“TP Hồ Chí Minh hiện đang là trung tâm dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào ngành giải trí tại Việt Nam. Đây là nơi hội tụ nhiều studio hậu kỳ, công ty VFX, hãng phim, trung tâm đào tạo chuyên nghiệp và là điểm nóng cho sự đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực điện ảnh, hoạt hình, âm nhạc và game.
Việc TP Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu công nghệ trong ngành giải trí không phải ngẫu nhiên, mà đến từ hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, sự tập trung của các do-anh nghiệp hàng đầu và xu hướng áp dụng công nghệ tiên tiến”. Ông Đinh Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình Việt Nam (VAVA) mở đầu câu chuyện, chia sẻ cùng Tinh Hoa Việt.
PV: Tham gia vào lĩnh vực đào tạo nghề làm phim, thiết kế, hoạt hình, kỹ xảo từ năm 2007, ông nhận ra vấn đề gì đang tồn tại và cần giải quyết, bù đắp ở các lĩnh vực này?
Ông Đinh Trí Dũng: Tôi tham gia vào lĩnh vực đào tạo nghề làm phim, thiết kế, hoạt hình và kỹ xảo từ năm 2007, và trong suốt hơn thời gian qua, tôi nhận thấy một số vấn đề tồn tại cần được giải quyết để ngành này có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Thứ nhất, chúng ta thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong kỹ xảo và hoạt hình. Ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh chóng, nhưng nguồn nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt là trong lĩnh vực Kỹ xảo điện ảnh (VFX) và Hoạt hình 3D, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Nhiều studio trong nước gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự có thể đảm nhận các dự án lớn đạt chuẩn quốc tế. Nguyên nhân chính đến từ việc ngành nghề này khá mới so với mặt bằng chung, dẫn đến đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, sinh viên các ngành có liên quan ít nhiều vì vậy ra trường thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế và kỹ năng mềm cần thiết.
Thứ hai sự kết nối giữa đào tạo và doanh nghiệp chưa thực sự mạnh mẽ. Tại Việt Nam, các cơ sở đào tạo ngành làm phim, thiết kế, hoạt hình và kỹ xảo còn ít có sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, dẫn đến khoảng cách lớn giữa lý thuyết trong nhà trường và thực tế sản xuất. Nhiều sinh viên khi ra trường chưa sẵn sàng để làm việc ngay, cần phải đào tạo lại, gây tốn kém thời gian và chi phí cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Thực tế thì chỉ có những studio có quy mô lớn, vài trăm nhân viên, mới có sự chuẩn bị đón nhận sinh viên đến tham quan và thực tập.
Thứ ba, chúng ta chưa có hiệp hội chuyên môn để bảo vệ và thúc đẩy ngành. Năm 2019 khi thành lập Học viện MAAC, tôi đã nhận thức được điều này. Trước khi VAVA (Hiệp hội Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình Việt Nam) ra đời, ngành Kỹ xảo điện ảnh và Hoạt hình chưa có một tổ chức chuyên môn nào đóng vai trò kết nối cộng đồng, bảo vệ quyền lợi của các cá nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Điều này khiến ngành thiếu tiếng nói chung, khó phát triển theo định hướng chiến lược dài hạn, cũng như thiếu sự hỗ trợ về chính sách và cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Thứ tư, nhận thức của xã hội về ngành nghề còn hạn chế. Tại Việt Nam, nhiều người vẫn xem hoạt hình, kỹ xảo, làm phim và thiết kế như những ngành nghề mang tính giải trí, thiếu tính bền vững, hoặc chỉ phù hợp với sở thích cá nhân chứ không phải một nghề nghiệp nghiêm túc có thể tạo ra thu nhập cao. Chính vì vậy, việc hướng nghiệp, truyền thông để giúp các bậc phụ huynh và học sinh hiểu rõ về tiềm năng thực sự của ngành là vô cùng cần thiết.
