Trong ngày thi đấu 28/7, các vận động viên (VĐV) Việt Nam là Thùy Linh và Như Nguyệt đã chính thức dừng bước trong hành trình thi đấu của mình tại Olympic Tokyo 2020. Nếu như Thùy Linh rời Thế vận hội với chiến thắng trước tay vợt Thụy Sĩ thì Ánh Nguyệt đã để thua đầy tiếc nuối ở loạt tie-breck (loạt quyết định thắng thua) trước đối thủ Nhật Bản.
Thùy Linh với lời “chia tay đẹp”
Ngày 28/7, tay vợt Nguyễn Thùy Linh đã có được chiến thắng 2-0 trước Sabrina Jaquet ở trận đấu cuối vòng bảng trước khi nói lời chia tay Olympic 2020. Nguyễn Thùy Linh, hạng 49 thế giới, kém đối thủ người Thụy Sĩ Sabrina Jaquet 3 bậc, nhưng có trận đấu áp đảo.
Gặp Jaquet, Thùy Linh thể hiện lối đánh khéo léo với những tình huống ngược hướng di chuyển đối thủ. Thùy Linh dẫn trước 8-0 và khoảng cách dần được nới rộng. Khả năng di chuyển hạn chế của Jaquet khiến cô không tạo ra nhiều áp lực cho tay vợt Việt Nam.
Thùy Linh giành chiến thắng nhanh 21-8 trong set đầu. Sang set 2, Jaquet chơi quyết tâm với những cú trái tay của Thùy Linh. Jaquet dẫn trước nửa đầu, nhưng tay vợt Việt Nam có những tình huống phản công để hóa giải.
Có lúc tay vợt Thuỵ Sĩ vượt lên dẫn 11-10, rồi tiếp tục rượt đuổi đến khi tỷ số 16 đều. Khi đó Thuỳ Linh tiếp tục điều cầu đổi hướng liên tục rồi tận dụng thời cơ đập cầu ghi nhiều điểm liên tiếp. Cô kết thúc trận đấu với thắng lợi 21-17 trong hiệp hai.
Chiến thắng này không đủ giúp Thùy Linh đi tiếp tại Olympic Tokyo, bởi chỉ có tay vợt đứng nhất bảng mới giành quyền vào vòng loại trực tiếp. Suất này ở bảng P thuộc về tay vợt số một thế giới Tai Tzu-ying (Đài Loan) khi đứng đầu bảng với 3 trận thắng liên tiếp.
Dù vậy, ngôi nhì bảng với 2 chiến thắng được cho là thành công với Thùy Linh trong lần đầu dự Thế vận hội. Thùy Linh đã tạo được cột mốc mới cho cầu lông Việt Nam khi tay vợt 24 tuổi trở thành VĐV nữ đầu tiên của Việt Nam có 2 trận thắng tại Thế vận hội ở nội dung đơn nữ môn cầu lông.
Sau trận đấu, Thùy Linh đã chia sẻ: “Sau 2 trận thắng tại Olympic, tôi cảm thấy rất vui. 3 trận tại giải đã giúp tôi học hỏi nhiều kinh nghiệm. Đây là cơ hội tốt để tôi có thể cải thiện bản thân”.
Còn Huấn luyện viên Ngô Trung Dũng thì nhấn mạnh, với hai chiến thắng tại vòng bảng, Thùy Linh đã làm ông rất hài lòng: “Trong lần đầu tiên đưa VĐV tham dự một kỳ Olympic thì kết thúc vòng bảng Thùy Linh đã có 2 trận thắng, trận thắng thứ nhất trước cây vợt người Pháp gốc Trung Quốc thì lúc đó cảm xúc của tôi rất khó diễn tả. Sau đó thì ở trận thứ 2 Thùy Linh để thua rất đáng tiếc trước cây vợt số một thế giới người Đài Loan Trung Quốc và trận thứ 3 là chiến thắng rất cách biệt của Thùy Linh trước cây vợt người Thụy Sỹ. Hiện tại cảm xúc của tôi là rất vui và hy vọng rằng sẽ có những giải đấu thành công hơn nữa”.
