Các nước Đông Nam Á đã trải qua kỳ Olympic thành công nhất trong lịch sử khi giành tổng số 5 HCV, 10 HCB, 3 HCĐ. Đáng tự hào khi Việt Nam cũng có mặt trong bảng vàng của thể thao khu vực, khi đóng góp 1 HCV, 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Đây thực sự là một kỳ Olympic thành công của thể thao Đông Nam Á – nơi vẫn bị gọi là “vùng trũng” của thế giới. Giờ đây, trong con mắt bạn bè quốc tế, vị thế của thể thao khu vực đã được nâng lên một tầm cao mới.
VĐV Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam - đứng giữa nhận Huy chương Vàng tại Olympic Rio 2016.
Lần đầu tiên có 5 HCV
Thành tích tốt nhất của khu vực là tại Olympic Athens 2004 khi đoạt được 4 HCV, 2 HCB và 6 HCĐ. 4 năm sau đó tại Olympic Bắc Kinh 2008 thể thao Đông Nam Á giành 3 HCV, 6 HCB, 3 HCĐ. Còn cách đây 4 năm tại London, các VĐV của Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore chỉ có 4 HCB và 6 HCĐ.
Trước Rio 2016, chỉ có 2 quốc gia trong khu vực có tên trong bảng vàng Olympic là Thái Lan và Indonesia, thì kỳ Olympic này thể thao khu vực có thêm Việt Nam và Singapore đoạt HCV.
Hoàng Xuân Vinh trở thành VĐV đầu tiên của Việt Nam giành HCV Olympic ở môn bắn súng nội dung 10 m súng ngắn hơi nam. Thậm chí đây là tấm HCV đầu tiên của Đông Nam Á ở môn thể thao lâu đời này. Thành tích của anh càng được tô đậm khi lập kỷ lục Thế vận hội và đoạt thêm 1 HCB 50 m súng ngắn bắn chậm. Màn thi đấu xuất thần của Hoàng Xuân Vinh giúp Việt Nam lần đầu có mặt trong tốp 50 trên BXH chung cuộc.
Singapore cũng lần đầu tiên có HCV của Joseph Schooling ở môn bơi. Anh xuất sắc vượt qua Michael Phelps, lập nên kỷ lục Olympic ở nội dung 100 m bơi bướm. Thái Lan vẫn là lá cờ đầu của thể thao Đông Nam Á, khi giành 2 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ. Đáng chú ý cả 6 tấm huy chương của họ chỉ đến ở 2 môn cử tạ và taekwondo. Đây là 2 môn thế mạnh của Thái Lan (cùng với boxing), từng giúp họ giành đến 24 huy chương ở những Thế vận hội trước.
Indonesia để lại dấu ấn với việc đoạt 1 HCV (cầu lông đôi nam nữ) và 2 HCB (cử tạ). Malaysia vẫn chưa có HCV Olympic, nhưng việc đoạt 4 HCB, 1 HCĐ cũng là thành tích tốt nhất của họ từ trước đến nay. Quốc gia cuối cùng của khu vực đoạt huy chương là Philippines với tấm HCB, giúp nước này cán đích ở vị trí thứ 69 trên BXH.
Thành tích của các quốc gia Đông Nam Á ở Olympic Rio 2016: Thái Lan: 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ - xếp hạng 35 |
Vị thế mới
Các VĐV Đông Nam Á đã có 18 huy chương tại Rio, bao gồm cử tạ (7), cầu lông (4), bắn súng (2), taekwondo (2), bơi lội, đạp xe và lặn (1). Thành tích này giúp Đông Nam Á xua tan đi nỗi thất vọng tại Olympic 2012. Khi đó, thể thao Đông Nam Á chỉ có 9 huy chương (không có HCV nào).
Với việc thể thao Đông Nam Á giành 5 HCV, 10 HCB, 3 HCĐ là minh chứng rõ ràng cho sự vượt qua chính mình so với kỳ Thế vận hội trước. Ngoài ra, đây cũng là bằng chứng cho thấy sự đầu tư đúng hướng của nhiều nước Đông Nam Á cho thể thao, hướng về các môn cơ bản của phong trào Olympic. Cả thế giới đang cùng hướng đến đấu trường Olympic, coi đấy là đỉnh cao duy nhất thể hiện sự cường thịnh của nền thể thao và thể thao Đông Nam Á cũng không nằm ngoài xu thế này.
Tất nhiên, để có một kỳ Olympic thành công, thể thao Đông Nam Á đã có sự đầu tư vô cùng tốn kém với các môn thể thao mũi nhọn. Đáng chú ý là tấm HCV của Joseph Schooling ở môn bơi lội. Để phục vụ cho Schooling và các VĐV khác, Singapore đã gửi sang Brazil 18 chuyên gia cùng hàng loạt trang thiết bị tối tân, thực phẩm an toàn. Số chuyên gia này đều lưu trú tại Singapore House, cách làng VĐV của Olympic chừng 5 km.
Tại đây, họ có 4 phòng sục chứa tối đa 16 người để có thể đảm bảo việc phục hồi toàn diện cho các VĐV, đảm bảo khả năng thi đấu tại Olympic. 3 nhân viên vật lý trị liệu, 3 nhân viên massage, 1 bác sĩ và 1 y tá luôn trong trạng thái sẵn sàng để giúp Schooling phục hồi nhanh chóng sau các lượt bơi, để anh có trạng thái sung sức nhất khi tranh tài.
Với riêng Joseph Schooling, anh được đưa sang Mỹ tập huấn từ năm 11 tuổi, tính ra mỗi năm số tiền đầu tư cho kình ngư này lên tới hơn 1 triệu USD, tức là gấp Ánh Viên của Việt Nam hơn 5 lần.
Các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng có mức đầu tư “khủng” cho các VĐV của mình. Trong khi đó, Việt Nam với ngân sách hạn hẹp, nhưng vẫn làm được điều phi thường là một điểm sáng lớn của thể thao khu vực.
Thể thao Đông Nam Á vốn nổi tiếng là “vùng trũng” thế giới, nhưng sau Olympic 2016 sẽ có một vị thế mới. Thành tích mà các quốc gia đạt được, chắc chắn sẽ tạo nên cú hích để nền thể thao 11 nước khu vực đi lên trong tương lai.