Thời gian qua, trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Thuận xảy ra một số vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Nguyên nhân chính được cho là lòng đường hẹp, lại chưa có giải phân cách. Đặc biệt tuyến Phan Thiết - Dầu Giây còn quá nhiều bất cập.
Đoạn quốc lộ 1A từ huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đến tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai, là điểm thắt cổ chai, không có giải phân cách và cũng là một trong những đoạn đường chưa được mở rộng nâng cấp trên toàn tuyến quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam.
Mặt đường thì hẹp, phương tiện giao thông thì luôn đông đúc (bởi vì đây là cửa ngõ với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương). Cùng với một số lái xe hay phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, đánh võng làm cho nơi đây xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, rất đau lòng.
Vẫn khó tránh khỏi những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng
Điển hình là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng ngày 21/7 vừa qua, làm 8 người chết, 7 người bị thương, tại cầu Sông Giêng trên QL1, thuộc xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, xe khách loại 16 chỗ biển số 86B-010.87 do tài xế Lê Thanh Trúc (48 tuổi, trú Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) chở 14 người lưu thông từ hướng Phan Thiết đi TP HCM, khi đến vị trí này thì đâm trực diện vào chiếc ô tô tải biển số 79N-0315 do tài xế Phan Thanh Tùng (29 tuổi, trú tại Ba Ngòi, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) điều khiển đang chạy ngược chiều. Cú va đập rất mạnh khiến cho chiếc xe khách văng sang bên phải quay ngược đầu lại và lao xuống lề đường. Do cú đâm quá mạnh, chiếc xe khách móp méo, nát cả đầu và phần hông xe. Tài xế xe khách chết ngay tại chỗ….
Được biết, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được điều chỉnh quy hoạch với quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/giờ. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng 4 làn xe có chiều rộng từ 25-27m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án hơn 18.100 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 11 ngàn tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong 36 tháng xây dựng. Hệ thống công trình cầu gồm 68 cầu, với 18 cầu trên đường cao tốc, 40 cầu vượt trực thông với đường cao tốc, 10 cầu trong nút giao liên thông.
Đường cao tốc sẽ khởi công vào cuối năm 2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Điểm đầu của tuyến cao tốc giao cắt với quốc lộ 1A (Bình Thuận) và điểm cuối kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây để tạo ra mạch nối thông suốt từ TP HCM đến thẳng Bình Thuận. Đây là tuyến nằm trong Dự án cao tốc Bắc Nam đi qua tỉnh Bình Thuận.
Chờ đến bao giờ?
Theo ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Bình Thuận đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài hơn 148 km. Diện tích giải phóng mặt bằng hơn 1.140 ha thuộc 2.635 hộ dân và tổ chức. Dự kiến tổng kinh phí giải phóng mặt bằng dự án hơn 2.032 tỷ đồng, vốn đã bố trí cho tỉnh được 1.985 tỷ đồng. Các địa phương đã chi trả tiền bồi thường cho 2.488 hộ dân. Tổng vốn đã giải ngân đến nay đạt hơn 1.418 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng tỉnh Bình Thuận, hiện nay đã bàn giao mặt bằng cho các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải trên 1.110,7 ha trong tổng số 1.221,6 ha dự án, đạt 90,9% diện tích, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã chi trả tiền đền bù cho các hộ dân đạt 92,7%. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa chiến lược giải quyết bức xúc về giao thông.
Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh sẽ kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam là đòn bẩy để tỉnh phát triển kinh tế.
Mặc dù là một trong những tỉnh đứng đầu của cả nước về việc đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, trên tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, chỉ còn dưới 9%/tổng số hộ dân và diện tích đất bàn giao mặt bằng cho dự án; nhưng Bình Thuận cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc như giải quyết dứt điểm trong việc định giá đền bù.
Mà “nút thắt” chính là ở một số hộ dân, sau khi biết được tuyến cao tốc đi qua, cũng như sự buông lỏng quản lý, chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời của một số địa phương đã để cho một số người dân tự ý biến đất bỏ hoang lâu nay, thành các công trình xây dựng, đất trồng thành những vườn cao su, vườn thanh long, hay những cây công nghiệp có giá trị khác, với mục đích chờ đền bù, nhằm kiếm lợi bất chính.
Điều này, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ công tác thi công theo kế hoạch đề ra của tỉnh. Trong đó, một số vấn đề kiến nghị của người dân liên quan hỗ trợ khác như: Nhà cửa vật kiến trúc trên đất nông nghiệp, cây trồng, mức giá đền bù, chính sách bồi thường... cần giải quyết dứt điểm chi trả đền bù cho người dân.
Để dự án tuyến Phan Thiết - Dầu Giây sớm hoàn thiện, và cũng là để không còn xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc. Không lẽ chỉ vì vướng mắc mà vẫn để xảy ra những cái chết thương tâm.