Cảm xúc đọng lại
Cầu lông Việt Nam cũng vừa chứng kiến lời chia tay của tay vợt kỳ cựu Nguyễn Tiến Minh. Tiến Minh trở thành vận động viên đầu tiên của Việt Nam có 4 kỳ tham dự đấu trường Olympic. Tại Olympic Tokyo 2020, Nguyễn Tiến Minh đã 38 tuổi là tay vợt cao tuổi nhất thi đấu ở môn cầu lông.
Mặc dù thi đấu rất cố gắng, nhưng tuổi tác đã ảnh hưởng đến những pha xử lý của vận động viên sinh năm 1983. Sau 2 trận đấu, Nguyễn Tiến Minh đều nhận thất bại với tỉ số 0-2 trước những tay vợt trẻ tuổi hơn, qua đó chính thức nói lời chia tay Olympic Tokyo 2020.
Sau khi chia tay Olympic 2020, Nguyễn Tiến Minh đã viết tâm thư cảm ơn người hâm mộ trên trang cá nhân chính thức của mình: “Cảm ơn các bạn đã gửi lời thăm hỏi và động viên Minh rất nhiều. Mặc dù kết quả chưa thực sự tốt, nhưng Minh đã cố gắng hết sức, mong rằng các thế hệ đàn em sẽ thay Minh chinh chiến tiếp trong thời gian tới. Với Minh cầu lông là một phần của cuộc sống, còn cầm được cây vợt ra sân ngày nào thì hạnh phúc ngày đó. Một lần nữa xin cảm ơn các bạn đã luôn theo dõi và đồng hành cùng Minh hơn chục năm qua…”.
Cũng trong ngày 28/7, thể thao Việt Nam cũng đã phải chứng kiến lời chia tay đầy tiếc nuối của cung thủ Ánh Nguyệt. Đỗ Thị Ánh Nguyệt đã có cơ hội đi tiếp ở Olympic, trước khi thua Ren Hayakawa (Nhật Bản) tại loạt tie-break vòng 1/32 đơn nữ Olympic 2020.
Ngay từ những phát bắn đầu tiên, Hayakawa đã làm không tốt khi chỉ đạt 5 điểm, với sức gió thường trên 2 mét mỗi giây. Còn Ánh Nguyệt khởi đầu tốt khi bắn được 28 trên 30 điểm tối đa. Số điểm ở hiệp đầu là 28-23 nghiêng về cung thủ Việt , giúp cô dẫn 2-0. Bước sang hiệp 2, Hayakawa đã thi đấu tốt hơn khi bắn 28 điểm, còn Ánh Nguyệt chỉ được 25 điểm.
Cung thủ Nhật Bản cân bằng tỷ số 2-2 nhưng một lần nữa Ánh Nguyệt vượt lên dẫn 4-2 rồi 5-3 sau lượt bắn thứ 3 và 4. Với lợi thế dẫn trước, nhưng Ánh Nguyệt lại khởi đầu lượt 5 bằng điểm 5. Dù nỗ lực bắn được thêm 2 điểm 10, cung thủ Việt Nam vẫn để thua đối thủ 25-26. Lúc này, tỷ số cân bằng 5-5 và Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Ren Hayakawa bước vào lượt bắn “mũi tên vàng” để xác định người thắng cuộc.
Cung thủ Nhật Bản bắn xong trước, được 8 điểm, nhưng Ánh Nguyệt không thể làm tốt hơn khi bắn vào ô điểm 7. Cung thủ 20 tuổi dừng bước ở vòng 1/32 nội dung cung một dây cá nhân nữ. Kết quả này khá đáng tiếc khi Ánh Nguyệt hoàn toàn có thể làm tốt hơn để tiến sâu tại giải, thế nhưng nó phần nào phản ánh điểm yếu tâm lý, sự ổn định của nữ cung thủ trẻ ở giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới.