Mưa lớn những ngày qua đã làm một số tuyến đường miền núi ở huyện Nam Trà My, Nông Sơn… tỉnh Quảng Nam sạt lở nặng, với khối lượng hàng nghìn đất đá tràn xuống đường chia cắt, đi lại khó khăn, cuộc sống sinh hoạt của người dân bị xáo trộn.
Ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang (huyện Nam Trà My) cho biết, xã có 30 điểm sạt lở lớn, nhỏ tại các tuyến đường liên thôn, xã. Xã đã huy động hơn 140 người dân dùng cuốc, xẻng khắc phục các điểm sạt lở nhỏ, những nơi sạt lở quá nặng thì phải chờ UBND huyện đưa máy móc lên mới có thể khắc phục. Hiện tại tuyến đường từ xã Trà Cang xuống trung tâm huyện Nam Trà My vẫn chưa thể đi lại được, một số tuyến đường liên thôn tạm thời thông tuyến, nhưng rất khó khăn vì bùn đất sình lầy.
Anh Nguyễn Thành Ny, trú thôn 3, xã Trà Cang cho hay: “Ngôi nhà tôi nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất nên được chính quyền xã cùng người dân địa phương giúp đỡ dọn dẹp nhà cửa, di chuyển đến nơi ở khác để đảm bảo an toàn tính mạng”.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, chính quyền huyện đã chỉ đạo lực lượng 4 tại chỗ, giúp người dân khắc phục các tuyến đường liên thôn, xã bị sạt lở để đảm bảo an toàn lưu thông. Về nhà ở thì có 3 ngôi nhà ở làng Tak Pỏ, thôn 1, xã Trà Mai bị hư hỏng, địa phương sẽ giúp người dân khắc phục. Tuyến đường Quốc lộ 40B, đoạn Km 103+100 bị sạt lở, đất đá tràn ra đường và hầu hết các tuyến đường về xã, thôn trên địa bàn huyện đều bị sạt lở với khối lượng lớn. Hiện UBND các xã tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để chủ động ứng phó và tiến hành kiểm tra, thống kê thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thủy lợi,… để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Ông Trần Thiện Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Sơn cho biết, mưa lớn đã làm ngập nước tuyến đường từ Trung tâm huyện đến các xã Sơn Viên, Quế Lộc, giao thông bị chia cắt hoàn toàn; Quốc lộ 14H vị trí tại cầu Khe Rinh xã Phước Ninh; Tuyến ĐH5 bị sạt lở hơn 2000 m3 đất đá, hiện nay giao thông vẫn đang còn bị chia cắt. Địa phương cũng bị bồi lấp bể hút 3 trạm bơm điện hơn 200 m3. Sạt lở, bồi lấp khoảng 1500 m kênh bê tông.
“UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với UBND các xã cắm biển cảnh báo giao thông, giăng dây tại các điểm nguy hiểm, chỉ đạo người dân không được qua lại nơi ngập nước trên các tuyến đường và đang nỗ lực, tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ” - ông Thắng nói.
Trong khi đó tại đồng bằng, như các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, thành phố Tam Kỳ… nước tại các sông, suối và khu dân cư rút tới đâu bà con dọn dẹp nhà cửa tới đó.
Ghi nhận của chúng tôi, ngày 25/10, tại khu vực Tam Đàn, Tam An, thuộc huyện Phú Ninh và phường Tân Thạnh, Phước Hòa… thuộc thành phố Tam Kỳ, nước vẫn còn ngập sâu trong khu dân cư và một số tuyến đường như Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Trỗi... vẫn còn ngập nước.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, mưa lũ đợt này tổng số dân sơ tán trên địa bàn tỉnh 779 hộ/2.535 khẩu, trong đó thành phố Tam Kỳ 22 hộ/57 khẩu; Phú Ninh sơ tán xen ghép 533 hộ/1.803 khẩu, tập trung 8 hộ/62 nhân khẩu... Trên phạm vi toàn tỉnh có 5.373 nhà/20.219 khẩu bị ngập.
Cho tới chiều tối ngày 25/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mưa đã ngớt, nước các dòng sông đang xuống. Người dân cùng chính quyền đang khẩn trương khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ này để sớm ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn lưu thông cho các phương tiện và vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục, thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra để báo cáo về tỉnh, nhanh chóng giúp đỡ người dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống.