Không có bằng cấp 2, không được đào tạo qua nghiệp vụ đứng lớp lại bị liệt một chân, nhưng hàng chục năm qua ông đã “chắp cánh” cho hàng trăm em học sinh thực hiện được ước mơ vào giảng đường đại học. Đó là câu chuyện của ông giáo làng Đặng Tiến Dũng ở xóm 5 xã Phúc Đồng, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Hơn 20 năm gieo chữ, ông Dũng không nhớ nổi
mình đã “chắp cánh” cho bao nhiêu em học sinh.
Bi kịch của cậu học trò nghèo
Đặng Tiến Dũng sinh năm 1957 tại Phúc Đồng - Hương Khê, vùng thâm sơn cùng cốc này hễ nắng đến thì hạn giăng, mưa xuống thì lụt đầy. Gia đình Dũng cũng không có gì để gọi là khá giả. Từ lúc sinh ra đến 6 tuổi, Dũng lành lặn như bao đứa trẻ khác. Năm học đầu đời của cậu học trò nghèo Tiến Dũng trôi qua bình yên, thôi thúc tinh thần ham học hỏi của đứa trẻ thích khám phá. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang…
Cơn sốt rét ác tính xảy đến với Dũng khi tuổi đời còn quá nhỏ, bố mẹ nghèo không đủ tiền để chạy chữa đến nơi đến chốn cho cậu dẫn đến đôi chân bị liệt hoàn toàn. Dù không thể tự đứng vững trên đôi chân của mình nhưng vì quá ham học và để thỏa ước nguyện của con nên hàng ngày bố mẹ thay nhau cõng Dũng đến trường.
Đôi chân bị liệt nhưng cái đầu của Dũng lại rất thông minh, Dũng học một nhưng biết nhiều, năm nào cũng đạt thành tích xuất sắc. Nhưng rồi bi kịch lại đến với Dũng thêm một lần nữa, bệnh cũ tái phát khi cậu đang học lớp 7 (tương đương với lớp 9 bây giờ), bố mẹ phải đưa Dũng ra Hà Nội chữa bệnh 2 năm liền. Việc học của Dũng dang dở từ đó nhưng bù lại nhờ được chạy chữa cẩn thận nên chân trái của Dũng cử động được còn chân phải liệt hoàn toàn.
Năm 1994, sức khỏe yếu anh Dũng đã nghỉ việc về quê làm đủ nghề từ nông nghiệp đến thợ xây, sửa xe đạp, thợ mộc… Do không có tiền cho con đi học thêm để bằng bạn bằng bè, ban ngày Dũng quần quật kiếm tiền, ban đêm cùng con chăng đèn học tự học, tự mày mò kiến thức, con học lớp nào bố học lớp đó, từ chỗ là học trò của con rồi đến làm thầy bày dạy cho con, đứa lớn vào ĐH, anh Dũng lại chỉ dạy cho đứa sau. Cả 5 đứa con của anh Dũng đều đỗ ĐH.
“Chắp cánh” cho hàng trăm học sinh
Năm 1994, có 18 em học sinh trong vùng thi trượt ĐH đến xin anh Dũng học nghề mộc. Quá trình học nghề anh thấy các em đều có ước mơ là được ngồi trên giảng đường ĐH. Vậy là anh Dũng vừa truyền nghề, vừa kèm cặp các em ôn thi. Kết quả năm đó cả 18 em đều đỗ đại học.
“Nhận được tin đó tôi vui sướng lắm, gia đình các em đã trải bạt trước cổng trường để ăn mừng. Kỷ niệm này làm tôi nhớ mãi không bao giờ quên được”, Đặng Tiến Dũng vui mừng chia sẻ.
Cũng từ đó, tiếng lành đồn xa, người dân xung quanh đưa con đến nhờ anh Dũng dạy kèm cho con ngày càng đông. Anh không hề đề cập đến việc lấy tiền công dạy thêm nhưng thấy gia đình anh nghèo, con cái đông lại đang đi học nên họ đã “đổi công” bằng cách đi cày ruộng, gặt lúa, thu hoạch lạc… giúp gia đình anh. Sau đó họ góp tiền, lúc đầu thì một buổi 2, 3 nghìn, sau đó lên 5, 10 nghìn đồng.
Hiện tại, dù đã gần 60 tuổi nhưng “ông giáo làng” Đặng Tiến Dũng đang kèm cặp cho khoảng 200 em học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 và các em thi trượt đại học năm đầu. Mỗi ngày ông chia thành 3 ca – sáng, chiều, tối; mỗi ca có 2 tốp, một tốp học ở ngoài hiên, một tốp học ở trong nhà. Lớp học có nội quy, có khen, có thưởng đàng hoàng.
