Dù đã lấy ý kiến các cơ quan quản lý và một bộ phận người dân, thế nhưng việc lập dự án “Thu phí ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố” vẫn còn không ít băn khoăn về tính khả thi. Sở GTVT TPHCM đã thực hiện xong khâu tham mưu, đề xuất, thế nhưng đề án này vẫn phải chờ UBND TPHCM xem xét, cân đối vốn để thực hiện các bước tiếp theo.
Thận trọng về tính khả thi
Quản lý các phương tiện xe cá nhân, trong đó có thu phí bắt buộc đối với ô tô vào nội đô đã được Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM nhiều lần tham mưu, đề xuất với UBND TPHCM trong khoảng 10 năm gần đây. Tuy nhiên, việc lập đề án cho vấn đề này vẫn bị gác lại do chưa đúng thời điểm cũng như thiếu tính khả thi.
Sau hơn hai năm (2020, 2021), khi dịch bệnh Covid-19 vừa giảm nhiệt, TPHCM đã trở lại giai đoạn bình thường mới, với nhiều khó khăn về tái sản xuất, tái thu hút đầu tư cũng như lộ trình để hồi phục kinh tế - xã hội. Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội kỹ sư ô tô Việt Nam, vấn đề thu phí ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố vào thời điểm nhạy cảm như vậy, rất dễ gây ra bức xúc, nhất là với những người sử dụng ô tô thường xuyên ra vào trung tâm TPHCM.
“Doanh nghiệp vừa hoạt động chưa kịp hồi phục, người dân chưa thể ổn định được mưu sinh... việc đặt lại vấn đề dự án thu phí xe cá nhân, trong đó có thu phí xe ô tô vào thời điểm này là chưa thật sự phù hợp”, ông Ninh phân tích.
Để lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư, Sở GTVT TPHCM trước đó đã đề xuất chi khoản tiền 500 triệu đồng từ ngân sách cho giai đoạn 2022-2023, đồng thời dự án dự kiến khởi công từ năm 2023 và hoàn thành năm 2025. Dù vậy, đề xuất này cũng chưa được UBND thành phố xem xét cũng như cần thời gian để cân đối vốn… Việc xem xét cho một đề án liên quan đến “tiền túi” của người dân cần tính toán hết sức thận trọng và xem xét tính khả thi.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đề án thu phí ô tô vào nội đô có tính đến các mục tiêu về giảm kẹt xe cho trung tâm TPHCM, đồng thời tiến tới hạn chế việc sử dụng xe cá nhân, trước tiên là xe máy, xây dựng thói quen sử dụng xe công cộng. Theo chuyên gia trong ngành – Kỹ sư Trần Văn Phương, những mục tiêu này rất ý nghĩa và chắc chắn là tiêu chuẩn cần hướng đến của một đô thị lớn như TPHCM, thế nhưng những người làm đề án cũng cần đưa ra được lộ trình cũng như các cam kết về trách nhiệm phát triển hạ tầng giao thông đô thị của TPHCM khi mà còn tình trạng vốn triển khai rất chậm, liên tục đội vốn hoặc trì trệ bởi đủ thứ lý do.
Ở TP Thủ Đức, hàng chục năm qua chưa thể hóa giải được câu chuyện ùn tắc, kẹt xe tại các khu vực vòng xoay Mỹ Thủy (phường Cát Lái) hay vòng xoay Phú Hữu (phường Phú Hữu). Hệ quả là toàn bộ kết nối về giao thông giữa TP Thủ Đức và các quận 7 (hướng Nam) và với quận 1, Bình Thạnh (khu trung tâm) đã đặt sức ép trực tiếp lên các tuyến đường hiện hữu chưa được cải tạo như Nguyễn Duy Trinh, Võ Chí Công, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định…Đó là chưa kể, đại đa số các tuyến đường trung tâm TPHCM, tập trung tại các quận 1,3,5,10 vốn dĩ chỉ được thiết kế cho quy mô dân số 200.000 người từ thời trước năm 1975, thế nhưng cho đến nay hầu như chưa thể được mở rộng để đáp ứng sức ép về quy mô dân số ngày càng lớn của TPHCM.
Đừng quá tay áp phí!
Theo nội dung đề án, mức phí đề xuất cho ôtô con là 40.000 đồng, xe khách và xe tải mức 70.000 đồng gồm cả xe biển xanh. Trong khi đó, thu phí taxi đăng ký tại TPHCM là mức 20.000 đồng. Duy nhất chỉ các loại phương tiện công cộng như xe buýt và nhóm xe ưu tiên (cấp cứu, chữa cháy...) mới được áp dụng miễn phí.
Trước đó, Sở GTVT TPHCM cũng đã kiến nghị UBND TPHCM giao Sở KHĐT TPHCM tham mưu xem xét, quyết định và hướng dẫn Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD) lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định pháp luật hiện hành. Đây cũng là lần thứ hai Sở GTVT TPHCM gửi kiến nghị này sau khi ITD đề xuất thực hiện dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao). Về vấn đề này, KTS Nguyễn Văn Biểu (Giám đốc Công ty Bhomes) nhận xét, việc bỏ ra những chi phí không hề nhỏ để nghiên cứu giải pháp quản lý xe cá nhân, trong đó có phương án thu phí ôtô vào khu trung tâm thành phố là một trong những quyết tâm rất lớn của ngành GTVT TPHCM. Thế nhưng, trong cả 3 lần đề xuất trước đó thì UBND TPHCM vẫn rất thận trọng chưa cho triển khai, do còn nhiều ý kiến trái chiều. Chuyên gia này cũng góp ý trực tiếp vào mức phí dự kiến thu là 40.000 đồng/ô tô cần phải xem xét thật thấu đáo, nếu không cũng sẽ gây ra những bức xúc, bất cập khi TPHCM triển khai đề án.
Giới chuyên gia cho rằng, TPHCM cần rất thận trọng những vấn đề liên quan đến thu phí từ “túi tiền” của người dân, để tránh “vết xe đổ” của một số đô thị trên thế giới khi áp dụng giải pháp chống kẹt xe đô thị bằng cách áp thu phí lên phương tiện lưu thông. Các chuyên gia lý giải, người sử dụng phương tiện cá nhân thường xuyên ra vào trung tâm thành phố sẽ đặt vấn đề ngược lại: Nếu hạn chế xe cá nhân, hệ thống xe công cộng của TPHCM đã đủ đáp ứng hoặc sẵn sàng để phục vụ người dân chuyển đổi “tư duy di chuyển” hay chưa? Đó còn chưa kể việc tăng thêm các loại chi phí khi dịch Covid-19 chỉ mới vừa giảm nhiệt, nền kinh tế chưa kịp phục hồi, sẽ còn để lại những hệ lụy rất lớn về an sinh xã hội và cuộc sống mưu sinh của đại bộ phận người dân ở TPHCM.
Theo ước tính, hiện TPHCM đang quản lý từ 8-9 triệu phương tiện xe cá nhân, bao gồm khoảng 819.000 ô tô và hơn 7,6 triệu xe máy. Tính theo bình quân mỗi ngày thành phố có trên dưới 500 phương tiện xe cá nhân được đăng ký mới. Những con số biết nói kể trên thật sự là một áp lực rất lớn đối với một đô thị đang tiến tới mốc dân số từ 18 - 20 triệu dân sau chỉ 5-10 năm tới.