Cùng với lo ngại biến chủng Omicron lây lan rộng, mới đây Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cho rằng biến chủng Omicron có thể làm chậm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, giống như chủng Delta đã làm.
Biến chủng mới lây lan rất nhanh có thể làm giảm niềm tin. Theo đó, chúng ta có thể thấy một số sự tụt dốc trong dự báo tháng 10 của tăng trưởng toàn cầu - Reuters dẫn lời bà Kristalina Georgieva. Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế thế giới” gần đây, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 5,9% trong năm nay và 4,9% vào năm 2022.
Tuy nhiên, bà Kristalina Georgieva cho biết, Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đã phải chịu điều chỉnh dự báo tăng trưởng sau khi biến chủng Delta lan rộng, và gần đây là sự đe dọa của biến chủng Omicron, tuy chưa xác định rõ độc lực của nó.
“Ngay cả trước khi có sự xuất hiện của biến chủng Omicron, chúng tôi đã lo ngại rằng sự phục hồi, đang mất đi phần nào động lực” - người đứng đầu IMF nói, đồng thời lưu ý rằng, các nhà hoạch định chính sách hiện đang đối phó với các vấn đề mới như lạm phát.
Thực tế cho thấy, các dự báo gần đây của IMF đã làm dấy lên lo ngại rằng, các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu và việc phân phối vaccine không đồng đều sẽ làm chậm đà phục hồi, khiến một số quốc gia “bị bỏ lại phía sau”.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị tăng lãi suất vào năm 2022, không phải vào năm 2023 như dự kiến trước đó. Điều này sẽ tác động lớn tới thị trường tài chính toàn cầu vì trên thực tế đồng đô la Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đối với các khu vực trên phạm vi toàn cầu.
Tới ngày 10/12, biến chủng Omicron được cho là đã lây lan tại 61 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự xuất hiện của nó càng khiến sự phục hồi của thế giới trở nên mong manh, do nhiều quốc gia bắt đầu thắt chặt các hạn chế đi lại, chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu đối diện với nguy cơ đình trệ.
“Ngay cả khi mức độ nghiêm trọng của biến thể này chỉ tương đương hoặc thấp hơn so với Delta, dự kiến số ca nhập viện sẽ tăng lên nếu nhiều người bị nhiễm bệnh hơn và sẽ có một khoảng thời gian chênh lệch kể từ khi tỷ lệ mắc bệnh tăng tới khi tỷ lệ tử vong tăng” - WHO cảnh báo.
Tuy nhiên, trong báo cáo dịch tễ học hàng tuần, WHO cho biết cần có thêm dữ liệu để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể Omicron gây ra và liệu các đột biến của nó có thể làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine hay không, bao gồm tác dụng của các liều vaccine tăng cường. Phân tích sơ bộ cho thấy các đột biến có trong biến thể Omicron có thể làm giảm hoạt động trung hòa của các kháng thể, dẫn đến giảm khả năng bảo vệ của miễn dịch tự nhiên.
Trong khi thế giới còn đang “nghi hoặc” về biến chủng Omicron thì một động thái từ Tổng thống Nga V.Putin đã gây sự chú ý. Ông Putin cho rằng, những ngại về mức độ nguy hiểm của Omicron là quá “vội vàng”, khi ông dẫn ý kiến chuyên gia nói biến chủng mới là “vaccine sống”.
Vaccine sống được hiểu là loại vaccine sử dụng virus đã suy yếu hoặc đã được làm giảm độc lực, có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể để tạo ra kháng thể bảo vệ. Các loại vaccine như sởi, quai bị, rubella và sốt vàng da đều là vaccine chứa virus được làm yếu đi.
Tuy nhiên, giáo sư miễn dịch học Eleanor Riley tại Đại học Edinburgh, Scotland, cho rằng, để Omicron lây lan không kiểm soát không phải chiến lược hợp lý, đặc biệt nếu biến chủng này có khả năng né tránh vaccine, dù giả thuyết này chưa được chứng minh.
Bình luận của ông Putin được đưa ra sau khi Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cảnh báo lệnh cấm đi lại sẽ không giúp ích được gì nhiều để chống lại Omicron vì biến chủng này đã “ở khắp mọi nơi”.
Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với WHO hôm 24/11. Ngày 26/11, WHO đã triệu tập một cuộc hóp khẩn cấp, “đặt tên” cho biến chủng mới này là Omicron, đồng thời xác định cấp độ của nó là “đáng lo ngại”.
Trong khi còn những ý kiến khác nhau về biến chủng Omicron, TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) cho rằng, không thể để thế giới hoang mang mà các nhà khoa học cần phải sớm đưa ra kết luận rõ ràng về chúng.