OCOP nỗ lực tìm kiếm thị trường

THANH GIANG 26/10/2023 08:52

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành tập trung phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) với mong muốn, đưa sản phẩm đặc trưng ra thị trường nhiều hơn. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP vẫn chậm đến tay người tiêu dùng.

Nỗ lực xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP. Ảnh: Quang Vinh.

Chật vật thị trường trong nước

Tại nhiều siêu thị lớn ở TPHCM như: Co.op Mart, Satra, Big C, MM Mega Market… đều có một khu vực riêng chuyên trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các địa phương để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận. Các sản phẩm OCOP được chọn bán tại các siêu thị chủ yếu là hàng nông sản, thủy hải sản… sản phẩm đặc trưng của các địa phương đạt chuẩn từ 3 - 5 sao. Mặc dù đã được cơ quan chức năng đánh giá thẩm định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm OCOP không dễ dàng vào được các hệ thống siêu thị.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc kinh doanh Hợp tác xã (HTX) sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm cho biết, HTX có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao là sản phẩm cao cà gai leo và cao dây thìa canh. Tuy nhiên, các sản phẩm mới chỉ đến được các nhà thuốc tây, siêu thị nhỏ, chưa đến được với các siêu thị lớn do siêu thị chiết khấu tỷ lệ phần trăm cao. Ngoài ra, việc thanh toán kéo dài, trong khi tài chính HTX còn hạn chế, nên khâu quay vòng vốn cũng khó khăn. Tương tự, sản phẩm tinh chất rau củ quả hòa tan của Doanh nghiệp tư nhân Công Thiện Phát (Long An) được công nhận OCOP 4 sao, nhưng doanh nghiệp này khẳng định, khó đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại.

Trong khi đó, nhà sản xuất OCOP muốn mở rộng thị phần đặc biệt là kênh bán lẻ hiện đại, thay vì chỉ bán tại chợ truyền thống thì các nhà bán lẻ lại đưa ra rất nhiều điều kiện. Theo đại diện các nhà sản xuất OCOP, khi chọn sản phẩm đưa vào hệ thống phân phối ngoài hồ sơ giấy tờ hợp lệ, sản phẩm phải mang tính khác biệt, đặc thù, và có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Với sản phẩm OCOP, hiện có nhiều địa phương sản phẩm na ná nhau, chưa có tính khác biệt. Do các chủ thể OCOP là HTX, doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, tổ hợp tác có nguồn vốn hạn chế, nên việc đầu tư cho sản phẩm OCOP chưa mạnh về vùng nguyên liệu, bao bì mẫu mã sản phẩm chưa bắt mắt… dẫn đến tính cạnh tranh không cao, sản lượng không ổn định. Trong khi nguồn cung ổn định là yếu tố rất quan trọng đối với siêu thị, vì vậy số lượng sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị khá khiêm tốn.

Xuất khẩu không dễ dàng

Với thị trường trong nước đã khó, sản phẩm OCOP muốn xuất khẩu ra nước ngoài còn khó hơn. Bà Mai Thị Vân – Giám đốc HTX Vân Di (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết, đơn vị có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Để sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, HTX liên kết với các hộ trồng, đầu tư phân bón, kỹ thuật, và thu mua toàn bộ vùng nguyên liệu cuả các hộ dân. Sản phẩm làm ra được HTX đem đi kiểm nghiệm chất lượng chặt chẽ, 6 tháng/lần nhưng sản xuất ở quy mô nhỏ nên chưa thể đi xa hơn. “Có doanh nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc đặt 1 container 30 tấn/tháng, song đơn vị phải từ chối vì năng lực sản xuất không đáp ứng đủ” - bà Vân chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Xuân – Giám đốc HTX Xuân Hưng với sản phẩm OCOP là rượu sim, cũng được khách hàng Lào và Thái Lan tìm mua nhưng HTX không đủ sản lượng để cung cấp. Với sản lượng sản xuất nhỏ, tại thị trường nội địa, rượu sim Xuân Hưng cũng chỉ bán tại các gian hàng đặc sản ở một số địa phương như: Gia Lai, Đồng Nai, Hà Nội...

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM băn khoăn: “Bột rau má xuất khẩu đi 19 nước, cà pháo cũng xuất khẩu gần 20 nước nhưng không hiểu sao có nhiều sản phẩm chất lượng của địa phương lại không đi được đến đâu”.

Ông Phú cho hay, chương trình OCOP TPHCM được triển khai từ năm 2019. Sau 2 năm đánh giá, xếp hạng (năm 2021 và năm 2022), TPHCM có gần 70 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, nhiều sản phẩm là đặc sản Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn đã được công nhận OCOP. Vấn đề đặt ra hiện nay, có những sản phẩm không có “sao” nào nhưng vẫn được thị trường tiếp nhận nhiều, còn nhiều “sao” mà vẫn rất chật vật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP có được chỗ đứng ổn định tại thị trường nội địa và chinh phục được thị trường xuất khẩu thì cần phải khắc phục ngay những hạn chế đang tồn tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    OCOP nỗ lực tìm kiếm thị trường