Trong số 200 em theo học ở đây thì có khoảng 100 em ở xa, có những em ở huyện Vũ Quang hay ở TP.Vinh (Nghệ An) cách cả trăm km cũng đến theo học rồi xin ở lại nhà ông, ăn bữa trưa rồi chiều học một thể, nhà ông Dũng trở thành ngôi nhà thứ hai của các em. “Rất nhiều phụ huynh đưa con đến nhờ tôi dạy thêm rồi tình nguyện nhận tôi làm cha nuôi, hiện tại tôi đang có 30 đứa con nuôi”, ông Dũng nói.
Đã có hàng trăm học sinh học thêm ở nhà ông Dũng giờ đã ra trường, có việc làm. Anh Hồ Sỹ Hào (SN 1994, ở xóm 6 xã Hà Linh, Hương Khê) theo học ông giáo Dũng từ năm lớp 9, hiện tại đang làm việc tại Phòng cảnh sát Phòng chát chữa cháy tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: “Ông dạy hay hơn ở trường nên tôi mới theo học. Ông không truyền đạt theo logic sư phạm mà theo nhu cầu, trình độ của chúng tôi, cộng với việc ông biết cách tạo sự vui vẻ, thoải mái và được học thầy học bạn nên chúng tôi dễ tiếp thu và rất thích học”.
Đồng hành cùng học sinh
Có nhiều cống hiến cho công tác khuyến học, với một ý chí, nghị lực vươn lên phi thường, đến nay ông Đặng Tiến Dũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tặng Bằng khen và Cúp lưu niệm trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2010, được Huyện ủy, UBND huyện Hương Khê tặng nhiều giấy khen. |
Mỗi học sinh đến học với mình, ông Dũng đều hiểu rõ hoàn cảnh gia đình từng em. Ông chia sẻ gánh nặng đối với những em có hoàn cảnh khó khăn và đã trở thành “cầu nối” cho nhiều em học sinh nghèo hiếu học. Chẳng hạn như em Nguyễn Thị Giang ở xã Phương Điền – cách nhà ông Dũng 15 km, cha mất sớm, một mình mẹ nuôi 5 đứa con đi học. Giang nói với các bạn là muốn đến học chỗ ông nhưng không có tiền, ông đã bảo Giang đến học miễn phí. Thấy Giang không có xe, phải đi nhờ bạn, bữa đến được bữa không nên ông đã tặng cho Giang chiếc xe đạp để Giang chủ động đến lớp.
Chị Phạm Thị Nam (xóm 5, xã Phúc Đồng), mẹ của em Võ Thị Lệ Thủy vừa đậu ĐH Ngoại ngữ Huế năm 2015 ngậm ngùi chia sẻ: “Ông không chỉ nhận dạy cho con tôi mà còn động cả vật chất lẫn tinh thần vì ông biết hoàn cảnh nhà chúng tôi. Chồng tôi bị chấn thương sọ não, giờ đang bị chứng teo não, không làm được việc gì. Một mình tôi nuôi chồng và 2 đứa con ăn học. Trước khi Thúy thi ĐH, vợ chồng tôi lục đục, chuẩn bị ly hôn nhưng ông Dũng đã đến khuyên can là đừng làm như thế ảnh hưởng đến tâm lý của con, tôi đã nghe theo. Lúc đầu Thúy học kém môn Toán nhưng nhờ ông chỉ dạy nên em đã khá lên hẳn. Nhận được tin Thúy đỗ đại học tôi không thể tin được”.
Hơn 20 năm gieo chữ, ông Dũng không thể nhớ hết là đã có bao nhiêu em học sinh đỗ ĐH, chỉ biết bình quân mỗi năm có khoảng 20-40 em đậu ĐH. Qua các thời kỳ, học sinh đến học gọi Đặng Tiến Dũng bằng chú, rồi ông chứ không phải là thầy, vì như ông Dũng nói: “Gọi thầy là lấn sân của giáo viên mà tôi có được đào tạo làm thầy đâu”. Nhưng đối với hàng trăm học sinh, phụ huynh cũng như những người làm nghề giáo ở Hà Tĩnh thì ông là người thầy đáng kính, đáng khâm phục nhất.
Chia sẻ về bí quyết dạy học của mình, ông Dũng nói: “Bây giờ chương trình học thay đổi thường xuyên, mình phải tự tìm hiểu, học hỏi, nắm bắt được cái mới để bổ sung cho các cháu. Cũng may trời phú cho cái uy, với lại đam mê với nghề này nên tôi luôn trăn trở làm thế nào để truyền dạy kiến thức cho các cháu. Kể cả một, hai giờ sáng, có cháu nào gọi điện hỏi bài tôi liền dậy nghiên cứu rồi giải cho cháu hiểu mới thôi”.