Người xưa có câu: “Muốn giàu nuôi lợn nái, muốn lụn bại thì nuôi bồ câu”. Câu nói ấy có thể đúng với ngày xưa, nhưng với nay đã khác: Nhiều người nuôi bồ câu đã thoát nghèo, có của ăn của để.
Ở phường Minh Khai, thành phố Hà Giang trước chỉ có một vài người nuôi bồ châu thả chơi. Nhưng rồi, lợi nhuận thu được từ việc “làm chơi ăn thật” đã khiến bà con tổ chức nuôi bồ cầu một cách rất bài bản.
Nhiều người đã nuôi chim bồ câu thương phẩm. Các dãy nuôi bồ câu được chia thành nhiều ô khác nhau, mỗi ô có kích thước dài 60 cm, rộng 50 cm và chiều cao 40 cm; mỗi ô được nuôi từ 4 - 5 con. Tại các dãy nuôi chim bồ câu sinh sản cũng có kích thước giống với nuôi chim thịt, nhưng mỗi ô chuồng chỉ nuôi 2 chim giống gồm 1 con đực và 1 con cái, bên trong mỗi ô chuồng có kèm theo 2 ổ để chim đẻ và ấp trứng, một ổ để nuôi chim non vì khi chim non được khoảng 20 ngày tuổi là chim mẹ lại bắt đầu đẻ trứng mới.
Người nuôi bồ câu ở Hà Giang cho biết, mỗi ô chuồng chỉ cần đầu tư khoảng 300 nghìn đồng nhưng có thể dùng để nuôi chim lâu dài. Mỗi lứa cũng chỉ cần nuôi gần 40 ngày là có thể bán được.
Chim bồ câu có giá trị dinh dưỡng cao, rất bổ dưỡng cho người già, người mới ốm đậy, trẻ em suy dinh dưỡng. Để có thể thu lợi nhuận cao từ nuôi bồ câu, bà con cần chú ý một số điểm sau:
-Phân biệt trống mái: Con trống to hơn, đầu thô, khoảng cách xương chậu hẹp. Con mái thường có khối lượng nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách xương chậu rộng. Tuy nhiên, chỉ có thể phân biệt rõ khi bồ câu được khoảng 3 tháng tuổi.
-Đẻ trứng: Bồ câu nếu được nuôi tốt, 1 con mái sau khoảng 5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau khi ấp 16 đến 18 ngày sẽ nở. Chim con sẽ được giao cho chim trống nuôi dưỡng. 24 ngày tuổi có thể xuất chuồng bán. Chim mái nghỉ dưỡng sau khoảng 10 ngày thì đẻ lứa tiếp theo. Cứ như thế trung bình 1 cặp bồ câu bố mẹ sau 1 năm cho ra đời 17 cặp con cháu.
Chim bồ câu thường đẻ trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ chiều. Lúc này, người nuôi cần hạn chế vào chuồng chim. Trứng đẻ 5 ngày phải soi, nếu trứng không có trống phải loại bỏ ngay, trứng còn lại chuyển qua cặp đẻ cùng ngày để ấp.
-Làm chuồng: Với chuồng trại 200m2 có thể nuôi 70 con bồ câu bố mẹ, trong có 50 m2 làm ổ cho bồ câu đẻ, ấp. Chuồng trại phải vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, có đủ ánh sáng mặt trời, mái cao ráo, tránh gió lùa, mưa, có chỗ cho chim tắm. Mỗi tuần pha một lần nước muối nhạt để chống rệp cho chim.
-Máng ăn: Máng ăn cho một đôi chim bố mẹ dài 15cm x rộng 5cm x sâu: 5 đến 10 cm. Mỗi ngày cho bồ câu ăn từ 2 đến 3 lần. Có thể cho ăn ngô (bắp), đậu xanh hột, lúa trộn với một ít thức ăn công nghiệp của gà, vịt. Thường thì nên pha chế thức ăn cho bồ câu theo tỷ lệ: 40% đậu xanh, 30% ngô hạt sống, 20% gạo và 10% lúa trộn đều với nhau.
Nước cho bồ câu uống phải sạch sẽ, không màu, không mùi và phải thay hằng ngày. Trung bình mỗi con bồ câu cần 50-90ml/ngày. Mỗi tuần pha một lần nước muối nhạt để chống rệp cho chim.
Một vấn đề nữa cần được chú ý, đó là bồ câu rất nhạy cảm với ánh sáng. Sự đẻ trứng chỉ phụ thuộc vào một phần ánh sáng nhưng sự ấp trứng lại phụ thuộc chặt chẽ vào yếu tố ánh sáng. Bản năng ấp trứng của bồ câu phụ thuộc vào thời gian chiếu sáng ban ngày tối thiểu là 13 giờ. Do đó chuồng trại thiết kế thoáng đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho chim. Ban ngày mùa đông do ánh sáng ngắn, người nuôi cần lắp bóng đèn 40W chiếu sáng thêm vào ban đêm.
Nhiều bà con nuôi bồ câu cho biết, nuôi chúng lãi gấp 5 lần nuôi gà; ít tốn công chăm sóc, đầu ra ổn định. Chỉ sau vài lứa đẻ là bà con đã có thể hoàn lại vốn, sau đó là thu lãi.