Phải chăng Việt Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh dù đang đi chậm sau các nước phát triển về kĩ xảo, nhưng yếu tố con người như sự thông minh, chịu tìm tòi khám phá công nghệ, chúng ta sẽ nhanh chóng tiến bộ?
- Lịch sử ngành kỹ xảo VFX và hoạt hình bắt đầu từ manh nha từ đầu thế kỷ 20, chúng ta có thể đánh dấu ngành công nghiệp này bằng những cột mốc quan trọng như sự thành lập của xưởng phim hoạt hình Walt Disney đầu những năm 1920s, hay sự ra đời của VFX studios lớn và có lịch sử lâu đời nhất như ILM và MPC vào những năm 1970s. So với các nước phát triển như Mỹ, Canada, Anh hay Pháp, sau này là Ấn Độ - những quốc gia đi đầu trong ngành Kỹ xảo điện ảnh (VFX) và Hoạt hình 3D, Việt Nam tất nhiên vẫn còn một khoảng cách nhất định, nếu không muốn nói là rất xa. Tuy nhiên, tôi không xem đó là một bất lợi, mà là một cơ hội để bứt phá nếu chúng ta có chiến lược phát triển đúng đắn. Nước chảy chỗ trũng mà.
Vậy theo ông, vì sao Việt Nam đi chậm hơn trong lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh?
- Do chúng ta thiếu hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh. Các nước phát triển có nền công nghiệp điện ảnh và giải trí rất mạnh, với những hãng phim lớn như Hollywood (Mỹ), Bollywood (Ấn Độ), hay các hãng phim hoạt hình như Pixar, DreamWorks, Disney. Họ có môi trường lý tưởng để phát triển VFX, từ ngân sách đầu tư đến đội ngũ nhân sự chuyên sâu.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có một nền công nghiệp điện ảnh đủ mạnh để thúc đẩy nhu cầu VFX nội địa. Các dự án điện ảnh trong nước vẫn chưa đầu tư nhiều vào kỹ xảo. Tỷ lệ này thông thường trong các phim Hollywood rơi vào khoảng 10-30% tổng ngân sách sản xuất phim.
Hệ thống đào tạo chưa theo kịp xu hướng. Trước đây, ở Việt Nam không có nhiều trường đào tạo bài bản về kỹ xảo điện ảnh và hoạt hình 3D, khiến các bạn trẻ yêu thích ngành này phải tự học hoặc ra nước ngoài học tập. Điều này làm cho quá trình đào tạo và phát triển nhân tài bị chậm lại.
Thêm nữa là để làm kỹ xảo chuyên nghiệp, cần có máy móc mạnh, phần mềm bản quyền đắt đỏ, và một hệ thống làm việc bài bản. Nhiều studio nhỏ ở Việt Nam gặp khó khăn khi đầu tư vào công nghệ vì chi phí quá cao, trong khi các studio lớn trên thế giới có sẵn ngân sách hàng triệu USD để sản xuất.
Đó là lý do ông kết nối triển khai trung tâm đào tạo về thiết kế mỹ thuật cho các lĩnh vực làm phim, thiết kế, hoạt hình, kỹ xảo?
- Đúng vậy, việc thành lập các trung tâm đào tạo chuyên sâu về Thiết kế Mỹ thuật, Làm phim, Hoạt hình và Kỹ xảo điện ảnh không chỉ xuất phát từ nhu cầu thị trường, mà còn là sứ mệnh cá nhân của tôi trong gần 20 năm qua. Tôi tin rằng, nếu chúng ta muốn ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam bứt phá và sánh ngang với thế giới, thì nền tảng quan trọng nhất chính là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo ông, vì sao cần có trung tâm đào tạo chuyên sâu?
- Có 3 lý do chính khiến tôi quyết tâm xây dựng hệ thống đào tạo chuyên nghiệp cho ngành thiết kế, làm phim, hoạt hình và kỹ xảo.
