt đầu từ năm 2013, UBND huyện Quang Bình đã có chủ trương phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sông Chừng. Năm đó, huyện đã hỗ trợ một số hộ dân ở xã Tân Nam triển khai nuôi cá lồng, qua đánh giá thực tế cho thấy việc nuôi cá lồng ở đây rất phù hợp.
Từ đó, kể từ năm 2014, UBND huyện đã phối hợp với Sở Khoa học công nghệ xây dựng Dự án “Ứng dụng KHKT nuôi cá lồng quy mô tập trung, kết hợp nuôi vịt bầu địa phương tại các eo, ngách trên lòng hồ Thủy điện Sông Chừng”. Với quy mô thiết kế xây dựng nhà bè để nuôi, với diện tích 432 m2; bố trí 20 lồng nuôi chia thành 2 khu bè, với tổng kích thước lồng nuôi 675 m3 bè nuôi cá; diện tích nhà điều hành bố trí giữa hai khu bè với 60,75 m2; thiết kế xây dựng mô hình nuôi cá tại các eo, ngách quy mô 1 đến 2 ha, kết hợp nuôi 1.000 con vịt bầu giống địa phương. Hiệu quả kinh tế thu được khá cao.
Thường thì bà con thả nuôi trắm cỏ, rô phi đơn tính, cá chép lai, cá diêu hồng… và đều thu được kết quả tốt.
Tuy nhiên, để nuôi cá lồng đạt hiệu quả, cần chú ý một số điểm sau:
Trước hết là chọn vị trí treo lồng. Nếu nuôi trên sông thì cần chọn nơi thông thoáng, ít tàu thuyền qua lại, có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, nước thải sinh hoạt. Nước sâu từ 3m trở lên, đáy lồng cách đáy sông ít nhất 0,5m. Không nên nuôi cá ở nơi nước đứng hoặc nơi nước chảy xiết. Trên một đoạn sông dài 500m rộng 200m chỉ được phép đặt 10 cụm lồng, mỗi cụm có diện tích 20m2.
Tiếp đó, cần chú ý tới phao nâng lồng: Dùng tấm xốp có kích thước 50 x 60 x 90 cm, thùng phi sắt hoặc phi nhựa 200 lít. Để đảm bảo sức nổi của lồng, bố trí mỗi ô lồng từ 4 – 6 phao, phao được cố định vào khung lồng bằng dây thép. Phao nâng lồng để đảm bảo cá ổn định kể cả trong trường hợp mưa lớn, nước sông (hồ) lên cao.
Bà con cũng cần chú ý khi nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi: Lồng phải có màng chắn để ngăn thức ăn không cho trôi ra ngoài. Màng chắn thức ăn làm bằng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn kích thước của viên thức ăn. Thức ăn được chia đều làm 2- 3 lần cho cá ăn vào lúc sáng (6-7 giờ) và chiều (17-18 giờ). Việc cho cá ăn đúng giờ là để tạo phản xạ cho cá.
Nếu cho cá ăn bằng thức ăn tự chế hoặc thức ăn dạng viên chìm phải dùng lưới cước có mắt lưới dày để làm mặt đáy lồng nuôi cá nhằm giữ cho thức ăn không lọt qua đáy lồng rơi xuống đáy sông, hồ. Cần giảm lượng thức ăn khi cá có hiện tượng bắt mồi kém hay thời tiết thay đổi.
Hàng ngày cần quan sát hoạt động của cá trong các lồng nuôi: Nếu cá nổi đầu do thiếu oxy, tình hình sử dụng thức ăn, chất thải, dịch bệnh và các hiện tượng bất thường khác xảy ra để có cách xử lý kịp thời.