Kinh tế

Ồ ạt trồng sầu riêng, lợi bất cập hại

Đoàn Xá 23/07/2024 08:35

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn héc ta cây trồng các loại như cam, mít nghệ, thanh long… bị nông dân nhiều tỉnh thành miền Tây Nam bộ chặt bỏ, chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng.

duoi.jpg
Nông dân ở tỉnh Long An chăm sóc sầu riêng trái vụ. Ảnh: Đoàn Xá.

Thời điểm này, nhiều nông hộ thuộc các huyện như Mộc Hoá, Tân Thạnh, Thạnh Hoá… (tỉnh Long An) bắt đầu chăm sóc hoa, thụ phấn để đợi đón vụ thu hoạch sầu riêng đầu tiên. Anh Nguyễn Văn Hoàng (34 tuổi, trú tại xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) cho biết, hai năm trước anh đã chặt gần hết vườn mít nghệ gần 3ha để chuyển sang trồng sầu riêng. “Trồng mít nghệ bấp bênh lắm, có năm giá xuống rất thấp nên người trồng chẳng lời lãi bao nhiêu. Nhờ mấy người làm chung bên Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) hướng dẫn, tôi chuyển sang trồng sầu riêng Ri6. Hiện, diện tích mít đã được thay thế khá nhiều bằng diện tích sầu riêng. Hy vọng vụ tết năm nay sẽ thu được lứa sầu riêng đầu tiên” - anh Hoàng cho biết.

Thời gian qua, do nhiều lần giá sầu riêng lên cơn sốt đã tác động tới tâm lý sản xuất của nông dân vùng Tây Nam bộ. Hiện nông dân vùng này đều gọi sầu riêng là “cây tiền tỷ”. Đó là nguyên nhân khiến nhiều tỉnh thành miền Tây Nam bộ bị vỡ quy hoạch vì cây sầu riêng mọc lên quá nhiều. Điển hình như tỉnh Tiền Giang, nơi được coi là “thủ phủ” của cây sầu riêng miền Tây Nam bộ.

Theo đó, quy hoạch tỉnh Tiền Giang tới năm 2030 có diện tích sầu riêng là 20.000ha nhưng hiện nay diện tích sầu riêng của tỉnh đã lên tới 22.000ha và vẫn đang tiếp tục tăng. Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Tiền Giang cho biết, những năm gần đây, cây sầu riêng đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều cây trồng khác khiến nông dân đổ xô chuyển sang trồng sầu riêng. Việc này tiềm ẩn nhiều mối lo, đặc biệt là các khu vực có thổ nhưỡng không phù hợp.

Ông Mẫn cho biết, hiện ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đang tiến hành lấy mẫu đất ở 500 vị trí trên địa bàn tỉnh nhằm tạo bản đồ những khu vực thích hợp với cây sầu riêng để giúp nông dân có cái nhìn rõ hơn nhằm tạo ra lợi nhuận từ các cây trồng.

Không chỉ có tỉnh Tiền Giang, nhiều địa phương khác ở miền Tây Nam bộ cũng đối mặt với tình trạng tương tự khi nông dân tự ý chặt bỏ các loại cây trồng khác để thay thế bằng cây sầu riêng. Do đặc thù hầu hết nông dân trồng trong vườn nhà, trên đất canh tác của gia đình nên việc vận động của chính quyền gặp nhiều khó khăn, có khi vườn cây lên cao rồi chính quyền địa phương mới nhận được báo cáo.

Theo TS Võ Hữu Thoại - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam thì tình trạng nông dân đang chuyển sang trồng sầu riêng là vòng luẩn quẩn, bởi hơn chục năm trước, nông dân từng ồ ạt trồng mít nghệ do khi đó cây này cho giá trị kinh tế cao. Việc ồ ạt trồng sầu riêng cũng có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự khi nguồn cung vượt quá nhu cầu thời gian tới.

Ông Thoại cũng thông tin thêm, chỉ khoảng 5% diện tích sầu riêng của nông dân đang được thị trường Trung Quốc cấp mã vùng để xuất khẩu chính ngạch. Nghĩa là phần lớn diện tích sầu riêng còn lại có nguy cơ đối mặt rủi ro vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ồ ạt trồng sầu riêng, lợi bất cập hại