Ngành sáng tạo cần đào tạo bài bản, không thể chỉ học tự phát. Trước đây, hầu hết các bạn trẻ đam mê VFX, hoạt hình, thiết kế đều phải tự học qua YouTube, diễn đàn quốc tế hoặc tham gia các khóa học ngắn hạn không có lộ trình bài bản. Điều này dẫn đến một hệ quả là nhiều người có kỹ năng nhưng lại thiếu tư duy sáng tạo, quy trình sản xuất chuyên nghiệp hoặc khả năng làm việc nhóm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và doanh nghiệp. Đa phần sinh viên khi ra trường vẫn thiếu kỹ năng thực chiến, vì chương trình học chưa sát với nhu cầu thực tế. Tôi muốn tạo ra một mô hình đào tạo gắn liền với doanh nghiệp, giúp học viên vừa học, vừa thực hành với những dự án thực tế, để khi tốt nghiệp có thể làm việc ngay mà không cần đào tạo lại.
Số đông sẽ tạo ra chất lượng. Chúng ta tạo ra thế hệ nghệ sĩ và chuyên gia sáng tạo chất lượng cao. Tôi không chỉ muốn đào tạo người làm nghề, mà còn muốn tạo ra những nhà sáng tạo có thể dẫn dắt ngành công nghiệp trong tương lai.
Nói về công nghệ, ông nhận ra chúng đã đưa các tác phẩm điện ảnh, hoạt hình, các MV âm nhạc… lên tầm cao mới ra sao trong việc phục vụ nhu cầu đại chúng?
- Công nghệ đã và đang thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp giải trí, đưa điện ảnh, hoạt hình, MV âm nhạc và truyền thông lên một tầm cao mới. Nó không chỉ giúp nâng cấp chất lượng hình ảnh, kỹ xảo mà còn thay đổi cách người xem tiếp cận và trải nghiệm nội dung.
Nếu trước đây, các tác phẩm điện ảnh và âm nhạc chỉ đơn thuần được sản xuất theo phương pháp truyền thống, thì công nghệ đã mở ra một thế giới mới của sáng tạo, cho phép những điều không thể trở thành có thể.
Trong điện ảnh, kỹ xảo (VFX) giúp mở rộng khả năng sáng tạo. Trước đây, các bộ phim chỉ có thể quay thực tế, bị giới hạn bởi bối cảnh, thời tiết và kinh phí sản xuất.
Hiện nay, nhờ công nghệ CGI (Computer-Generated Imagery), Virtual Production, các nhà làm phim có thể tạo ra cả một thế giới hoàn toàn ảo mà vẫn chân thực. Như các phim Hollywood như “Avatar”, “Avengers”, “Dune” phần lớn là cảnh quay được tạo bằng CGI. Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều phim ứng dụng VFX hơn, giúp mang lại những hình ảnh hoành tráng, tăng trải nghiệm điện ảnh cho khán giả. Ngoài ra Công nghệ Unreal Engine giúp tạo ra bối cảnh phim mà không cần di chuyển đến bối cảnh thật. Những tác động giúp giúp phim Việt cạnh tranh với quốc tế về mặt hình ảnh; Giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn tăng chất lượng và mang đến những trải nghiệm hình ảnh chưa từng có cho khán giả.
Trong hoạt hình, công nghệ giúp phim 3D Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước đây, Việt Nam chỉ mạnh về hoạt hình 2D truyền thống thì giờ đây, công nghệ 3D, AI, Motion Capture giúp các studio làm hoạt hình nhanh hơn, đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn. Các studio Vinamation, DeeDee Animation, BadClay Studio, Colory đang bắt đầu sản xuất các bộ phim hoạt hình 3D chất lượng cao. Ứng dụng Real-time Rendering giúp làm hoạt hình ngay lập tức, không cần chờ kết xuất (render) lâu như trước đây. Deep Learning AI giúp tự động hóa một số công đoạn vẽ, dựng hình. Những công nghệ này sẽ giúp phim hoạt hình Việt Nam tạo ra nhiều nội dung phong phú hơn, mở rộng thị trường ra quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của ngành Hoạt hình tại Việt Nam.
Trong MV âm nhạc, công nghệ giúp MV hoành tráng, sáng tạo hơn. MV âm nhạc ngày nay không chỉ đơn thuần là một video ca nhạc - nó đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ công nghệ VFX, CGI và ảo hóa hình ảnh. Sơn Tùng M-TP, Mỹ Tâm, Đen Vâu đều sử dụng CGI, VFX để tạo hiệu ứng hình ảnh đặc biệt trong MV của mình. MV “Chúng ta của hiện tại” (Sơn Tùng M-TP) có nhiều cảnh VFX giúp tạo hiệu ứng viễn tưởng, nâng tầm MV Việt Nam.
Từ những điều ông chia sẻ trên, có thể thấy, TP Hồ Chí Minh, đang dẫn đầu về công nghệ được áp dụng trong các loại hình giải trí?
- Có một số yếu tố khiến TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm phát triển công nghệ cho ngành công nghiệp sáng tạo. Đó là hệ sinh thái ngành giải trí phát triển mạnh mẽ. TP Hồ Chí Minh có nhiều studio hậu kỳ, VFX, hoạt hình nhất Việt Nam, chiếm đến hơn 50% của cả nước. Các Công ty Games, studio VFX lớn nhất đều có trụ sở tại đây như Sparx, GlassEgg, NC Soft, VNG, Bad Clay, AIOI, Cyclo, CG Record, Spring Production, blankNegatives, Vinamation,... Nhiều công ty quảng cáo, truyền thông và phát hành phim hàng đầu như BHD, Galaxy, DatVietVAC, Yeah1, Điền Quân, CJ GGV Vietnam hay các agency quốc tế như Ogilvy, Dentsu, Publicis, TBWA cũng là hạt nhân thúc đẩy ngành Truyền thông & Giải trí phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển mạnh của các nền tảng nội dung số như TikTok, YouTube, Netflix Việt Nam, đã thúc đẩy các studio và công ty sản xuất nội dung số đầu tư mạnh vào công nghệ.
TP Hồ Chí Minh là thành phố tiên phong ứng dụng công nghệ mới trong giải trí. Các studio và công ty giải trí tại TP Hồ Chí Minh đang đi đầu trong việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm Kỹ xảo VFX & CGI, Virtual Production & Unreal Engine, Game Art & Animation, Motion Capture, AI. Các studio tại TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng AI để tạo nhân vật ảo, hỗ trợ sản xuất MV âm nhạc, phim hoạt hình. Kèm theo đó là sự phát triển mạnh của các trung tâm đào tạo công nghệ sáng tạo như Học viện MAAC, Arena Multimedia, VTC Academy, RMIT Vietnam, các trường đại học mạnh về ngành này như FPT, Hoa Sen, Văn Lang,... đều đặt tại TP Hồ Chí Minh.
Mặc dù còn một khoảng cách so với các trung tâm lớn như Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, nhưng TP Hồ Chí Minh đang có nhiều tiềm năng để vươn lên thành trung tâm giải trí hàng đầu khu vực. Chúng ta có một số lợi thế như chi phí sản xuất thấp hơn so với Singapore, Thái Lan; Nguồn nhân lực tài năng, sáng tạo, bắt kịp công nghệ nhanh; Chính phủ và doanh nghiệp đang quan tâm nhiều hơn đến ngành công nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số thách thức như thiếu sự đầu tư mạnh từ nhà nước so với Thái Lan, Hàn Quốc; Các studio Việt Nam vẫn chủ yếu làm gia công, chưa tạo được sản phẩm gốc (IP) đủ sức cạnh tranh. Chúng ta cần có có chiến lược phát triển lâu dài, đầu tư mạnh hơn vào công nghệ; Hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo sản phẩm riêng thay vì chỉ làm gia công; Thành lập thêm các trung tâm công nghệ sáng tạo, nghiên cứu và phát triển AI trong giải trí.
