“Khúc giao mùa” là tên một chương trình hòa nhạc và múa ba lê được tổ chức vào cuối tháng 3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
1 triển lãm mỹ thuật phải mua vé tại TP HCM.
Trong đó tâm điểm là buổi biểu diễn vở opera “Cây sáo thần” (W. A. Mozart) và vở ba lê “Mùa xuân thiêng liêng” (Igor Stravinsky)- đang được kỳ vọng sẽ làm say đắm những khán giả yêu nghệ thuật Hà Nội. Có thể coi đây là một chương trình nghệ thuật dài hơi đã khẳng định được thương hiệu, bởi nó đã được tổ chức định kỳ thường niên. Vé chính thức được rao bán trên trang đặt mua vé trực tuyến bao gồm các mức từ 200.000đ, 350.000đ và 500.000đ. Mức giá này gần như ổn định từ năm 2014 đến nay. Nhưng theo một nhân viên bán vé, mức giá chợ đen cao hơn thế mà nhiều người vẫn vui vẻ móc hầu bao.
Khán giả chi mạnh tay, không tiếc tiền cho một chương trình nghệ thuật- thông tin ấy thực sự là niềm vui với nghệ sĩ và những ông “bầu”. Chẳng hạn như chương trình của ca sĩ Bằng Kiều sắp diễn ra tại Hà Nội đã “cháy” vé từ nhiều ngày nay. Giá vé được niêm yết công khai dao động từ 600.000đ/vé đến mức cao nhất là 3.000.000đ/vé, nhưng hiện vé chợ đen của chương trình đã bị đẩy lên cao ngất tới mức 8 triệu đồng. Song săn vé “chợ đen” ở thời điểm cận kề đêm nhạc cũng không dễ.
Một số chương trình ca nhạc diễn ra trong tháng 3 cũng đang được khán giả quan tâm, dù giá vẻ không hề rẻ. Đơn cử như chương trình ca nhạc “Hoa cúc vàng” sắp diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội hiện mức vé thấp nhất là 800.000đ/vé và mức cao nhất là 3.000.000đ/vé...; hòa nhạc của NSND Đặng Thái Sơn trong các đêm 9, 10/3 mức vé cao nhất là 2.000.000đ/vé… Những chương trình này không đến mức “cháy” vé, nhưng việc có nhiều người chọn mua vé VIP đã chứng tỏ nhu cầu thưởng thức món ăn tinh thần của khán giả Thủ đô đang ngày một nâng lên.
Trước đó, hồi tháng 11/2015 vở kịch “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn với mức vé 1.000.000đ đã khiến nhiều người nghi ngại. Nhưng còn hơn cả sự kỳ vọng và… ngạc nhiên, giá vé 1 triệu đồng vẫn bán chạy trước giờ vở diễn khai màn. Xem xong kịch, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sân khấu nhận xét rằng đây đúng là một Hamlet của Việt Nam (từ trang phục, âm nhạc, diễn xuất…).
Tất nhiên, chỉ qua một vở kịch, để nói về sự đổi thay của thị trường sân khấu e là quá sớm. Nhưng đây thực sự là một tín hiệu mừng với sân khấu kịch nói chung và sân khấu phía Bắc nói riêng. Nhìn rộng ra đó là tín hiệu vui cho thị trường văn hóa nghệ thuật. Phép thử về nhu cầu kịch cổ điển, đồng thời cũng là một phép thử trước nhu cầu của công chúng về một thị trường nghệ thuật chất lượng cao đang cho thấy có dấu hiệu tích cực.
Quay trở lại với những vé xem ca nhạc VIP- có giá vé ngất ngưởng, tất nhiên cũng chỉ dành cho những người đủ điều kiện để thưởng thức. Và những nghệ sĩ vào cuộc “khai xuân” ấy đã và đang góp phần làm sôi động, rộn ràng thị trường âm nhạc năm 2016. Chính họ cũng đã góp phần trong việc định hướng công chúng về xu hướng nghệ thuật chất lượng cao. Thời khắc này xu hướng ấy cũng đang vào khúc chuyển tiếp và đang trong thời điểm giao mùa.