Người nuôi tôm công nghệ cao ở các tỉnh ĐBSCL hiện đứng ngồi không yên khi phải đối mặt với trăm bề khó khăn. Nắng nóng kéo dài, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chi phí sản xuất tăng cao, giá tôm nguyên liệu lao dốc không phanh...
Ghi nhận ở các cánh đồng tôm khu vực ĐBSCL những ngày qua, giá tôm thẻ nuôi theo mô hình công nghệ cao thu mua tại nhiều tỉnh trong vùng tiếp tục giảm mạnh.
Hiện giá tôm thẻ nuôi ao trải bạt loại 30 con/kg có giá từ 134.000 -136.000 đồng/kg; nuôi ao đất 108.000 - 109.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ loại 40 con/kg nuôi ao trải bạt giá chỉ còn 111.000 đồng/kg, nuôi ao đất giá 108.000 đồng/kg. Các loại tôm nước lợ, nước mặn ở các kích cỡ đều bị giảm giá sâu.
Tại các huyện Đông Hải, Hòa Bình, thị xã Giá Rai và TP Bạc Liêu của tỉnh Bạc Liêu, nơi tập trung hàng chục công ty và trên 600 hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, với tổng diện tích trên 1.860ha, các doanh nghiệp, hộ nuôi đang than ngắn thở dài vì giá tôm nguyên liệu liên tiếp lao dốc. Hiện tại, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái thu mua tại ao với giá 80.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 2/2023. Trong khi đó tôm thẻ loại 30 con/kg chỉ có giá 130.000 đồng/kg, giảm hơn 50.000 đồng/kg so với 2 tháng trước. Với giá tôm như hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm không có lãi, thậm chí lỗ nặng.
Anh Long Văn Nghĩa, xã Vĩnh Hậu, huyện Hoà Bình tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Hiện nay chi phí sản xuất đội lên rất nhiều, giá điện, chi phí vận chuyển... tất cả các thứ liên quan đến con tôm đều tăng. Song, giá tôm lại quá thấp. Giá tôm phải tăng lên thì người nuôi mới mong có lãi chút ít hoặc hòa vốn, tôm chậm lớn sẽ thua lỗ nặng”.
Còn anh Cao Chí Bảo, chủ một hộ nuôi tôm thẻ công nghệ cao ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu chia sẻ: “Chi phí nuôi tôm đều tăng gấp đôi so với những vụ nuôi trước, trong khi đó giá tôm lại giảm, người nuôi tôm lao đao”.
Theo các hộ nuôi tôm, với giá tôm như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí như con giống, thức ăn, thuốc xử lý môi trường ao nuôi... thì lợi nhuận gần như không có.
Giá tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh làm ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì sản xuất vì hiện nay đa phần người nuôi tôm thiếu vốn, lãi suất ngân hàng tăng trong khi nông dân không nới rộng vốn vay được vì ngân hàng siết khá chặt. Chi phí sản xuất tăng cao trong khi con tôm thẻ ở Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với tôm từ các nước Ấn Độ, Ecuador. Đây là 2 nước có sản lượng tôm rất lớn, giá tôm thấp, chi phí thấp hơn nên cạnh tranh hơn.
Không chỉ rớt giá, tôm nguyên liệu loại từ 40 - 70 con/kg cũng rất khó tìm đầu ra, do vậy các thương lái đang “tạm ngừng thu mua” và giá bán cũng rất thấp. Điều này khiến nhiều hộ nuôi tôm lắc đầu ngao ngán. Ông Tô Minh Đương - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang khó khăn, lượng tôm sản phẩm làm ra nhiều nhưng đơn hàng bị sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải lưu kho dẫn đến giá tôm bị sụt giảm.
Nêu lên giải pháp, ông Đương cho rằng, doanh nghiệp, nhà sản xuất cần phải tính toán kỹ trong đầu tư về công nghệ, quan trọng là đảm bảo chất lượng con tôm để sản phẩm làm ra đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu từ các thị trường khó tính. Đặc biệt là tuyệt đối chấp hành các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, không bơm tạp chất vào tôm mới có thể cạnh tranh được con tôm của các thị trường khác.
Để giúp người nuôi tôm yên tâm sản xuất, các doanh nghiệp chế biến thủy sản, ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL khuyến cáo người nuôi tuân thủ các quy định, lịch thời vụ để thả tôm nuôi, không sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi để đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu sạch, cần ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương, không bơm chích tạp chất... nhằm giữ ổn định sản xuất, khi đó xuất khẩu mới đảm bảo tính bền vững.