Tôi tin rằng trong vòng 5 đến10 năm tới, TP Hồ Chí Minh không chỉ là nơi sản xuất nội dung cho thị trường Việt Nam, mà còn có thể tạo ra những sản phẩm sáng tạo tầm cỡ quốc tế.
Vị thế của TP HCM trong công cuộc chuyển đổi, áp dụng công nghệ đang diễn ra như thế nào, theo ông?
- TP Hồ Chí Minh đang đóng vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi và áp dụng công nghệ vào ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Thành phố không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, mà còn là nơi dẫn đầu về công nghệ trong lĩnh vực điện ảnh, hoạt hình, kỹ xảo VFX, MV âm nhạc, quảng cáo và game.
Dưới góc nhìn của tôi, TP Hồ Chí Minh đang từng bước chuyển mình để bắt kịp xu hướng toàn cầu, tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo có tiềm năng vươn xa trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang đi trước các thành phố khác tại Việt Nam về mức độ ứng dụng công nghệ vào ngành sáng tạo. Các studio, doanh nghiệp truyền thông, công ty game, đơn vị đào tạo tại đây đã và đang đầu tư mạnh vào công nghệ mới. Tôi nhận thấy TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế so với các khu vực khác của Việt Nam trong việc chuyển đổi công nghệ. Chúng ta có nguồn nhân lực trẻ, có khả năng tiếp thu công nghệ cao. Hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đào tạo về thiết kế, hoạt hình, kỹ xảo, Game Art mỗi năm. Thế hệ trẻ tại TP Hồ Chí Minh tiếp cận nhanh với AI, Unreal Engine, VFX, Motion Capture. Cộng đồng làm nghề ngày càng đông đảo, có khả năng làm việc với các studio quốc tế. Nguồn lực này cung cấp nguồn nhân sự chất lượng cao cho các studio, công ty truyền thông và giúp ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam không bị tụt hậu so với thế giới.
Hệ sinh thái studio, doanh nghiệp sáng tạo mạnh mẽ. Hơn 50% studio lớn về VFX, Game, Hoạt hình, Truyền thông đều tập trung tại TP Hồ Chí Minh. Các công ty quảng cáo, truyền thông lớn đều ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Nhiều công ty quốc tế đã đặt studio tại TP Hồ Chí Minh để tận dụng nguồn nhân lực và công nghệ. Các studio tại TP Hồ Chí Minh có thể nhận dự án quốc tế, làm việc với Hollywood, Nhật Bản, Hàn Quốc.
TP Hồ Chí Minh đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo, công nghệ số. Thành phố hợp tác với các quỹ đầu tư để phát triển ngành công nghiệp sáng tạo. Nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp công nghệ đang được phát triển, giúp các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến và thúc đẩy việc chuyển đổi số trong ngành giải trí.
Xin cảm ơn những chia sẻ thấu đáo của ông!
Tham gia vào lĩnh vực đào tạo nghề làm phim, thiết kế, hoạt hình, kỹ xảo từ năm 2007, ông Đinh Trí Dũng (hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh) đã liên kết với tập đoàn Aptech (Ấn Độ) triển khai các Trung tâm đào tạo Thiết kế mỹ thuật Arena Multimedia tại Việt Nam với 7 trung tâm với 4.500 học viên đang theo học.
Năm 2019, ông đưa mô hình đào tạo nghề kỹ xảo điện ảnh, hoạt hình 3D và thiết kế game từ Ấn Độ về Việt Nam dưới hình thức nhượng quyền. Là người có nhiều nỗ lực liên kết với các studio Hậu kỳ để tổ chức các sự kiện chuyên ngành, kết nối với các studio quốc tế.
Với khát vọng xây dựng một ngành công nghiệp hậu kỳ vững mạnh, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh và giải trí của Việt Nam, là người có tâm huyết với đào tạo nghề công nghệ cao, có khát vọng và đóng góp lớn vào ngành sáng tạo, truyền thông và giải trí, năm 2015, ông Đinh Trí Dũng nhận được Huy chương Vì thế hệ trẻ của Trung ương Đoàn.